Đang xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân
- Người phụ thuộc bị bệnh hiểm nghèo được giảm trừ gia cảnh
- Chỉ được giảm trừ gia cảnh cho bản thân khi đã đăng ký thuế và mã số thuế thu nhập cá nhân
- Đăng ký muộn vẫn được giảm trừ gia cảnh
Theo đó, trong văn bản phát đi của mình, Tổng cục Thuế dẫn Luật số: 26/2012/QH13 ngày 22-11-2012 của Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 có hiệu lực từ 01-07-2013, quy định: Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng; trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Có ý kiến đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế thu nhập cá nhân gấp đôi so với hiện nay. |
“Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác quản lý thuế Thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế đã thường xuyên cập nhật chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo các công bố của Tổng cục Thống kê để đảm bảo quản lý thuế theo đúng quy định của Luật”, Tổng cục Thuế cho biết. Theo Tổng cục Thuế từ thời điểm tháng 7-2013 (thời điểm Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực) đến tháng 6-2019, CPI tăng thêm 18,17%.
Tổng cục Thuế cho rằng, con số này chưa đến mức biến động (20%) phải điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, dự kiến mức tăng CPI năm 2019 khoảng dưới 4% dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể vượt trên 20% so với thời điểm tháng 7-2013.
“Hiện nay, Tổng cục Thuế đang phối hợp với đơn vị có thẩm quyền của Bộ Tài chính để nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo đúng quy định của Luật thuế Thu nhập cá nhân cùng với việc rà soát đánh giá tổng kết toàn diện chính sách này để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét quyết định”, Tổng cục Thuế thông tin.
Được biết gần đây, một số ý kiến cho rằng ngưỡng giảm trừ gia cảnh quá lỗi thời so với mặt bằng giá cả hiện nay. Ngoài tiêu chí chỉ số CPI tăng quá 20%, lương cơ sở cũng tăng gần 30% kể từ năm 2013 đến nay, từ mức 1,15 triệu đồng/tháng tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng 42%, từ mức 41,1 triệu năm 2013 lên 58,5 triệu đồng năm 2018. Thu nhập tăng lên dẫn đến số thuế nộp cũng tăng lên, trong khi ngưỡng nộp thuế không thay đổi khiến người dân phải nộp thuế nhiều hơn.
Các chuyên gia cho rằng nên tăng ngưỡng giảm trừ cho người có thu nhập lớn hơn 9 triệu đồng và tăng mức cho mỗi người phụ thuộc nhiều hơn 3,6 triệu đồng.