Đăng thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi có thể bị xử phạt 20 triệu đồng

Thứ Hai, 11/03/2019, 18:10
Chiều 11-3, chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang Mami, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa đã có buổi làm việc với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xung quanh thông tin dịch tả lợn châu Phi mà người này đã đăng tải. Chủ tài khoản này đã thừa nhận và nhận thức rõ hành vi đưa thông tin không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin-Truyền thông), chiều 11-3, chủ tài khoản fanpage Đầm bầu thời trang Mami, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa đã có buổi làm việc với Cục xung quanh thông tin dịch tả lợn châu Phi mà người này đã đăng tải. Chủ tài khoản này đã thừa nhận và nhận thức rõ hành vi đưa thông tin không chính xác về dịch tả lợn châu Phi.

Trước đó, ngày 4-3, trang fanpage Đầm bầu thời trang  Mami đã gỡ bỏ nội dung này và gửi thông tin đến các đối tác thông báo những nội dung đã đăng tải về dịch tả lợn châu Phi có lây sang người là không đúng sự thật. Bên cạnh đó, fanpage Đầm bầu thời trang Mami cũng đăng tải thư xin lỗi những người theo dõi trên trang này về những thông tin liên quan đến dịch tả lợn châu Phi khiến người đọc hoang mang. 

Bệnh tả lợn châu Phi không lây sang người.

Được biết, sau khi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử gửi giấy mời làm việc, chủ trang fanpage này tiếp nhận đầy đủ thông tin, chủ động các biện pháp khắc phục hậu quả và đến làm việc đúng giờ, cũng như ký nhận biên bản thừa nhận các hành vi sai phạm, chấp nhận bị xử phạt hành chính. 

“Trong những ngày tới, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử sẽ ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi đăng tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi trên trang fanpage, theo quy định hiện nay thì mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng”, ông Do thông tin. 

Liên quan vấn đề này, ngày 8-3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi Bộ Thông tin – Truyền thông kiến nghị tăng cường kiểm tra, xác minh và xử phạt đối với các tài khoản mạng xã hội đăng tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, cụ thể có trang fanpage Đầm bầu thời trang Mami. 


NY
.
.
.