"Dân số vàng" - Thời cơ và thách thức
Từ nay đến năm 2020, dân số Hà Nội vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số "vàng"; tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao gấp hai lần tỷ trọng dân số phụ thuộc.
Tuy nhiên, cũng từ năm 2015, Hà Nội thực sự bước vào quá trình già hóa dân số với 10,6% dân số từ 60 tuổi trở lên, tỷ lệ này tăng lên 12,7% vào năm 2020. Nói cách khác, vào năm 2020 cứ 100 người Hà Nội có 13 người trong độ tuổi từ 60 trở lên.
Làm thế nào để tận dụng cơ cấu dân số "vàng" tạo cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội? Nghiên cứu của các chuyên gia dân số trên thế giới cho thấy, các xu hướng dân số nếu được xử lý tốt có thể tăng cường sự phát triển bền vững; nếu xử lý không tốt chúng sẽ hạn chế đáng kể các khả năng phát triển bền vững.
Chính vì vậy, trong thời kỳ cơ cấu dân số "vàng", các cấp chính quyền và ngành chức năng thành phố cần có những chính sách phù hợp về kinh tế - xã hội như đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương (người nghèo, phụ nữ, người khuyết tật,...), tạo việc làm và phát triển kỹ năng, bảo đảm bình đẳng giới.
Cơ cấu dân số "vàng" thực sự là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của thành phố. Đây còn là cơ hội để tích lũy nguồn lực, tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai.