ĐBSCL cần chuyển các dự án “thoát lũ” thành “trữ lũ”
Nói về thực trạng của các tỉnh ĐBSCL, ông Lữ Cẩm Khường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, năm 2015 lũ thấp dưới mức báo động, nên ngành nông nghiệp tỉnh đang đối mặt với những khó khăn và thách thức to lớn.
Không có lũ, ngoài việc thiếu nước tưới, nông dân còn gánh chịu đủ thứ phát sinh như chuột, sâu bệnh phát triển phá hoại mùa màng. Ruộng không có phù sa nên lượng phân bón đổ xuống phải nhiều hơn khiến chi phí tăng (chi phí khoảng 3-5 triệu đ/ha).
Tình trạng lũ thấp, hạn mặn chỉ là hiện tượng cực đoan cần phải bình tĩnh tìm cách thích ứng. |
Những năm trước, khi còn lũ, An Giang xuống giống lúa nổi trên 100ha, nhưng năm nay chỉ xuống giống được 25ha, nhưng với tình hình thực tế, thiếu nước tưới tiêu thì việc phải trắng tay là dễ dàng nhận thấy. Nếu sử dụng lượng nước trong hồ chứa để tưới tiêu cho lúa thì năng suất mang lại cũng không đáng kể.
Việc lũ không về còn làm suy giảm đi nguồn lợi thủy sản, nghề nuôi trồng cũng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, GDP của tỉnh An Giang tăng 10% - 15% trong mùa lũ thì trong ba năm trở lại đây, hầu như nông dân không có thu nhập.
Còn ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết: “Tiền Giang có 5 huyện (khoảng 13.900 ha) ở phía Tây bị ảnh hưởng từ lũ, do lượng nước đổ về từ vùng Đồng Tháp Mười, nên dự kiến cuối tháng 10 lũ sẽ đạt mức cao nhất.
Hệ thống đê bao đã sẵn sàng đảm bảo cho vụ lúa Đông-Xuân. Tuy nhiên, năm 2015 lũ không về thì vụ Đông-Xuân đối mặt với tình hình hạn mặn, gây thiệt hại nặng nề dù tỉnh đã chủ động bơm nước ngọt cứu lúa (khoảng 1 triệu đ/ha).
Trước tình hình đó, tỉnh Tiền Giang lo ngại tình trạng xâm nhập mặn phía Đông của tỉnh sẽ ảnh hưởng đến 100.000ha diện tích đất nông nghiệp. Theo TH.s Nguyễn Hữu Thiện, nghiên cứu độc lập về sinh thái khu vực ĐBSCL, nhấn mạnh: “Phân bón không thể thay thế được phù sa.
Vì vậy, chúng ta cần phải tiết kiệm phù sa trước tình hình diễn biến thất thường từ lũ. Từ đó, chúng ta cần giảm lúa vụ 3 để phục hồi không gian dự trữ và tiết kiệm dinh dưỡng. Phải thay đổi để thích ứng và thích ứng không phải là cố giữ tình trạng hiện tại”.
Các chuyên gia vùng ĐBSCL bàn về các thích ứng với tình trạng lũ thấp, hạn mặn. |
Th.s Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hiện tượng năm nay chỉ là hiện tượng cực đoan trong 90 năm nay, chưa khẳng định được đây là khuynh hướng nên đừng lấy đó làm chuẩn cho chiến lược lâu dài. Còn đối với các công trình ứng phó với BĐKH thì nên xây dựng nhỏ, không nên làm các công trình lớn vì sẽ tạo ra chi phí cao, đồng thời làm đảo lộn tự nhiên.
Song song đó, cần nhìn thấy tầm quan trọng của không gian trữ lũ vốn có của vùng Đồng Tháp Mười, nên tìm giải pháp khôi phục, năm 2000 sức chứa lũ của Đồng Tháp Mười là 9,2 tỉ m3, nhưng chỉ còn 4,5 tỉ m3 vào năm 2011.
Cần nhìn nhận, các đập thủy điện phía thượng nguồn Trung Quốc không giữ vai trò quyết định dòng chảy trên dòng Mekong, chỉ chiếm 16% lượng nước, nhưng đã giữ lại 50% lượng phù sa. Cái phải lo là sắp tới khi 11 đập thủy điện tại Lào đi vào hoạt động thì ĐBSCL sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì khi các đập thủy điện sẽ xả lũ theo hợp đồng cung cấp điện của họ. Từ đó ranh giới mặn ngọt của đồng bằng sẽ diễn biến theo việc tích/xả nước.
Còn PGS-TS Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, đề ra 2 việc làm cấp thiết của vùng ĐBSCL: Thứ nhất là ngưng việc mở rộng đê bao khép kín, triệt để. Thứ 2, chuyển các dự án “thoát lũ” thành dự án “trữ lũ”.
TS Dương Văn Ni, Giảng viên Khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH Cần Thơ, đề xuất: Các tỉnh vùng ĐBSCL cần phải thiết lập ra bản đồ rủi ro để ước tính các trường hợp xảy ra mà có cách thích ứng phù hợp. Tăng cường công tác dự báo chính xác ở ngay tại địa phương. Cần tái cơ cấu sản xuất nhưng chủ yếu là thay đổi về mặt mùa vụ (chú ý đến vấn đề an ninh lương thực). Nhìn nhận nước nhiều hay nước ít là quy luật, cần thích ứng. Đặc biệt, phải liên kết vùng để đề ra cột mốc nhằm phát huy tối đa tiềm năng của ĐB SCL.