Ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL: Nhận thức đúng để hành động đúng

Thứ Năm, 15/09/2016, 09:00
Châu thổ sông Mekong, mà đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần tận cùng về phía Nam giáp với biển, là một trong ba châu thổ lớn của thế giới đang bị uy hiếp bởi sự biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu.

Theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, ứng phó với BĐKH tại ĐBSCL đang cùng lúc đối diện với nhiều yếu tố bất định. Trước tiên là các bất định đến từ việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, bao gồm việc chuyển nước (Thái Lan đã chuyển một lượng nước từ sông Mekong sang lưu vực sông Chao Phraya) và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong từ cao nguyên Tây Tạng trở xuống. 

Trong lúc Trung Quốc đang tích cực hoàn thành 14 đập thủy điện trên sông Lancang vào năm 2020 thì ở hạ lưu vực đã bắt đầu việc xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính với các đập Xayaburi, Don Sahong và sắp tới là Pakbeng.

Các đập thủy điện biến dòng chảy liên tục theo trọng lực thành một chuỗi đập, thay đổi sinh thái thủy văn trong lưu vực, giữ lại một lượng nước và trầm tích quan trọng trong các lòng hồ, gây nên thâm hụt trong cán cân trầm tích ở hạ du, làm thay đổi địa mạo lòng sông, cửa biển và đường bờ biển. Đó là thách thức lớn, tác động tiêu cực đến môi trường, đa dạng sinh học, sản xuất, đời sống của cư dân và đặt ĐBSCL trước nguy cơ lún chìm và bị xâm thực.

Đối với bất định do tác động của con người, dễ thấy nhất là việc làm mất rừng ngập mặn bờ biển, đồng nghĩa làm mất đi đệm chắn sóng thiên nhiên và khả năng quyện giữ phù sa. Khai thác cát tùy tiện dọc sông Tiền, sông Hậu đã làm trầm trọng thêm sự thâm hụt của cán cân trầm tích. Khai thác nước ngầm quá mức góp phần làm mặt đất đồng bằng sụt lún.

Tình hình khô hạn vào đầu năm 2016 gây khó khăn và thiệt hại nghiêm trọng cho ĐBSCL.

Trong bối cảnh ĐBSCL bị đe dọa, toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế buộc nền kinh tế vùng châu thổ này phải có sức cạnh tranh cao hơn và phải có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Công việc này không đơn giản khi nền kinh tế thế giới khôi phục chậm và hàm chứa những yếu tố bất ổn không lường trước được. 

Thế nhưng, mô hình phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn lấy lúa gạo là sản phẩm chủ lực, tiếp tục thiên về số lượng hơn chất lượng; tài nguyên đã và đang bị lãng phí, đặc biệt tài nguyên đất và nước; chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản bị đứt đoạn, thiếu thương hiệu có uy tín trên thương trường quốc tế (ngay cả gạo cũng chưa có một thương hiệu nào); thu nhập bình quân đầu người ở ĐBSCL so với cả nước không ngừng “tuột dốc” từ năm 2000 đến nay.

Để hành động vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL, theo GS Trân, việc quan trọng đầu tiên dù khó nhưng phải kiên trì đó là xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước cho sông Mekong cần được quy định bằng một điều ước quốc tế. Tiếp đến, cần rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, và các quy hoạch phát triển ngành, địa phương phù hợp với sinh thái của 3 tiểu vùng, theo hướng phải tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả cao nước ngọt, chung sống với hạn, mặn và ngập, khai thác nước lợ và nước mặn như là một tài nguyên, đồng thời đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt của người dân.

Tiếp đến, cần nghiên cứu những biện pháp phi công trình (có giống cây, con cho vùng lợ, mặn,…). Có chính sách để tái tạo rừng ngập mặn, rừng tràm ở những vùng trũng trong Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau,… Phải chuyển mô hình phát triển ĐBSCL từ chiều rộng (vắt kiệt và lãng phí tài nguyên) sang chiều sâu (hàm lượng khoa học công nghệ tăng trong sản phẩm); từ số lượng sang chất lượng, hiệu quả và phát thải ít khí nhà kính. Đa dạng hóa sản phẩm và các sản phẩm có chỗ đứng trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Mô hình phải sát với điều kiện sinh thái của 3 tiểu vùng ngọt chiếm ưu thế, mặn chiếm ưu thế và ngọt mặn cân bằng động.

ĐBSCL sản xuất lúa ít hơn nhưng gạo có giá trị xuất khẩu cao, để cho đất “nghỉ” vì phù sa về ngày càng ít, và bồi dưỡng cho đất bằng luân canh với các cây họ đậu. “Bám trụ”, tổ chức lại cuộc sống và sản xuất trong vùng lợ mặn và ngập mặn. Có chính sách khôi phục rừng ngập mặn, rừng tràm, quản lý tốt hơn việc khai thác tài nguyên; theo dõi, đo đạc và lưu trữ số liệu về lượng phù sa chảy về đồng bằng, về khai thác cát sông, về khai thác nước ngầm, về độ sụt lún mặt đất.

GS Trân cho rằng, hơn bao giờ, sự liên kết chuỗi, liên kết vùng, phát triển kinh tế vùng là bức thiết trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế. Quy chế thí điểm liên kết phát triển KT-XH vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 – 2020 vừa được ban hành, cần được triển khai tích cực.

Để phát triển bền vững phải giải quyết tình trạng ĐBSCL là vùng trũng về giáo dục và cần đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng cơ sở. Đi cùng đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đặc biệt với các nước trong khu vực, để dự báo những biến đổi về khí hậu trong phạm vi lưu vực, và cùng nghiên cứu những vấn đề đặt ra trong ứng phó. Hợp tác có hiệu quả trong các dự án, chương trình do các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ góp sức cùng Viêt Nam ứng phó với BĐKH…

Thái Bình
.
.
.