Cuộc sống mới của người dân định cư bên dòng A Sáp

Thứ Sáu, 19/02/2016, 09:52
Được sự vận động của các cấp chính quyền và lực lượng Công an, thời gian qua, người dân ở vùng đất A Bả, thuộc xã Nhâm, huyện miền núi A lưới (Thừa Thiên- Huế) đã dần xóa bỏ các tập tục, hủ tục lạc hậu để vươn lên phát triển kinh tế và nỗ lực làm giàu...


Một ngày đầu xuân mới, từ thị trấn A Lưới, chúng tôi vượt đoạn đường đèo dốc quanh co để đến với thôn A Bả. Nằm bên dòng sông A Sáp, thôn A Bả với những mái nhà lợp tôn san sát nhau dần hiện ra giữa vùng đối núi hoang vu. Bên trong ngôi nhà gỗ đơn sơ, già Nguyễn Văn Triền (Trưởng thôn), pha trà mời khách và trò chuyện rằng, trước đây người dân A Bả sinh sống phía bên kia ngọn đồi. Đầu năm 2010, thực hiện chủ trương di dời để nhường đất cho dự án thủy điện A Lưới, 60 hộ dân trong thôn phải chuyển qua vùng đất mới này để định cư. 

“Vì nơi ở mới thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn lương thực, thực phẩm đều phải mua từ những nơi khác về. Thế nhưng cuộc sống vất vả, nghèo khó ban đầu dần cũng qua đi khi bà con trong thôn bản đã ra sức nỗ lực lao động, từng bước xây dựng nhà cửa, làm đường sá đi lại để hy vọng có được cuộc sống ấm no”, già Triền nhớ lại.

Cuộc sống của người dân A Bả dần khởi sắc khi xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Tìm hiểu được biết, do địa bàn giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào), nên từ năm 1990, có rất nhiều người Lào sang A Lưới mưu sinh và sau đó ở lại lập gia đình với người Việt. Ông Hồ Viết Rưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm cho hay, có thời điểm xã có gần 30 trường hợp lấy chồng, hoặc vợ người Lào; nhưng các cặp vợ chồng không làm giấy đăng ký kết hôn tại địa phương, gây khó khăn trong việc quản lý, cũng như làm sổ hộ khẩu, tách khẩu... 

Điển hình là chuyện của chị Hồ Thị Mễ (25 tuổi), ở huyện Kà Lừm, cưới anh Nguyễn Văn Trao (26 tuổi), ở thôn A Bả. Chị Mễ kể: “Ngày đó, mình theo bố vượt sông A Sáp qua A Lưới để bán những sản vật của núi rừng đổi lấy gạo và tình cờ gặp anh Trao. Sau nhiều lần đi sim, hai đứa mình quyết định đến chung sống với nhau chứ lúc ấy không biết giấy đăng ký kết hôn là cái chi!”. 

Hay như trường hợp của anh Hồ A Đới, ở huyện Kà Lừm, lấy chị Hồ Thị Tươi ở thôn A Bả. Để cưới được chị Tươi và sang định cư ở A Bả, ngoài tổ chức lễ cưới theo phong tục truyền thống thì gia đình anh Đới phải chuẩn bị lễ vật là bạc trắng và mã não chứ cũng không đăng ký kết hôn gì... 

Tuy nhiên, theo lời già Triền thì đó là câu chuyện của những năm trước khi người dân chưa nắm rõ các quy định của pháp luật. Còn giờ đây, qua công tác vận động tuyên truyền của thôn, xã và lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng nên người dân trong thôn bản đã dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, như đi sim, tảo hôn, chữa bệnh bằng việc cúng ma. Nam nữ thanh niên trước khi lập gia đình đều phải làm giấy đăng ký kết hôn...

Đặc biệt, hiện trong thôn A Bả còn có nhiều cặp vợ chồng trẻ cam kết không sinh con thứ 3 và quyết tâm làm giàu bằng việc trồng rừng, như vợ chồng anh A Kiềng Sang (22 tuổi, dân tộc Tà Ôi) và chị Hồ Thị Ky (20 tuổi, người dân tộc Cơ Tu). Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng vợ chồng anh Sang và chị Ty đã xây được 1 căn nhà riêng, có trong tay gần 1ha keo tràm và sắn, 1 đàn bò gần chục con. “Mình đi bộ đội về mới cưới vợ. Để có được như hôm nay cũng là nhờ vào sự vận động của già làng, của các cán bộ Công an và Bộ đội biên phòng đấy!”, anh Sang hồ hởi trải lòng.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Hồ Viết Rưng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm còn cho biết, hiện thôn A Bả, xã Nhâm đã tổ chức kết nghĩa với bản A Róc, khu vực I Reo, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông. Vì thế cả 2 bên đã cam kết cùng nhau thực hiện nghiêm túc quy chế về đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới hai nước Việt Nam - Lào. Và đến nay, đã có 62 người Lào được các cấp tạo điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam và sang lập gia đình, định cư tại thôn A Bả. 

“Nhờ công tác tuyên truyền, vận động nên đồng bào sống dọc biên giới Việt - Lào đã phát huy truyền thống đoàn kết; nhận thức của người dân được nâng lên, tình trạng xâm canh, xâm cư không còn tái diễn, cuộc sống của người dân vùng biên giới… Trong đó có A Bả ngày càng được khởi sắc khi tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo được giảm dần qua từng năm. Đây là tín hiệu hết sức đáng phấn khởi của địa phương”, ông Rưng khẳng định.

Anh Khoa
.
.
.