Công bố nguyên nhân tôm chết hàng loạt ven vịnh Xuân Đài ở Phú Yên
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – ông Trần Hữu Thế cho biết, từ ngày 24 đến 26-5 và ngày 1 đến 6-6, vùng nuôi tôm ven vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu đã có hơn 1,6 triệu con tôm của 693 hộ gia đình ở phường Xuân Yên và xã Xuân Phương bị chết.
Sự cố nêu trên không chỉ gây hoang mang đối với người nuôi tôm, mà nhiều ngày liền hàng trăm người dân tụ tập trước Công ty TNHH thủy sản Nguyễn Hưng chỉ vì nghi ngờ doanh nghiệp này xả thải ra môi trường khi chưa có căn cứ khoa học.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, các cơ quan chức trách đã phối hợp và trưng cầu nhiều tổ chức chuyên ngành thu thập mẫu nước, bệnh phẩm tôm chết để tiến hành kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân.
Kết quả phân tích mẫu nước và trầm tích thu thập tại hiện trường từ ngày 11 đến 26-5 do Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên thực hiện cho thấy, trước khi xảy ra sự cố tôm chết hàng loạt, chất lượng môi trường nước đã bị ô nhiễm.
Kết quả quan trắc của Sở TN-MT Phú Yên và Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, hàm lượng hữu cơ cao hơn mức cho phép, Viện Hải dương học Nha Trang kết luận “Mật độ nuôi cao, lồng đặt sát đáy; kết cấu và kiểu nuôi lồng bè: Lồng đóng kín, kích thước lồng nhỏ; nắng nóng kéo dài khiến cho nhiệt độ nước tăng cao, dẫn đến quá trình phân rã và khoáng hóa mạnh các chất hữu cơ tích tụ lâu ngày trong nền đáy của vùng nuôi. Ngoài ra sự tích tụ chất hữu cơ từ thức ăn dư thừa trong quá trình cho tôm ăn trong nền đáy dẫn đến hiện tượng phú dưỡng…Đó là những căn nguyên gây nên hiện tượng thiếu oxy tầng đáy, dẫn đến việc tôm hùm chết hàng loạt”. Ngoài ra, vi khuẩn Vibrio trong mẫu môi trường ở nơi xảy ra sự cố tôm chết hàng loạt tăng cao.
Mật độ lồng bè nuôi tôm và số lượng tôm quá dày là một trong những nguyên nhân dân đến sự cố tôm chết hàng loạt. |
Kết quả xác minh của Công an tỉnh Phú Yên cho thấy, trong thời gian Công ty TNHH Nguyễn Hưng nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5-2017, toàn bộ nước thải đã được vận chuyển đến cơ sở xử lý nước thải của Công ty TNHH bột cá Phú Bình ở xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu.
Ngoài ra, sau nhiều cuộc khảo sát thực tế hiện trường kết hợp trích xuất hình ảnh từ camera, không có căn cứ để quy kết cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng lén lút xả thải ra vịnh Xuân Đài khi chưa xử lý theo quy định. Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Phú Yên cũng đã thu thập, kiểm nghiệm và kết luận mẫu nước thải thô chưa qua xử lý và mẫu nước ở hiện trường tôm chết không có sự tương quan với nhau.
Từ những kết quả phân tích, kiểm nghiệm độc lập của các cơ quan chuyên trách nêu trên đã có đủ căn cứ kết luận sự cố tôm chết hàng loạt ven vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn xã Xuân Phương và phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu không liên quan đến nguồn nước xả thải từ cơ sở chế biển thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng, mà nguyên nhân môi trường vùng nuôi tôm bị ô nhiễm, tích tụ lượng lớn các chất hữu cơ; thời điểm xảy ra sự cố nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước tăng cao, chuyển mưa bất chợt khiến cho chất hữu cơ phân hủy, các loài vi tảo phát triển mạnh...trong khi đó mật độ lồng bè và tôm nuối trong mỗi lồng quá nhiều, hàng loạt cọc tre, lốp xe được ngư dân sử dụng để nuôi vẹm, hàu…gây ảnh hưởng lưu thông nguồn nước, dẫn đến hiện tượng oxy thấp.
Được biết, ngoài việc rà soát, kiểm tra hậu quả thiệt hại do tôm chết, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND thị xã Sông Cầu cùng các cơ quan chuyên trách khác triển khai các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa dịch bệnh tôm, xác lập quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản vịnh Xuân Đài, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm về môi trường…để góp phần ổn định đời sống kinh tế của người dân ở ven vịnh Xuân Đài.