Sự cố tôm hùm chết hàng loạt ở Phú Yên

Mất trắng hơn 700 tỷ đồng nhưng chưa kết luận nguyên nhân

Thứ Sáu, 02/06/2017, 15:15
Sự cố tôm hùm chết hàng loạt ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) gây thiệt hại rất nghiêm trọng khiến cho người dân hoang mang lo ngại, chính quyền địa phương cùng nhiều cơ quan chức trách vào cuộc xác định nguyên nhân, khẩn trương triển khai các biện pháp kỹ thuật “giải cứu” tôm hùm còn lại và tìm kiếm giải pháp hỗ trợ người dân góp phần ổn định đời sống…


Tại cuộc họp báo sáng ngày 2-6 dưới sự chủ trì của ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Tri Phương – Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, đến thời điểm này đã có 769.175 con tôm hùm của 502 hộ gia đình thả nuôi ở vịnh Xuân Đài thuộc địa phận xã Xuân Phương và phường Xuân Yên bị chết, trong đó có 35% tôm hùm bông, 65% tôm hùm xanh, tổng thiệt hại ước tính hơn 700 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo sáng ngày 2-6.

Theo nhiều người dân địa phương, mặt nước vịnh Xuân Đài ở khu vực xảy ra sự cố tôm hùm chết hàng loạt đã chuyển màu nâu đỏ từ giữa tháng 5-2017, một số hải sản như cua, cá, ghẹ sinh sống tự nhiên ở tầng đáy chết bất thường. Cùng thời điểm này, Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung thuộc Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (NC-NTTS) III và nhóm kỹ sư thực hiện đề tài nghiên cứu về tôm hùm của Trường Đại học nông – lâm Thủ Đức phối hợp Chi cục thủy sản, Trung tâm giống và kỹ thuật thủy sản (KTTS) Phú Yên thu thập mẫu nước và bệnh phẩm tôm hùm chết để kiểm nghiệm.

Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu trả lời câu hỏi của phóng viên Báo CAND

Bằng cảm quan cho thấy nguồn nước có mùi hôi tanh, chuyển màu nâu bất thường, hàm lượng ô xy hòa tan rất thấp, nhiệt độ nước, hàm lượng PO4, hàm lượng chất hữu cơ và Sulfua trong mẫu trầm tích cao, mật độ vi khuẩn Vibrio trong mẫu nước vượt giới hạn cho phép…Đến chiều tối 24-5 thời tiết thị xã Sông Cầu nắng nóng nhưng bất chợt mưa giông lớn, nước trong vịnh Xuân Đài chuyển màu nâu đỏ, tôm hùm trong lồng đặt sát đáy chết hàng loạt.

Trước thực trạng nêu trên, UBND tỉnh Phú Yên ráo riết chỉ đạo Sở NN-PTNT Phú Yên, UBND thị xã Sông Cầu cùng các cơ quan chức trách hướng dẫn người dân nâng lồng bè lên khỏi đáy từ 1 -1,5m, thu dọn vệ sinh lồng bè, bổ sung vitamin và khoáng chất trong thức ăn tôm, di dời lồng bè đến vùng nước sạch có đủ oxy, giảm bớt lượng tôm trong lồng nuôi…

Do bức xúc trước sự cố tôm hùm chết hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống kinh tế, một số người nghi ngờ nguồn nước thải từ cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng ở xã Xuân Phương gây ô nhiễm môi trường vùng nuôi tôm, nên từ chiều 27 đến 30-5, hàng trăm người dân tụ tập tại cơ sở này để yêu cầu làm rõ sự thật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến và Trần Hữu Thế cùng UBND thị xã Sông Cầu cùng các cơ quan chức trách kiên trì đối thoại, giải thích, vận động người dân không nên bức xúc, mà cần bình tĩnh chờ đợi kết quả xác minh, thu thập chứng cứ khoa học. Trong ngày 29-5, một đoàn kiểm tra liên ngành đã vào cuộc theo quyết định của UBND tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường tại cơ sở chế biến thủy sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng; Chi cục chăn nuôi và thú y, Trung tâm giống KTTS thuộc Sở NN-PTNT Phú Yên, Viện NC-NTTS III, Trường Đại học nông – lâm Thủ Đức thu thập mẫu nước độc lập ở vùng nuôi tôm trong vịnh Xuân Đài, mẫu bệnh phẩm tôm hùm chết, mẫu nước thải từ cơ sở chế biến hải sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng, tiến hành phân tích, kiểm nghiệm.

Lồng bè nuôi tôm tự phát với mật độ dày trên vịnh Xuân Đài từ nhiều năm qua những đến nay UBND thị xã Sông Cầu chưa giao mặt nước nuôi trồng thủy sản, chưa quy hoạch chi tiết vùng nuôi tôm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên – ông Trần Hữu Thế khẳng định, do chưa có kết quả kiểm nghiệm từ các cơ quan chuyên trách, nên chưa có căn cứ khoa học để kết luận nguyên nhân tôm hùm chết hàng loạt. Ngày 1-6, UBND tỉnh Phú Yên đã có báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, Ngành ở Trung ương xem xét hỗ trợ người nuôi tôm bị thiệt hại; chỉ đạo Sở NN-PTNT Phú Yên và UBND thị xã Sông Cầu triển khai các biện pháp tiêu độc khử trùng vùng nước xảy ra sự cố tôm hùm chết hàng loạt, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân chăm sóc, phòng trừ bệnh tôm để giảm thiểu thiệt hại.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo, các ông Phạm Kiên - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, Phó Chủ tịch Lương Công Tuấn; bà Lê Đào Anh Xuân – Phó giám đốc Sở tài nguyên – môi trường; ông Nguyễn Tri Phương – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, thừa nhận đến thời điểm này chưa giao mặt nước nuôi trồng thủy sản cho người dân 6 xã ven vịnh Xuân Đài theo quy định pháp luật về đất đai, nên những năm qua lồng bè nuôi tôm, cá tự phát với mật độ dày; mặt nước nuôi trồng thủy sản chỉ mới phân vùng tạm thời, chưa có quy hoạch tiết; tồn dư chất thải dưới đáy nước vùng nuôi tôm ở vịnh Xuân Đài hàng chục năm qua chưa được xử lý; hệ thống bể xử lý nước thải tại cơ sở chế biến hải sản của Công ty TNHH Nguyễn Hưng bị hư hỏng tử tháng 3-2017 nên doanh nghiệp này chuyển nước thải đến Nhà máy chế biến bột cá Phú Bình ở xã Xuân Cảnh để xử lý nhưng không báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

HỮU TOÀN
.
.
.