Có bình chữa cháy nhưng… không biết sử dụng!

Thứ Bảy, 18/03/2017, 09:45
Một số ít hộ dân trang bị bình chữa cháy xách tay nhưng khi yêu cầu sử dụng thử thì không ai làm được, đó là thông tin được Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho biết.

“Chỉ vài tháng đầu năm 2017, số người tử vong do cháy gấp đôi cả năm 2016”, Đại tá Trần Thanh Châu - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh thông tin như thế tại cuộc họp báo tổng kết năm 2016 và triển khai công tác 2017 được tổ chức ngày 16-3.

Theo báo cáo, trong năm 2016, TP Hồ Chí Minh xảy ra 361 vụ cháy khiến 8 người tử vong, trong khi đó chỉ vài tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra 12 vụ cháy nghiêm trọng khiến 13 người tử vong. Đa phần các vụ cháy dẫn đến chết người xảy ra tại các hộ dân nhỏ lẻ, nhà dạng ống vừa là nơi ở vừa làm điểm kinh doanh.

Vụ cháy gần đây nhất xảy ra vào đêm 14-3 tại hộ kinh doanh Long Thành (73, đường Bình Long, phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) nếu như lực lượng chữa cháy không ứng cứu kịp thời thì có lẽ, đây lại là một vụ cháy nghiêm trọng. Căn nhà có kết cấu tường gạch, mái tôn, rộng khoảng 60 m².

Bên trong nhà chứa máy xay nhựa và các nguyên liệu chất đống chắn hết lối hoát hiểm. Nhiều hàng hóa chứa cạnh cửa thoát hiểm duy nhất trong nhà. Nhà cấp 4 nhưng được gắn nhiều lớp cửa, đặc biệt là lớp cửa cuốn.

Khi ngọn lửa bùng phát, Cảnh sát PCCC phải phá cửa cuốn mới tiếp cận được đám cháy. Những người trong nhà đã bị một phen hú vía. May mắn là ngọn lửa chưa lan rộng. Điều tra ban đầu cho thấy, đám cháy xuất phát từ chiếc đồng hồ điện gắn gần cửa ra vào.

Chiều tối 11-2, một vụ cháy ở Đường Lê Đại Hành, phường 13, quận 11, lực lượng chữa cũng kịp thời giải cứu 5 thành viên trong gia đình thoát khỏi đám cháy. Tuy nhiên, những trường hợp “may mắn” như thế này không phải nhiều.

Vừa là nơi ở vừa kinh doanh, sử dụng nhiều lớp cửa để chống trộm nên khi xảy ra sự cố cháy khó thoát.

Theo Đại tá Châu, tại các đô thị đa phần là nhà dạng ống, được tận dụng làm nơi kinh doanh, dưới tầng trệt luôn chứa đầy hàng hóa, xe gắn máy, xe ôtô, tầng mái được rào chắc chắn để chống trộm. Các vụ cháy thường xảy ra ban đêm, khi mọi người đang ngủ. Nhiều hộ kinh doanh không chú trọng đến việc chuẩn bị sẵn bình chữa cháy trong nhà vì tâm lý “sợ xui”.

“Một số ít hộ dân trang bị bình chữa cháy xách tay nhưng khi yêu cầu sử dụng thử thì không ai làm được. Lúc bình thường không sử dụng được bình chữa cháy thì khi gặp sự cố, tâm lý không ổn thì khó có thể dùng bình chữa cháy để dập lửa” - Đại tá Châu cho hay.

Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh cho hay, trong thời điểm mùa khô kết hợp với những cơn mưa bất thường khiến tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp.

Cảnh sát PCCC khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ, các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ dân, khuyến cáo bện pháp an toàn trong sử dụng điện, bếp gas. Tại các khu dân cư, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố cần tăng cường tuần tra, canh gác ban đêm, quản lý các nguồn điện, nguồn nhiệt, đặc biệt là các hộ sử dụng nhà làm điểm kinh doanh.

Mỗi gia đình cần dự phòng phương án thoát nạn ra khỏi nhà theo lối ra ban công, lối lên mái để sang nhà liền kề, cửa thoát nạn và hành lang phía sau nhà phải thông thoáng không được khóa chặt hoặc bị che lấp, nếu có điều kiện nên lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy để khi có sự cố cháy xảy ra sẽ chủ động thoát nạn.

Nghinh Phong

.
.
.