Cần giải quyết dứt điểm nạn bơm tạp chất vào tôm

Thứ Sáu, 16/12/2016, 17:50
Ngày 16-12, Bộ NN&PTNT, phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau, tổ chức hội nghị “Triển khai đề án kiểm soát, ngăn chặn tạp chất và kế hoạch kiểm soát hóa chất kháng sinh, tạp chất trong tôm”.


Tại hội nghị các đại biểu nhìn nhận, vấn đề tạp chất đã diễn ra từ nhiều năm nay và rất nan giải. Tôm tạp chất không chỉ gây bức xúc, làm giảm lòng tin người tiêu dùng, mà làm ảnh hưởng tới uy tín chất lượng của tôm Việt Nam trên thị trường Thế giới.

Theo Cục An ninh kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp (Tổng cục An ninh, Bộ Công an), năm 2016, đơn vị đã phối hợp với một số cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu tiến hành kiểm tra tình trạng bơm tạp chất trên địa bàn 2 tỉnh này. 

Đợt kiểm tra đã bắt 3 cơ sở, 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hành vi bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau tiến hành 64 đợt kiểm tra. Phát hiện 57 vụ sai phạm, với số lượng gần 12 tấn tôm có chứa tạp chất. Tổng số tiền xử phạt hành chính trên 1,7 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Cà Mau này còn phối hợp Công an địa phương, Chi cục QLTT...  kiểm tra, xử lý thêm 36 vụ vi phạm với số lượng tôm trên 9 tấn. Tại Bạc Liêu, thống kê trong vòng 3 năm qua, ngành chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra 100 lượt, phát hiện tới 44 trường hợp sai phạm, với số lượng tôm có chứa tạp chất hơn 6,9 tấn, sử phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Thực trạng trên cũng được đại diện Sóc Trăng, Kiên Giang thừa nhận và cho biết khá phức tạp.

Tại hội nghị, ông Trịnh Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho rằng, người nuôi tôm không bơm chích tạp chất. Đầu mối là các cơ sở thu mua, nhưng nếu không có nơi tiêu thụ thì người ta cũng không đưa tạp chất vào. 

Xem xét từ nguồn cội, chính những doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tôm tạp chất đã mở đường để tình hình tệ hơn. Chế tài xử lý hiện nay không đủ mạnh. Cần tăng mức xử phạt. Đến mức độ nào đó, phải đóng cửa những cơ sở vi phạm. Bên cạnh đó, chúng ta phải đưa hành vi này vào Bộ luật Hình sự để đủ sức răn đe.

 Cũng nêu ra giải pháp, nhưng ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh đến giải pháp tuyên truyền. “Chúng ta nên trang bị cho người dân đủ kiến thức, tự khắc họ sẽ hạn chế và thậm chí biết ở đâu sai phạm. Khi phát hiện sai phạm, thì phải công bố rộng rãi phổ biến trên báo đài để xây dựng lòng tin và răn đe người sai phạm. Đặc biệt, cơ quan thanh tra phải có đường dây nóng để tiếp nhận thông tin mọi lúc” ông Dũng cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2018, cơ bản không còn tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Quyết định của Trung ương về vấn đề trên. Cần xây dựng hình thức xử lý trách nhiệm cho từng cấp quản lý. Khi phát hiện tôm tạp chất, Trưởng ấp, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm như thế nào?”.

Ngoài ra, ông Vũ Văn Tám cũng đề nghị Thanh tra Bộ NN-PTNT tham mưu, lập kế hoạch phối hợp cùng Bộ Công an lập đoàn liên ngành giám sát. Nếu đoàn liên ngành phát hiện địa phương nào có sai phạm trong tôm tạp chất nhưng cấp quản lý tại đó không biết thì Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm giải trình với Thủ tướng. Đây là cánh để hỗ trợ và cũng là giám sát quá trình thực hiện của địa phương.

Trần Lĩnh
.
.
.