Cấm chất tạo nạc Cysteamine hay để “lửng lơ” hiểm họa?
- Lại cho phép tái nhập “chất tạo nạc” Salbutamol
- Lại phát hiện heo sử dụng chất tạo nạc cấm
- Phạt 4 hộ nuôi heo sử dụng chất tạo nạc cấm
- Bộ Y tế cấm nhập chất tạo nạc Salbutamol và Clenbuterol
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ NN&PTNT, do thời gian vừa qua chúng ta khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol nên các cơ sở chăn nuôi chuyển sang dùng chất Cysteamine thay thế (nguồn gốc nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc), có tác dụng tăng trọng, tỷ lệ nạc cao như Salbutamol.
Vì vậy, nếu không cấm cũng như không cho phép sử dụng chất Cysteamine (xử lý như chất ngoài danh mục, không đủ sức răn đe) thì rất khó quản lý. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT nhận định, việc sử dụng Cysteamine tương đối phổ biến từ Bắc chí Nam…
Ngày 5-8, Đoàn Thanh tra đột xuất đã phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới (địa chỉ số 39 Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã nhập 2 loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown từ Thái Lan, đã bán cho các đại lý, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại lợn khu vực phía Bắc và phía Nam (bao bì không ghi thành phần Cysteamine).
Nhưng khi kiểm tra, đã phát hiện hàm lượng Cysteamine là 29.898mg/kg (29.898 ppm) và 30.645mg/kg (30.645 ppm). Thanh tra Bộ NN&PTNT ra quyết định xử phạt về hành vi nhập khẩu và kinh doanh chất không được cơ quan thẩm quyền cấp phép với số tiền 180 triệu đồng.
Một công ty ở huyện Bình Lục, Hà Nam trong 3 tháng đã bán 7 tấn Maxsure với giá 4,1 triệu đồng/gói 25kg ở phía Bắc và ở phía Nam là 5,5 triệu đồng. “Họ bán cho một số người dân ở Hưng Yên 6,5-10 triệu đồng/gói 25kg và chúng tôi phát hiện trong đó có thành phần Cysteamine. Nhìn vào mức lợi nhuận chênh lệch giữa mua và bán này có thể thấy rất lãi, lớn hơn cả buôn bán ma túy”, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) nhận định. Ngoài ra, lác đác tại các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Sơn La cũng đã xuất hiện tình trạng sử dụng chất Cysteamine.
Ảnh minh họa: Đức Hoảnh |
Chất Cysteamine không có trong danh mục của tổ chức CODEX - Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, bị Liên minh châu Âu (EU) cấm sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Hiện chỉ có duy nhất Trung Quốc là quốc gia cho phép Cysteamine CH1 được sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi.
Theo Bộ NN&PTNT, nhiều tổ chức thú y ở các nước trên thế giới khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lý cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể; không dùng trong chăn nuôi đại trà, thương mại...
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, cần đưa chất Cysteamine vào danh mục cấm sử dụng. Theo bà Thủy, hiện nay Cục Thú y không cho phép nhập Cysteamine. Các nước EU không đưa chất Cysteaminevào danh mục cấm, nhưng vì chất này thuộc nhóm hormone tăng trưởng nên đương nhiên bị cấm.
Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho rằng, đã đến lúc Bộ NN&PTNT phải thể hiện rõ quan điểm cấm hay là cho phép sử dụng chất Cysteamine?
Ông Việt bức xúc: “Những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ sử dụng chất Cysteamine và bán rất chạy. Không có cám để mà bán. Như vậy tạo ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu chúng ta không cấm mà cứ để lưỡng tính như vậy, tôi khẳng định sẽ có rất nhiều những doanh nghiệp sử dụng cái này bởi vì chế tài xử phạt tương đối nhẹ (15-20 triệu đồng)”.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nêu quan điểm, nếu đưa chất Cysteamine vào danh mục cấm thì việc sử dụng sẽ bị xử lý rất nặng theo quy định của Luật Hình sự.
“Chính vì thế, Cục Chăn nuôi đề xuất chưa đưa chất Cysteamine vào danh mục các chất cấm sử dụng, đồng thời cũng chưa cho phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để chờ thêm bằng chứng khoa học rõ ràng về tác hại của Cysteamine đối với sức khỏe vật nuôi và con người. Đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ sản phẩm thức ăn chăn nuôi công bố có chất Cysteamine được phép lưu hành tại Việt Nam”, ông Dương khẳng định.
Trước đề xuất của các Cục Thú y, Chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã giao giao Cục Chăn nuôi tổng hợp ý kiến hoàn chỉnh báo cáo chính thức gửi về Bộ; đồng thời phối hợp với Thanh tra Bộ tăng cường xử lý vi phạm.
Thứ trưởng cũng giao các đơn vị tìm hiểu thêm về lý do vì sao EU đưa Cysteamine vào nhóm hormone tăng trưởng (nhóm bị cấm sử dụng). Ông Tám nhấn mạnh: “Trước hết, phải khuyến cáo người dân không nên sử dụng Cysteamine, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không phải vì lợi ích của một nhóm người”.
Cysteamine có khả năng gây ung thư Theo GS.TS Vũ Duy Giảng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi, Cysteamine hay còn có các tên gọi khác như aminoethanethiol; thioethanolamine… là một hợp chất hóa học thường được sử dụng dưới dạng muối có tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hoóc - môn tăng trưởng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi. Khi gia súc gia cầm ăn thức ăn có chứa chất này thì các hoóc - môn tăng trưởng sẽ được tự do giải phóng, giúp vật nuôi phát triển nhanh chóng, gia tăng tỉ lệ nạc. Về bản chất, Cysteamine rất hữu dụng đối với cả y học và ngành chăn nuôi.Ở người, Cysteamine đã được sử dụng trong y học từ năm 1994 để điều trị bệnh một số bệnh liên quan đến thận, cơ, tuyến giáp, não và mắt. Gần đây, Cysteamine được sử dụng để điều trị những rối loạn suy giảm thần kinh do di truyền trong các bệnh Huntington và Parkinson… Tuy nhiên, nếu sử dụng chất này trong thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền, suy yếu hệ thống miễn dịch... |