Các tỉnh Nam Trung bộ tập trung phòng, chống cơn bão số 9

Thứ Hai, 26/10/2020, 13:28
Thực hiện công điện hỏa tốc 1470/CĐ-TTg ngày 26/10 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và các ngành liên quan, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đang tất bật triển khai ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9 (Molave).

Trong công điện gửi đến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) các huyện, thị xã, thành phố cùng các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Bình Định sáng nay (26/10), ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ huy PCTT – TKCN tỉnh Bình Định yêu cầu hoãn tất cả các cuộc họp không quan trọng để tập trung chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 9 (Molave) và nguy cơ mưa lũ lớn.

Tàu thuyền của ngư dân vận hành về vịnh Vũng Rô ở phía Nam Phú Yên để tránh bão.  Ảnh: Hữu Toàn

Thông tin PV Báo CAND ghi nhận, từ sáng 26/10, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đồng loạt tiến hành kiểm tra, kết nối liên lạc, kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển vận hành ra khỏi tầm nguy hiểm của bão, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền ven bờ tránh va đập; thu hoạch sớm kết hợp di dời, gia cố, giằng buộc lồng bè nuôi trồng thủy sản; kiên quyết cưỡng chế không để người dân lưu lại trên tàu thuyền, lồng bè thủy sản khi có cảnh báo bão gần bờ. 

Tàu đánh cá có công suất lớn cho đến những thuyền máy nhỏ hoạt động gần bờ đều chủ động vào bờ để neo đậu tránh bão.   Ảnh : Hữu Toàn

Trên đất liền, tập trung gia cố, giằng chống nhà ở, công sở, trường học, bệnh viện, kho chứa hàng hóa; tổ chức lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông hoặc ngăn chặn người và phương tiện tại các đoạn đường nước lũ tràn ngập, chảy xiết đồng thời phân công lực lượng và bố trí phương tiện thường trực để cứu nạn – cứu hộ tại những điểm xung yếu; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm và một số hàng hóa thiết yếu tại những nơi có nguy cơ bị lũ chia cắt; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống thủy lợi; rà soát phương án di dời, sơ tán tài sản và người dân những vùng trũng thấp, lũ lụt, nơi có nguy cơ sạt lở cao; tổ chức vận hành điều tiết liên hồ chứa theo đúng quy trình, quy định; triển khai lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tài sản nhà nước và nhân dân trước, trong và sau bão lũ. 

Người nuôi tôm, cá ở vịnh Vũng Rô tất bật giằng neo lồng bè để tránh bão.  Ảnh : Hữu Toàn

Đặc biệt là Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh và các đơn vị lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng cơ động cứu nạn – cứu hộ khi có sự cố xảy ra; ngành y tế dự trữ nguồn thuốc khử khuẩn, tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh tại những vùng bão lũ lớn, trong đó cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống COVID-19. Các địa phương xã, huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh phân công trực ban phòng chống bão số 9 xuyên suốt ngày đêm, 6 giờ 1 lần phải báo cáo tình hình bão lũ và hậu quả thiệt hại cho Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

Một số ngư dân ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu chủ động kéo lồng bè vào bờ, thu hoạch sớm tôm, cá để giảm thiểu thiệt hại.    Ảnh : Hữu Toàn

Đến trưa 26/10, tỉnh Khánh Hòa xác định 174 vị trí có nguy sơ sạt lở, 110 đoạn đường có khả năng nước lũ tràn ngập, chảy xiết cần phải chủ động sơ tán hơn 23.300 người dân trước khi bão lũ ập đến; 485 tàu thuyền với 3.230 ngư dân đang hành nghề đánh bắt thủy sản trên biển nhưng đều vận hành ngoài tầm dự báo nguy hiểm của bão, 3.541 tàu thuyền đang neo đậu tại các cảng cá, bến bãi; 2.560 bè với 53.544 lồng nuôi thủy sản đang được người dân tập trung di dời, giằng neo để yêu cầu gần 8.000 người dân rời khỏi lồng bè để tránh bão lũ; 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển và trên các đảo đã triển khai các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn cho khoảng 1.900 du khách đang lưu trú.

Tại Phú Yên đến sáng 26/10, lưu lượng nước trung bình ở các hồ thủy điện từ 50 - 500 m3/s; trong số 50 hồ chứa nước có 3 hồ thủy lợi lớn với tổng dung tích hơn 10 triệu m3, đó là hồ Đồng Tròn, Phú Xuân và Suối Vực. Tất cả đều mở cửa tràn và không tích nước. Bộ đội biên phòng Phú Yên đã kết nối liên lạc để cảnh báo bão cho 163 tàu thuyền với 962 ngư dân đang hành nghề ở khơi xa chủ động vận hành ra khỏi tầm nguy hiểm của bão, còn lại 124 tàu thuyền với 570 ngư dân hành nghề vùng lộng sẽ trở về cảng cá, bến bãi ven bờ trong ngày. Các công trình xây dựng đê kè phòng chống thiên tai ở cửa biển Đà Nông, cửa biển Đà Diễn và bờ biển xóm Rớ đã triển khai các phương án bảo vệ công trình, nhân lực và thiết bị kỹ thuật. Hàng trăm ngàn lồng bè tôm cá của ngư dân ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu; vịnh Vũng Rô ở thị xã Đông Hòa đã và đang được người dân tất bật giằng neo tránh bão…


Hữu Toàn
.
.
.