Các nhà khoa học nữ quốc tế bàn giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm

Thứ Sáu, 19/10/2018, 16:02

Tại sự kiện quốc tế “Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương 2018” do Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 19-10, nhân kỷ niệm Ngày phụ nữ Việt Nam, đã có một hội thảo riêng mang chủ đề “Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm” được mọi người đặc biệt quan tâm.



Các nhà khoa học nữ đều cho rằng an toàn thực phẩm (ATTP), dinh dưỡng và an ninh thực phẩm có mối liên quan mật thiết với nhau. Theo GS.TS Lê Thị Hợp - Phó Ban Khoa học Công nghệ và Kinh tế tài chính, Hội Nữ trí thức Việt Nam, gánh nặng kép về suy dinh dưỡng (SDD) là sự tồn tại cả thiếu dinh dưỡng và thừa cân béo phì, hay các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng trong mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng. ATTP dinh dưỡng và an ninh thực phẩm có mối liên quan mật thiết với nhau. 

Thực phẩm không an toàn gây ra bệnh tật và SDD, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi và người bệnh. Ước tính khoảng 600 triệu người - khoảng 1/10 dân số trên thế giới bị bệnh sau khi ăn phải thực phẩm ô nhiễm và 420.000 người chết hàng năm. 

Trẻ em dưới 5 tuổi bị ảnh hưởng 40% gánh nặng bệnh tật với 125.000 trẻ chết hàng năm. Các bệnh do thực phẩm kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến hệ thống y tế, thiệt hại cho kinh tế quốc gia, du lịch và thương mại.

Thực phẩm không an toàn gây ra mối đe dọa đối với y tế thể giới, gây nguy hiểm cho tất cả mọi người. Thực phẩm không an toàn gây ra vòng luẩn quẩn giữa “Tiêu chảy và suy dinh dưỡng”, đe dọa những đối tượng có nguy cơ cao. 

Hàng năm khoảng 220 triệu trẻ em bị mắc tiêu chảy và 96.000 tử vong. Các chính phủ cần coi ATTP là một vấn đề ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng. Từ đó, cần xây dựng chính sách, các quy định, đưa ra và triển khai hệ thống ATTP để chắc chắn rằng các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm trong cả hệ thống có trách nhiệm tuân thủ các quy định và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Các nhà khoa học nữ các nước bàn giải pháp đảm bảo ATTP

“Các chính phủ cần coi ATTP là ưu tiên cho sức khỏe cộng đồng, bởi vì họ có vai trò then chốt trong xây dựng chính sách, các quy định, để các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm có trách nhiệm tuân thủ các quy định và cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng”- GS.Hợp nhấn mạnh.

GS.TS Phan Thị Kim - Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật ATTP Việt Nam, Viện trưởng Viện ATTP và Dinh dưỡng - hy vọng tại hội nghị của các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương lần này, có nhiều chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong xã hội. Sự “liên kết 4 nhà” luôn có sự gắn kết các nhà khoa học, quản lý, người tiêu dụng, doanh nghiệp với mục đích là bán sản phẩm ra thị trường có sức khỏe cho người tiêu dùng.

Ô nhiễm môi trường và ô nhiễm thực phẩm gắn chặt với nhau, vì ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến thực phẩm trong đất, nước và không khí. Cần có nhiều giải pháp giải quyết triệt để hai vấn đề này. Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng an toàn là những vấn đề mà Việt Nam cần coi trọng. 

Các nhà khoa học có vai trò quan trọng trong giải quyết ATTP bằng việc tìm được các giải pháp về công nghệ mới giúp cho doanh nghiệp làm đúng ATTP. Để làm được điều đó, cần chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp, người tiêu dùng để cùng cộng tác, liên kết để sản xuất ra các sản phẩm từ trang trại tới bàn ăn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn, đảm bảo cả chuỗi cung ứng. 

Cũng cần áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến ISO để truy xuất nguồn gốc của các sản. Việc đề phòng được làm từ xa thì sẽ  tiết kiệm được rất nhiều nguồn lực, còn nếu sản phẩm sản xuất ra có nhiều rủi ro thì tổn thất rất lớn. Người sử dụng thì có thể mắc bệnh, doanh nghiệp mất uy tín, đất nước cũng bị ảnh hưởng.

PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo-Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia (Bộ Y tế) cho biết một số vấn đề bất cập trong vấn đề kiểm nghiệm ATTP. Đó là chưa có sự thống nhất về phương pháp thử, phát triển năng lực của các đơn vị kiểm nghiệm không đồng nhất, có sự chênh lệch nhiều về kết quả kiểm nghiệm trên cùng một mẫu thử...  Quy trình kiểm nghiệm hàng năm được xây dựng và ban hành rất hạn chế, không đáp ứng yêu cầu phát triển của chủng loại và thành phần thực phẩm.

Một số sản phẩm  ATTP tại sự kiện “Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương 2018”

 PGS.TS. Lê Thị Hồng Hảo kiến nghị: Cần ban hành quy hoạch, phân công, phân cấp hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm để củng cố mạng lưới phòng kiểm nghiệm tuyến tỉnh về ATTP đồng bộ để tránh chồng chéo; đầu tư xây dựng thống nhất phương pháp kiểm nghiệm; Ban hành quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các chỉ tiêu kiểm nghiệm thực phẩm.  

Phân công chức năng, nhiệm vụ tham gia đánh giá và cảnh báo nguy cơ về ATTP cho các đơn vị kiểm nghiệm, củng cố hệ thống cảnh báo nguy cơ về ATTP; đầu tư kinh phí cho chương trình đánh giá và cảnh báo nguy cơ về an toàn thực phẩm.

GS.TS. Yukiko Kunugi- Chủ tịch Hội nữ khoa học Nhật Bản  JWS và PGS.TS.. M. Purevjav - Khoa Dinh dưỡng (Đại học Khoa học và Công nghệ Mông Cổ”, Shun-Lien Sung, Chủ tịch Hội nữ khoa học Đài Loan … cũng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề dinh dưỡng và đảm bảo ATTP ở đất nước họ.

Tại hội nghị “Mạng lưới các nhà khoa học nữ châu Á - Thái Bình Dương 2018” còn diễn ra 2 hội thảo khác là “Giới và bình đẳng giới trong khoa học và công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” và hội thảo “Quản trị rủi ro thiên tai và  thích ứng với biến đổi khí hậu” cùng Triển lãm Phụ nữ trong khoa học và sáng với hàng trăm sản phẩm do các nhà khoa học nữ sáng chế.


Thanh Hằng
.
.
.