Cả nước thiệt hại 60.000 tỷ đồng do thiên tai

Thứ Năm, 26/07/2018, 13:18
Số liệu được báo cáo tại hội nghị Hội nghị “Phòng chống thiên tai ở khu vực miền Nam” do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức tại Cần Thơ vào sáng 26-7.

Hội nghị nhằm thống kê, đánh giá những thiệt hại của các địa phương dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường trong những năm qua; đồng thời, triển khai những phương án cụ thể nhằm khắc phục, cải thiện tình trạng sạt lở, ngập úng diện rộng tại khu vực Nam Bộ.

Trong những năm gần đây, thiên tai liên tục xảy ra một cách khốc liệt và dị thường cả về cường độ lẫn tần suất, gây thiệt hại rất lớn về người và của; đặc biệt là hạn hán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015, đầu năm 2016 và bão lũ trong năm 2017, 2018.

Theo báo cáo, trong năm 2017, xuất hiện 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên, nhiệt độ cao nhất trong mùa hè với 42 độ C. Trong năm này, thiên tai làm 386 người chết và mất tích, hơn 8.100 ngôi nhà bị sụp đổ, 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng phải di dời… tổng thiệt hại 60.000 tỷ đồng. 

Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 3 cơn bão, 4 ATNĐ xuất hiện, nhiều giông, lốc, sét làm hơn 18.500 nhà ngập, hư hỏng, hơn 90.800 ha lúa, hoa màu thiệt hại, 109 người chết và mất tích, tổng thiệt hại 2.500 tỷ đồng.

Riêng tại khu vực Nam Bộ, thiên tai trong năm 2017 làm 156 căn nhà bị sập, 1.821 hộ dân bị ảnh hưởng, 1.160m đê, bờ bao bị sạt lở, hư hỏng. Ước tính thiệt hại khoảng 156 tỷ đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống người dân.

Sạt lở gây ảnh hưởng đến hàng chục căn nhà của người dân ở quận Ô Môn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc Gia, từ đây đến cuối năm 2018, biển Đông sẽ có khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 4-5 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, từ nay đến cuối tháng 7, mực nước  đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh. Đến cuối tháng 7, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ lên mức từ 2,5-2,8m. Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc ở mức báo động 2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm (TBNN), các trạm chính vùng hạ nguồn lên mức BĐ3 và trên mức BĐ3 từ 0,1-0,2m.

Bộ đội Biên phòng An Giang giúp người dân thu hoạch lúa chạy lũ ở vùng đầu nguồn.

Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10, ở mức TBNN nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến khu vực. Theo tính toán của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam, khoảng cuối tháng 7, lượng nước từ sự cố vỡ đập tại Lào sẽ về 2 tỉnh An Giang, Đồng Tháp với mực nước tăng thêm từ 7-8cm nhưng không đáng kể.

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Phòng chống Thiên tai đề nghị, trong thời gian tới, các địa phương trong khu vực Nam Bộ cần tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Rà soát những phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro của thiên tai, để chủ động ứng phó với các cơn bão mạnh và siêu mạnh. Tiến hành di dời các hộ dân ở các khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao. Hướng dẫn người dân chèn chống nhà cửa nhằm ứng phó với bão và hiện tượng thời tiết cực đoan có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Như Anh
.
.
.