Bình Dương làm tốt gói hỗ trợ an sinh xã hội giúp người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19

Thứ Sáu, 28/08/2020, 14:05
Thực hiện gói hỗ trợ an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đang khẩn trương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên tinh thần triển khai chính xác, chặt chẽ, minh bạch, đúng đối tượng…nhằm giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.


Công khai, minh bạch

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết, có 8 nhóm đối tượng được hưởng gói hỗ trợ bằng hình thức hỗ trợ tiền mặt và được nhận một lần, bao gồm: Người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động (NLĐ) thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương; người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính; hộ kinh doanh cá thể có thu nhập dưới 100 triệu đồng/năm bị tạm dừng hoạt động; NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm. Dự kiến số kinh phí cần phải hỗ trợ hơn 1.400 tỷ đồng. Bình Dương thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có các khoản thu phân chia về ngân sách Trung ương trên 50% nên tự bảo đảm kinh phí thực hiện.

Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hưng Định, TP Thuận An thăm và tặng quà cho những người bán vé số nghèo.

Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết thêm: “Ngay khi có quyết định của Chính phủ, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh; đồng thời nhanh chóng xây dựng bảng hướng dẫn cũng như thành lập các đoàn xuống cơ sở hỗ trợ các địa phương tiến hành rà soát, triển khai thực hiện. Trên tinh thần không để bỏ sót, trùng lắp, hỗ trợ đúng đối tượng, công tác triển khai được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ đảm bảo công khai, minh bạch”.

Sở đã tích cực thực hiện chuyển tải nội dung bằng nhiều hình thức đa dạng, khẩn trương thông qua các hội, đoàn thể cấp cơ sở, niêm yết công khai tại nơi làm việc, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng thông tin nội bộ để người dân, NLĐ và người sử dụng lao động nắm rõ nội dung, thực hiện đúng quy định, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách để trục lợi. 

Đồng thời, Sở tổ chức 3 đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tình hình, tiến độ triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện và những đề xuất, kiến nghị của các địa phương để có hướng hỗ trợ tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ.

Đối với 3 nhóm đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo; người có công và đối tượng bảo trợ xã hội cơ bản đã có danh sách nên việc rà soát tương đối dễ dàng. 

Tính đến nay, tỉnh đã thực hiện chi trả cho 64.552 đối tượng với tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng, trong đó, có 50.998 người thuộc đối tượng người có công hưởng trợ cấp hàng tháng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; 6.839 người bán lẻ vé số lưu động - thuộc đối tượng người lao động tự do không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm. Những nhóm đối tượng còn lại các địa phương đang tổng hợp để gửi UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Chỉ đạo việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm, nhấn mạnh: “Hỗ trợ gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là một chính sách mang tính nhân văn rất lớn của Đảng, Nhà nước. Vì thế, việc triển khai nhanh, đúng đối tượng, đảm bảo tính công bằng, minh bạch chính sách này trên địa bàn tỉnh là việc làm vô cùng ý nghĩa, cần được thực hiện nhanh chóng. Khi rà soát đến đâu cần tiến hành hỗ trợ đến đó theo hình thức cuốn chiếu không để người dân phải chờ đợi”.

Phát huy tinh thần trách nhiệm

Cũng theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong tháng 4/2020 có khoảng 50.000 NLĐ thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không lương; 12.000 NLĐ chấm dứt HĐLĐ không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. 

UBND TP Thủ Dầu Một thăm hỏi, động viên người dân tại một khu nhà trọ.

Theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, NLĐ tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương để được nhận trợ cấp phải đủ các điều kiện về thời gian tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương liên tục 1 tháng, trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 đến ngày 1/6/2020, còn thời hạn trong HĐLĐ, đang tham gia Bảo hiểm xã hội. NLĐ làm việc tại các doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương, sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng tiền lương, nguồn lợi nhuận sau thuế và các nguồn tài chính khác. 

Sở đã phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND cấp huyện, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiến hành công tác rà soát, cập nhật, tổng hợp tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra; đồng thời đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp thống kê, cung cấp các thông tin, số liệu có liên quan từ công tác quản lý của từng ngành.

Trong các nhóm đối tượng được hỗ trợ thì việc xác định nhóm đối tượng NLĐ tự do, lao động không có giao kết HĐLĐ gặp nhiều khó khăn. Theo quy định điều kiện để nhận trợ cấp, người có nhu cầu hỗ trợ cần nộp đơn xác nhận tại UBND cấp xã, phường, thị trấn (có mẫu cụ thể) nơi đăng ký cư trú. 

Để đảm bảo công bằng, khách quan và trao đúng đối tượng, các đơn vị cơ sở có nhiệm vụ xác minh và danh sách người được hỗ trợ sẽ dán công khai tại trụ sở xã, phường, thị trấn dưới sự giám sát của cộng đồng cũng như phát huy vai trò giám sát của MTTQ các cấp. 

Bên cạnh yếu tố công tâm, minh bạch thì công tác rà soát hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ cơ sở, sự nhập cuộc tích cực của các cơ quan đơn vị liên quan vì một mục tiêu chung tay giúp cộng đồng vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế sau khi đã khống chế được dịch bệnh.

Gỡ khó việc thực hiện các chính sách hỗ trợ

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cùng cấp đã tiến hành 134 cuộc giám sát việc hỗ trợ các đối tượng. Tại mỗi địa phương, Đoàn giám sát đã lắng nghe ý kiến phản hồi những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ.

Qua giám sát, có thể thấy, đặc thù của Bình Dương là có số lượng người dân nhập cư rất đông nên gặp nhiều khó khăn trong công tác rà soát đối tượng, nhất là đối tượng thuộc diện lao động tự do, khó xác định điều kiện để được hưởng chính sách theo quy định. Số lượng người lao động ở doanh nghiệp tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương thực hiện việc kê khai còn rất hạn chế, do còn nhiều vướng mắc về thủ tục xác nhận cho người lao động thuộc đối tượng này để được hưởng chính sách hỗ trợ. 

Còn nhiều NLĐ bị ảnh hưởng (kể từ sau khi nghỉ Tết Nguyên đán đến đầu tháng 5/2020) nhưng chưa được quy định chính sách hỗ trợ phù hợp, nhiều đối tượng thật sự khó khăn cần được hỗ trợ nhưng Nghị quyết 42 không quy định. 

NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, hoặc nghỉ việc không hưởng lương còn khó khăn về điều kiện chứng minh doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương. Hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu/năm (được xác định tại thời điểm ngày 15/1/2020), tạm ngừng kinh doanh từ 1/4/2020 thì cơ sở phải rà soát lại các ngành nghề kinh doanh theo Quyết định tạm ngừng kinh doanh của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra Trung ương về công tác giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành Trung ương xem xét các giải pháp để tháo gỡ việc quy định về thủ tục, hồ sơ để các nhóm đối tượng người lao động mất việc làm, doanh nghiệp, hộ kinh doanh…gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ gói 62.000 tỷ của Chính phủ. 

Đối với nhóm lao động không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm, ngoài các công việc được quy định trong Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, kiến nghị bổ sung thêm một số lao động cũng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 như: Thợ hồ; bảo vệ, giữ xe (tại các shop, cửa hàng nhỏ lẻ); tiệm cắt tóc, làm móng nhỏ (mà không phải hộ kinh doanh) và đặc biệt là đối tượng là giáo viên các trường tư thục, cơ sở mầm non, nhóm giữ trẻ nhỏ…

Yêu cầu nhất quán trong thực hiện chính sách hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ là công khai, minh bạch, đến tận tay người dân, không để trục lợi chính sách. Chính vì vậy, Bình Dương đang tích cực triển khai công tác hỗ trợ với tinh thần đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Bình Dương đã làm rất tốt công tác vận động hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã ủng hộ thông qua nhiều hình thức như bằng tiền mặt, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, thực phẩm, phát khẩu trang miễn phí, ATM gạo, đặc biệt là miễn, giảm tiền nhà trọ cho người nghèo, công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19... với tổng trị giá gần 260 tỷ đồng.​

Xuân Hà
.
.
.