Bình Dương trên đà phục hồi và phát triển kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Thứ Năm, 27/08/2020, 18:50
Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh COVID-19 nhưng với quyết tâm giữ vững các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế theo đúng kế hoạch đề ra, UBND tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kỳ vọng đưa kinh tế vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển.


Đưa kinh tế quay về “quỹ đạo”

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội, kéo theo hiệu ứng dây chuyền làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực được xem là thế mạnh của Bình Dương. UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức tăng thấp nhất trong những năm qua.

Do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh cũng như việc người dân giảm thu nhập, cắt giảm chi tiêu là nguyên nhân làm cho mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm mạnh. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2020 đạt 122.390,7 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ, mức tăng trưởng thấp nhất trong 4 năm gần đây.

Hỗ trợ doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhanh chóng để khôi phục hoạt động xuất, nhập khẩu​​​.

Cùng với đó, nhiều quốc gia vẫn còn siết chặt xuất nhập khẩu để kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nên nhiều hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn, dẫn đến hoạt động xuất, nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tăng chậm so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 12,286 tỷ đô la Mỹ (tăng 1,2% so với cùng kỳ), kim ngạch nhập khẩu đạt 9,975 tỷ đô la Mỹ (tăng 7% so với cùng kỳ).

Tuy các chỉ số ở mức thấp so với cùng kỳ và thấp nhất trong những năm gần đây nhưng kết quả này là cả một nỗ lực của toàn hệ thống chính trị. Trước ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, kinh tế Bình Dương vẫn duy trì được mức tăng trưởng và tạo ra những điểm sáng. 

Nhất là sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, nền kinh tế của cả nước nói chung, Bình Dương nói riêng đã có những tín hiệu phục hồi, phát triển. Doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận các chính sách hỗ trợ, nỗ lực khôi phục sản xuất. Các chủ đầu tư khu công nghiệp và các nhà đầu tư đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, nhà xưởng với tổng vốn trên 5.954 tỷ đồng, cho thuê lại đất và nhà xưởng với tổng diện tích 41,6 ha. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 673 triệu đô la Mỹ. 

Nền kinh tế trong nước dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong quý III và có nhiều cơ hội tiếp nhận “làn sóng” di chuyển dự án vào Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng trong thời gian tới, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cam kết không thay đổi các mục tiêu đã đặt ra trong năm 2020, trong đó mục tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đã đặt ra là 8,6% - 8,8% cho năm 2020, theo nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm tại cuộc họp thường kỳ tháng 6/2020: “Đây là thách thức lớn nhưng trong điều kiện dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt như hiện nay và bằng quyết tâm, nỗ lực cao nhất, khả năng tỉnh vẫn có thể đạt được chỉ tiêu này”. 

Theo đó, những tháng còn lại của năm 2020, Bình Dương chủ động dồn lực cho tăng trưởng kinh tế, quyết tâm về đích đúng với mục tiêu đề ra. Kịch bản vực dậy kinh tế sau dịch bệnh COVID 19 đã được xây dựng hoàn chỉnh với những giải pháp mang tầm chiến lược, tập trung vào những thế mạnh mũi nhọn của tỉnh.

Dồn lực cho tăng trưởng

Một trong những giải pháp mang tính cấp bách để phục hồi, vực dậy kinh tế được tỉnh chủ động triển khai từ sớm là hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Tạo mọi thuận lợi đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng, nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí cho khách hàng.

Dịch bệnh COVID-19 cũng đã chỉ ra một thực tế rằng, doanh nghiệp muốn đứng vững không nên phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại giúp cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa là vấn đề cần thiết. Mặc khác, khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường nhập khẩu. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, việc khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, triển khai các chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ góp phần kích thích sản xuất trong nước phát triển.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 ước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019​.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư trong và ngoài nước để tận dụng tốt các cơ hội phát triển, nhất là đón bắt thời cơ dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các nước. Trong những tháng còn lại của năm, các các ngành chức năng sẽ tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả tiếp thị, kêu gọi đầu tư và các hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp, các hiệp hội, nhà đầu tư.​

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn hiện nay. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020 (bao gồm vốn ODA); tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội. 

Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp luật cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp được Bình Dương ưu tiên thực hiện. UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính và tăng cường đổi mới cách thức giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; phối hợp triển khai hiệu quả đường dây nóng 1022 của tỉnh nhằm cắt giảm các điều kiện gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức, cá nhân.

Ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ cho 2.449 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) với tổng số tiền gần 2,4 tỷ đồng; 30 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 30 triệu đồng; hỗ trợ 87 hộ kinh doanh với số tiền 87 triệu đồng.

Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên tinh thần của người lao động, hỗ trợ đào tạo lao động phù hợp và người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Để các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Sở Ngoại vụ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục đề nghị ưu tiên nhập cảnh và thẩm định theo đúng quy định. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo xem xét giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng, kịp thời, thậm chí hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp đặc biệt mà không cần chấm dứt hợp đồng lao động.

“Bình Dương cam kết đồng hành cùng Chính phủ và các địa phương trong cả nước phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2020 đã đề ra” - khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cũng là tinh thần chung của các cấp, các ngành trong toàn tỉnh cùng chung sức, đồng lòng đưa kinh tế, xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển. ​

Xuân Hà
.
.
.