Bể bơi quá tải ngày nắng nóng

Thứ Ba, 22/05/2018, 08:49
Nắng nóng kéo dài, ngoài các biện pháp hạ nhiệt thì bơi lội được nhiều người lựa chọn. Tuần qua, các bể bơi ở Hà Nội chật kín người, thậm chí ở nhiều nơi còn rơi vào tình trạng quá tải. Nước không đủ sạch vì quá đông người dẫn tới bể bơi ngày nắng nóng là nơi dễ mất an toàn khi lây nhiễm bệnh ngoài da, viêm tai ngoài, viêm kết mạc…


Bắt đầu từ tháng 5, các bể bơi ở Hà Nội đã đông khách, đỉnh điểm quá tải là đợt nắng nóng kéo dài vừa qua và đông vào các ngày cuối tuần. Thứ 7 (ngày 19-5), từ 4h chiều, bể bơi bốn mùa Khăn quàng đỏ (ngõ 267 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) đã đông nghẹt khách. Đây là bể bơi luôn bị quá tải vì nằm trong top có mức giá trung bình nhất ở Hà Nội hiện nay.

Ngoài khách bơi tự do, ở bể bơi này còn dạy bơi cho trẻ em. Vào ngày cuối tuần, người bơi chật kín, thậm chí va vào nhau vì không còn không gian. “Tôi thấy ở đây có khách là bán vé chứ không xem là bể chỉ nên chứa bao nhiêu người là vừa. Thấy kiểu bán vé tràn lan nên tôi sợ nước không sạch đã chuyển sang bể bơi khác” – anh Phạm Minh Tuấn, một khách hàng ở quận Ba Đình cho biết.

Nằm trong top bể bơi có mức giá bình dân ở Hà Nội phải kể tới bể bơi số 1 Tăng Bạt Hổ, bể bơi Thái Hà và những nơi này luôn rơi vào quá tải những ngày hè, đặc biệt là ngày nắng nóng. Nằm trong Cung văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội, bể bơi số 1 Tăng Bạt Hổ mới được nâng cấp lại, nên giá vé tăng lên 70.000đ/người lớn và 50.000đ/trẻ em.

Bể bơi quá tải dễ hay nhiễm bẩn nguồn nước.

Anh Phạm Đức Minh, ở phố Lò Đúc chở 2 đứa con trai tới bể bơi này cho biết: “Các cháu thi xong rồi nên chiều nào tôi cũng cho ra đây bơi, mua vé tháng thì rẻ hơn. Nước không sạch bằng bể bơi bốn mùa ở số 3 Tăng Bạt Hổ nhưng giá bình dân hơn nên chấp nhận được”. Nhiều người cho con vào đây hạ nhiệt cái nóng 37-38 độ cho biết, sở dĩ họ lựa chọn bể bơi giá vừa phải là do hợp với túi tiền. Chính vì nằm trong top giá trung bình mà bể bơi số 1 Tăng Bạt Hổ luôn quá tải.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mùa hè năm nay giá vé bơi ở hầu hết các bể đều tăng so với năm ngoái, nhưng do nhu cầu bơi lội quá lớn nên nơi nào cũng trong tình trạng chật ních khách. Bể bơi Keangnam ở tầng 1, Keangnam Landmark (72 Phạm Hùng) được coi là bể bơi có chất lượng, giá vé người lớn là 130.000đ/lượt, trẻ em là 80.000đ/lượt, vé tháng là 2,4 triệu đối với người lớn và 1,8 triệu đối với trẻ em. Bể bơi khách sạn Bảo Sơn giá vé ngày 95.000đ/lượt/người lớn và 65.000đ/lượt trẻ em. Bơi vào thứ bảy, chủ nhật giá sẽ tăng lên là 105.000đ/người lớn và 95.000đ/trẻ em. Bể bơi Sense Aqua và Spa (20 Thụy Khuê) có giá vé 120.000đ/người lớn/lượt và 60.000đ/trẻ em/lượt. Là bể bơi khá nổi tiếng ở Hà Nội như Cung Thể thao dưới nước có giá rất phải chăng, giá vé bể bơi ngoài trời chỉ 50.000đ/người/lượt và 1,2 triệu đồng/tháng.

Để tránh cái nắng nóng oi bức, bể bơi là lựa chọn số 1 để nhiều người thư giãn, học bơi. Nhưng chất lượng nước ở một số bể bơi cũng là câu chuyện đáng bàn bởi nhiều bể bơi dùng hệ thống lọc tuần hoàn, có bể sặc mùi clo. Anh Phạm Văn Hải, ở quận Tây Hồ cho biết: “Tôi cho con bơi ở bể bơi bốn mùa Khăn quàng đỏ, nhưng cháu hay bị ngứa nên phải chuyển sang bể bơi khác”. Theo anh Hải có lẽ do bể bơi quá đông nên dẫn tới nước không sạch và nếu người nào da mẫn cảm thì hay bị dị ứng, mẩn ngứa.

Mỗi lần thay nước phải tiêu tốn một con số tiền khá lớn nên để tiết kiệm nhiều bể bơi sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn và khử trùng bằng clo. Một số bể bơi đầu tư hệ thống lọc nước hiện đại để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bể bơi hoạt động từ sáng tới chiều với một lượng người lớn, mang theo vi khuẩn lưu trong nước và nước đến cuối ngày xử lý bằng cách lọc. Nếu sử dụng khử trùng bằng clo không đúng liều lượng sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho người bơi.

Nhiều bể bơi không yêu cầu khách trước khi xuống bơi phải tắm tráng sạch sẽ mà để nguyên cả cơ thể bụi bặm, nhiễm bẩn nhảy xuống bể. Vi khuẩn, vi trùng từ đó lan ra trong nước và rất dễ lây bệnh. Nguy cơ về bệnh ngoài da, viêm kết mạc, viêm tai, nhiễm ký sinh trùng luôn tiềm ẩn nếu không thường xuyên được cơ quan y tế kiểm tra, lấy mẫu giám định chất lượng nước.

Theo bác sĩ Nguyễn Tuyết Mai, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương thì mùa hè trẻ thường bị viêm tai đến khám do đi bơi. Để đề phòng viêm tai khi đi bơi, phải chọn bể bơi sạch sẽ, nước ít clo, sau khi bơi phải sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, nhỏ mũi và súc miệng đề phòng các bệnh tai mũi họng, mắt và hô hấp. Sau khi bơi, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt, đau tai, ù tai, chảy dịch thì phải cho đi khám ngay.

Trần Hằng
.
.
.