Bể bơi ở Hà Nội lại vào mùa quá tải

Thứ Ba, 10/05/2011, 16:05
Quá tải ở bể bơi đã được dự báo trước trong những đợt nắng nóng cao điểm của mùa hè năm nay. Ngoài tăng giá vé, nhiều bể bơi còn quảng cáo về các dịch vụ như nâng cao chất lượng nước, công tác sơ cấp cứu để thu hút khách. Tuy nhiên, bể bơi quá tải, nước không lọc kịp, bị lây bệnh truyền nhiễm vẫn là điều khó tránh khỏi ở một số nơi đã xuống cấp, đầu tư chưa thỏa đáng.

Bể bơi đông khách đến… tránh nóng

Mới bước vào đầu hè nhưng các bể bơi có giá bình dân ở Hà Nội đã rất hút khách. Bể bơi Thanh niên trên đường Tăng Bạt Hổ mới 4h chiều đã đông nghẹt người. Cái nóng hầm hập dường như đã được xoa dịu bởi hồ nước mát trong xanh. Thế nhưng, nhiều người mới đến bơi lần đầu lại e dè vì nước bể bơi không phải mang một màu xanh trong mà lại là màu ngà ngà vàng. Dưới đáy bể còn vương lá cây. Khu thay quần áo, tắm tráng khá xập xệ. Người đi chân đất, người đi dép khá lộn xộn.

Theo ông Trương Văn Thuần, Trưởng phòng Thể dục thể thao, Cung Văn hóa thể thao Thanh niên Hà Nội, thì hiện nay, mỗi ngày bể bơi Thanh niên tiếp nhận khoảng 300 người đến bơi. Vào những ngày cao điểm nắng nóng có thể lên tới 700 - 800 lượt người/ngày.

Bể bơi Thanh Niên có tuổi thọ gần 40 năm, đây là bể bơi được xây dựng lâu nhất ở Hà Nội, do đó nó khá cũ kỹ và xuống cấp. Do Cung Văn hóa thể thao Thanh niên đang nằm trong giai đoạn quy hoạch xây mới nên bể bơi Thanh niên trong mùa hè 2011 không đầu tư những thiết bị mới, đắt tiền mà chỉ làm lại vệ sinh, lát lại gạch vỡ, tẩy axit và quét lại sơn…

Người dân đổ xô về các bể bơi để tránh nóng. Ảnh: P.V

Tuy mới đầu mùa nhưng chiều 8/5, ở bể bơi khách sạn Khăn Quàng Đỏ đã chật ních người lớn và trẻ em đến bơi. Anh Nguyễn Mạnh Thái ở phường Bưởi, quận Tây Hồ đang cho 2 con bơi ở đây kể: "Bể bơi đầu mùa nước tương đối sạch, nhưng vào những đợt cao điểm thì ở đây đông đến mức ngộp thở, người nọ va vào người kia, nước làm sạch không kịp. Những khi ấy đi bơi thường phải tắm tráng thật kỹ, sợ về nhà trẻ con hay bị viêm da, đặc biệt sợ nhất là viêm kết mạc".

Tại bể bơi Thái Hà, mặc dù khu bơi dành cho trẻ em vài ngày nữa mới khai trương, thế nhưng hiện nay do nhu cầu bơi quá tải, bể bơi Thái Hà đã nhận cho trẻ em vào bơi trước thời hạn ở khu vực dành cho người lớn. Điều này có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ và tính mạng của trẻ em nếu không được gia đình và lực lượng cứu hộ trông nom kỹ. Quá tải nữa phải kể tới bể bơi có giá vé bình dân mùng 10-10. Trước mùa hè đã có nhiều phụ huynh đặt hàng bơi dài hạn cho con, đặc biệt đơn đăng ký học bơi xếp hàng chồng để chờ xét tuyển.

Vài năm nay, Cung Thể thao dưới nước là lựa chọn khá lý tưởng cho các bậc phụ huynh. Theo ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Quản lý Cung thể thao dưới nước, thuộc Khu liên hợp thể thao quốc gia thì trung bình có khoảng 500 khách đến bơi/ngày, vào cuối tuần lượng khách có thể lên đến khoảng 1.000 người. Bể bơi của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nằm tại 20 Thụy Khuê những ngày nắng nóng lượng khách luôn quá tải. Cán bộ quản lý ở đây phải treo biển không nhận thêm khách để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Cẩn trọng kẻo mắc bệnh

Chọn lựa bể bơi an toàn luôn được nhiều gia đình ở Hà Nội quan tâm hàng đầu. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các bể bơi đều đã tăng giá vé ngày, vé tháng, vé dạy bơi từ 10 đến 15% so với hè 2010.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 50 bể bơi đang hoạt động, hầu hết đều sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn nên nước được xử lý tốt hơn. Hà Nội hiện chỉ có duy nhất bể bơi Thanh niên là sử dụng hệ thống lọc nước ngầm (nước lấy ở độ sâu gần 100m).

Ông Trương Văn Thuần cho biết: "Cứ 3 ngày, chúng tôi thay nước 1 lần. Để đảm bảo an toàn cho khách, chúng tôi ký hợp đồng bảo hiểm với Bệnh viện 108. Hằng ngày đều có bác sỹ của bệnh viện túc trực tại các giờ bể bơi mở cửa nên trong nhiều năm qua chưa xảy ra vụ đuối nước hay tai nạn đáng tiếc nào".

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, qua kiểm tra các năm trước, hầu hết các bể bơi đều đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, vào những ngày quá tải, một số bể bơi không đủ thời gian để tuân thủ đầy đủ quy tắc bắt buộc và kiểm tra thường xuyên độ bẩn của nước, không có nhân viên cứu hộ, y tế thường xuyên tại bể… Ở một số bể bơi chưa sử dụng hệ thống lọc tuần hoàn thường có nồng độ clo quá cao. Để thay nước ở bể có diện tích lớn, ví như bể rộng 125m2 cần phải tới 1.800m3 nước, nó quá tốn kém nên nhiều nơi chỉ lọc.

Vào những ngày nắng nóng kéo dài, chất lượng nước không được quan tâm đúng mức rất dễ bẩn và đục. Đặc biệt, vi phạm dễ thấy nhất là nhiều bể bơi để người bị bệnh da liễu, bệnh truyền nhiễm xuống tắm. Đây là môi trường rất dễ bị lây bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh ngoài da và bệnh viêm kết mạc.

Theo nhiều bể bơi thì mới bước vào đầu hè nên cơ quan y tế của thành phố và các quận, huyện chưa tổ chức kiểm tra. Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng, việc kiểm tra phải được tiến hành ngay từ đầu mùa, đặc biệt vào những đợt cao điểm nắng  nóng để có kết quả phân tích nước dưới bể một cách chính xác nhất

Nguyễn Hương-Trần Hằng
.
.
.