1001 thủ đoạn trục lợi BHXH và các biện pháp phòng ngừa
- Thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì trục lợi bảo hiểm
- Qua giám định, phát hiện nhiều trường hợp trục lợi bảo hiểm y tế
Theo thống kê, từ năm 2007 – 2016, qua kiểm tra, BHXH Việt Nam đã phát hiện và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính tới hơn 7.700 vụ, đề nghị truy thu về Quỹ BHXH hơn 330 tỷ đồng.
Đặc biệt, tính đến hết năm 2016, số tiền nợ BHXH của doanh nghiệp là 7.795 tỷ đồng, chiếm 3,30% so với tổng số tiền phải thu. Ngoài ra, cả nước còn có 150.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động. Như vậy, còn khoảng trên 5 triệu lao động chưa được doanh nghiệp đóng BHXH. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH là rất nghiêm trọng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: gian lận, khai man, lập hồ sơ BHXH khống để người lao động hưởng các chế độ BHXH...
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền để các doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ với người lao động. |
Để phòng, chống tốt hơn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, Báo Công an nhân dân đã tổng hợp một số thủ đoạn trên lĩnh BHXH theo số liệu do BHXH Việt Nam và cơ quan chức năng, đồng nghiệp cung cấp. Điển hình như, thủ đoạn trốn đóng BHXH cho người lao động.
Lợi dụng cơ chế, chính sách BHXH còn có kẽ hở, quy định mức phạt lãi suất chậm đóng BHXH và mức phạt tối đa đối với hành vi chậm đóng BHXH thấp nên nhiều doanh nghiệp đã cố tình chây lỳ, trốn đóng hoặc chiếm dụng tiền BHXH của người lao động. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt để có thể sử dụng số tiền đó để đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh.
Vì tổng số tiền phải nộp phạt và lãi chậm đóng BHXH thấp hơn so với lãi suất vay ngân hàng. Hoặc người sử dụng lao động lách luật bằng cách hợp đồng miệng hoặc kí liên tiếp chuỗi hợp đồng theo thời vụ hoặc chuỗi hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng, kéo dài thời gian thử việc... Vì theo quy định của Luật BHXH năm 2006, người lao động có hợp đồng lao động dưới 3 tháng không phải tham gia BHXH bắt buộc.
Với thủ đoạn lợi dụng kẽ hở này của pháp luật, đơn vị sử dụng lao động đã trốn đóng BHXH bắt buộc cho người lao động. Nếu bị phát hiện thì doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt. Vụ việc được dư luận quan tâm tại Công ty Sunrising Kim Vina (TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình. Công ty này đã sử dụng một chuỗi hợp đồng thời vụ 3 tháng, nhưng trên thực tế 500 công nhân đều làm việc trên 1 năm. Hay trường hợp của doanh nghiệp Thuận Kiều Plaza, tại Quận 5 TP Hồ Chí Minh, có gần 200 người lao động đã làm việc gần 10 năm nhưng vẫn không được ký hợp đồng lao động mà chỉ là hợp đồng miệng và không được tham gia BHXH.
Tinh vi hơn, đã có doanh nghiệp để chỉ phải đóng mức BHXH thấp hơn mức quy định, doanh nghiệp đã lập và sử dụng hai hệ thống số lương khác nhau. Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương khác, chỉ bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng đã được doanh nghiệp dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam- Tổng cục Cảnh sát ký quy chế phối hợp . |
Mới đây, qua kiểm tra, thanh tra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn J and V, tỉnh Đồng Nai, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều trường hợp người lao động có tới 2 hợp đồng lao động. Mức lương ký trên hợp đồng lao động thực trả là 12.000.000 đồng/tháng, mức lương ký hợp đồng lao động để tham gia BHXH chỉ là 2.000.000 đồng/tháng (bằng với mức lương tối thiểu vùng).
Thủ đoạn tiếp theo là hành vi gian lận để thụ hưởng các chế độ BHXH. Để lừa dối cơ quan chức năng nhằm chiếm đoạt tài sản, người vi phạm làm giả giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, giấy ra viện, giấy khám thai hoặc sửa chữa, tẩy xóa các loại giấy tờ này hoặc móc nối với cơ sở y tế để được cấp các giấy chứng nhận không đúng quy định làm căn cứ thanh toán tiền trợ cấp ốm đau, thai sản.
Thậm chí, nhiều người còn thành lập doanh nghiệp “ma”, sau đó làm hợp đồng tuyển dụng lao động khống cho nhân viên nữ để đăng kí đóng BHXH hoặc hợp đồng tuyển lao động phụ nữ có thai. Thực tế, họ không làm việc mà vẫn đăng kí đóng BHXH đầy đủ 6 tháng theo quy định. Người vi phạm lập hồ sơ BHXH khống và làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ thai sản, chiếm đoạt tiền BHXH.
Điển hình: Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2015. Lê Thành Thắng đã cấu kết với một số đối tượng thành lập 10 doanh nghiệp “ma”. Khi đã có tư cách pháp nhân, Thắng lập khống hồ sơ tuyển nhân viên nữ làm việc trong các doanh nghiệp do mình điều hành và đăng ký đóng tiền BHXH cho các nhân viên này từ 6 - 8 tháng rồi ngưng đóng. Sau đó, lập hồ sơ cho nhân viên nghỉ sinh đẻ hoặc cho thôi việc, sau đó làm thủ tục đề nghị thanh toán chế độ ốm đau, thai sản với số tiền chiếm đoạt trên 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra còn phải kể đến các trường hợp liên quan đến các y, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên trong các bệnh viện đã chiếm đoạt thuốc chữa bệnh trong quá trình khám bệnh và cấp phát thuốc bằng các thủ đoạn lập khống toàn bộ hoặc một số chứng từ thanh toán thuốc BHYT. Trong trường hợp này, tài sản của quỹ BHXH đã chuyển từ dạng tiền tệ sang vật chất và việc quản lý khối tài sản này thuộc trách nhiệm của người chức vụ, quyền hạn trong bệnh viện.
Điển hình: Năm 2010, bác sĩ Lưu Tố Lan công tác Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh, đã chiếm đoạt 3,9 tỷ đồng tiền BHYT. Với thủ đọan trên, Lan đã làm giả hồ sơ khám chữa bệnh, kê toa thuốc khống để lấy thuốc theo chế độ BHYT đem bán. Ngoài ra, Lan đã cấu kết cùng nhân viên, bác sĩ bệnh viện tuyến dưới thu gom thẻ BHYT, lấy giấy chuyển viện khống sau đó kê đơn khống lấy thuốc theo BHYT đem bán lấy tiền chia nhau.
Không thể thống kê hết 1001 thủ đoạn nhưng những hành vi sai phạm đã đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia các chế độ BHXH hưởng các chế độ BHXH trái pháp luật, gây thiệt hại cho quỹ BHXH. Qua đó, chúng ta có thể rút ra một số biện pháp góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này như: Tiếp tục kiến nghị với Quốc hội giữ nguyên quan điểm về sự cần thiết phải bổ sung một số tội phạm trong lĩnh vực BHXH vào Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tăng mức phạt tiền và mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính về BHXH cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính. Chuẩn hóa các quy định, quy trình nghiệp vụ bảo hiểm thống nhất, đồng bộ, liên thông, liên kết cơ sở dữ liệu; sử dụng thẻ BHXH điện tử thay sổ BHXH, thẻ BHYT hiện hành. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH ở các doanh nghiệp...