Trào lưu tóm tắt phim: Xâm phạm bản quyền trắng trợn

Thứ Sáu, 08/10/2021, 20:57

Khi các hãng phim đang vật lộn với đại dịch Covid - 19 thì gần đây xuất hiện thêm một vấn nạn khác khiến ngành điện ảnh thêm kiệt quệ: Trào lưu tóm tắt phim. Không thể chiếu phim ở rạp, các hãng đành “kiếm cơm” qua ngày bằng cách phát hành phim trên mạng. Nhưng chiếc phao cứu sinh này đang có nguy cơ bị các video tóm tắt phim nhấn chìm.

Núp bóng review phim

Lên Facebook, chỉ cần lướt ở mục Watch để xem clip, ngay lập tức sẽ nhận được hàng trăm video tóm tắt phim. Ở nền tảng YouTube, trào lưu này càng nở rộ với hàng chục kênh chuyên tóm tắt phim như: Sa TV Review Phim, Review Vui, Tóm tắt phim xàm, Aha Movie… Hầu hết các bộ phim điện ảnh nổi tiếng từ Đông sang Tây đều có video tóm tắt.

Kênh “Phim hay nhức nách” tóm tắt đủ thể loại như phim Việt Nam “Người vợ ba”, phim hoạt hình “Dumbo - chú voi biết bay”, phim kinh dị Hollywood “Ám ảnh kinh hoàng 2”, “Gã hề ma quái”… Kênh Aha Movie thì chuyên trị các phim bom tấn của Mỹ và Trung Quốc như “Siêu thú cuồng nộ”, “Người sắt”, “Thần bài”…. Ngoài “Vợ ba”, số phim điện ảnh Việt Nam bị tóm tắt còn có “Mười”, “Hai Phượng”, “Lật mặt”… Đây là các video ngắn có dung lượng từ 5 phút đến 10 phút, cắt ghép hình ảnh của bộ phim rồi tóm lược nội dung bằng phụ đề hoặc thuyết minh.

1 phim thien menh anh hung.jpg -0
Phim “Thiên mệnh anh hùng” bị video tóm tắt đặt tên thành “Chân mệnh thiên tử” và mô tả sai lệch nội dung.

Điều đáng nói đa số các video này đều gắn mác “review phim” khiến người xem dễ nhầm lẫn. Bởi review phim là đánh giá, nêu cảm nhận cá nhân về bộ phim nhằm khiến công chúng tò mò, kích thích họ đến rạp để coi bộ phim đó có hấp dẫn hay không. Người review thường đánh giá tổng quan về diễn xuất của diễn viên, tuyến nhân vật hay bối cảnh câu chuyện, hiệu ứng hình ảnh, âm thanh… Rất hiếm khi người review tiết lộ nội dung. Nếu có thì họ chỉ nêu vài tình tiết ấn tượng chứ không tiết lộ hết tất tần tật. Hiếm hoi phải tiết lộ hết nội dung, người review cũng cảnh báo trước để công chúng cân nhắc. Chính vì thế review phim trở thành một dạng nghề nghiệp chân chính tương tự như phê bình phim. Người nào càng sắc sảo trong cách đánh giá, nhận định thì họ càng được công chúng đón đợi review mỗi khi có phim mới ra mắt. Trong khi đó các video gắn mác review phim gần đây hầu như không đưa ra bất kỳ nhận định cá nhân nào mà chỉ đơn thuần tóm lược (tức recap) và tiết lộ (spoil) toàn bộ nội dung phim.

Với người yêu điện ảnh, các video này không khác gì kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Lỡ nhấn vào video review trên để tham khảo về bộ phim mình muốn xem thì họ chỉ có nước khóc thét. Bao nhiêu cái hay, cái đẹp của phim gần như biến mất mà chỉ trần trụi lại cái cốt truyện được kể nhanh như gió bằng chất giọng của “chị Google”. Một khán giả ví von: “Xem những clip tóm tắt đó, tôi có cảm giác như cầm cuốn sách mà chỉ đọc mỗi phần mục lục”.

Đã vậy, tóm tắt cốt truyện mà còn cẩu thả, phán bừa làm sai lệch nghiêm trọng nội dung phim. Kênh “Tóm tắt phim xàm” hô biến phim “Thiên mệnh anh hùng” của đạo diễn Victor Vũ thành cái tên lạ hoắc  “Chân mệnh thiên tử”. Phim lấy bối cảnh thời nhà Lê nhưng kênh này lại phán ngon lành: đây là câu chuyện tranh quyền đoạt vị, thù hận trùng trùng thời nhà Nguyễn! Đa số các video tóm tắt đều có chất lượng hình ảnh khá tệ, cắt ghép vô tội vạ và lặp đi lặp lại. Video tóm tắt phim “Hai Phượng” thì hình ảnh méo lệch, mờ nhòa không khác gì hình quay lén trong rạp. Trên một diễn đàn, khán giả Đỗ Long cho hay: “Mình xem một video review phim mà đã từng chiếu. Cách làm cẩu thả, thậm chí tua đi tua lại những cảnh vớ vẩn, bóp méo rất nhiều kịch bản phim, rất chán…”.

Chất lượng tệ như vậy nhưng ngạc nhiên thay các video tóm tắt phim lại rất hút người xem khiến nó nhanh chóng trở thành trào lưu. Những kênh hay trang fanpage nào chăm chỉ đăng video (đặc biệt là tóm tắt các phim nổi tiếng hay đang công chiếu) thì lượt xem của kênh và trang đó tăng chóng mặt. Cá biệt, nhiều video tóm tắt các bộ phim bom tấn ăn khách mới đây đạt hiệu suất người xem cực cao: lên tới hàng triệu lượt. Lượng người xem càng tăng càng khiến các kênh thu được món tiền béo bở từ các nhãn hàng quảng cáo hay từ nền tảng Facebook và YouTube.

Cú đấm bồi vào nền điện ảnh

Khảo sát nhanh dễ dàng nhận thấy khán giả trung thành của trào lưu này là giới trẻ. Trương Hoàng Long, cậu sinh viên trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, rất ghiền xem video tóm tắt. Theo cậu chỉ cần bỏ ra vài ba phút là có thể biết tường tận một bộ phim mình tò mò bấy lâu  mà không phải mất tiền và thời gian ngồi xem bộ phim đó. Tuần “cày” vài ba buổi là cậu đã vỗ ngực tự xưng mình là “mọt phim” chính hiệu. Nắm bắt được tâm lý “ăn xổi” của một bộ phận công chúng, các kênh tóm tắt phim ngày càng ăn nên làm ra. Đây là cách thưởng thức phim siêu nhanh nhưng cực kỳ tai hại của không ít người trẻ hiện nay. Họ không biết rằng mình đang tiếp tay cho hành vi xâm phạm bản quyền và gián tiếp giết chết nền công nghiệp điện ảnh.

2 bom tan nuoc ngoai.jpg -0
Một kênh trên YouTube chuyên tóm tắt hàng loạt phim bom tấn nước ngoài.

Việc tiết lộ toàn bộ nội dung phim bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Ông Phan Vũ Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ TP Hồ Chí Minh, cho biết theo Luật Sở hữu trí tuệ, những cảnh phim cắt ghép trong video tóm tắt đều có điểm chung là không xin phép, mua bản quyền từ đơn vị làm phim. Các video này cũng không nằm trong các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo quy định bởi mục đích của người làm video đều là kiếm tiền. Do đó, căn cứ Khoản 6, 8, 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ, những hành vi như trên đã cấu thành việc sao chép, sử dụng và truyền bá trái phép tác phẩm điện ảnh đến công chúng.

Rất nhiều người thừa nhận khi xem xong bản tóm tắt, họ không muốn đi xem bản gốc nữa vì đã biết quá rõ nội dung. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của nhà làm phim. Dịch Covid khiến giới điện ảnh chỉ còn cách phát hành tác phẩm của mình trên các kênh xem phim online có trả phí như Netflix, Danet, Fim+… Nhưng trào lưu video tóm tắt đã khiến lượt xem ở các kênh chính thống có bản quyền sụt giảm nghiêm trọng.

Theo luật, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức làm recap phim có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Nhật Bản được coi là nước mạnh tay nhất với hành vi này. Mới đây, cảnh sát tỉnh tỉnh Miyagi đã bắt ba người vì tội đăng video tóm tắt dài 10 phút lên YouTube. Riêng ở Việt Nam, luật đã quy định cụ thể nhưng chưa có chủ kênh nào bị xử phạt vì hành vi này. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh than thở: “Vấn đề bản quyền ở nước ta vẫn chưa được coi trọng. Lâu nay việc xử lý những vấn đề lớn hơn như nạn phim lậu, quay lén ở rạp… còn chưa đâu vào đâu thì tôi chẳng dám trông mong gì việc xử lý những vấn đề nhỏ hơn như thế này”.

Riêng ở góc độ công chúng, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho rằng video tóm tắt phim đang giết chết cảm xúc và trải nghiệm điện ảnh của khán giả. “Bộ phim là tác phẩm nghệ thuật của cả tập thể. Đoàn làm phim phải tốn biết bao công sức, tiền của, thời gian để làm nên bộ phim đó. Do vậy không thể dựa vào một vài phút tóm tắt hời hợt là người xem đã hiểu hết bộ phim đó. Xem phim không chỉ là chuyện tìm hiểu nội dung mà còn là hành trình khám phá cảm xúc, trải nghiệm sự bất ngờ, thu nạp kiến thức, làm sống dậy các giác quan mà đoàn làm phim đã dày công chuẩn bị cho khán giả. Từ đó, khán giả mới yêu cái đẹp, cái hay của nghệ thuật thứ bảy” - anh phân tích.

Bên cạnh ý kiến đề xuất nên xử phạt hành chính thật nặng các kênh tóm tắt phim thì giới làm phim lại trông mong vào ý thức của công chúng. Nếu là người yêu điện ảnh chân chính, hãy tẩy chay các video tóm tắt, hãy xem trọn vẹn bản phim gốc để tận hưởng những trải nghiệm tuyệt vời mà bộ phim mang lại. Đó cũng là cách công chúng cứu ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà trong thời khốn khó này.

Mai Quỳnh Nga
.
.
.