Phim nhựa - “nút thắt” của lưu trữ, bảo quản phim Việt

Thứ Năm, 24/06/2021, 08:53
Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim, đặc biệt là phim nhựa đang gặp nhiều khó khăn. Đó là khẳng định chung của nhiều người làm điện ảnh, các chuyên gia và những người gắn bó lâu năm với lĩnh vực này, tại hội thảo “Lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, do Viện Phim Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 22/6.

Ông Nguyễn Xuân Dư, Phó Viện trưởng Viện Phim Việt Nam nhận định: Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, trong đó có công tác lưu trữ, bảo quản, số hóa, phục chế phim. 

Tại Việt Nam, trong khi các lĩnh vực sản xuất, phát hành, chiếu bóng của ngành điện ảnh đều đã chuyển đổi sang kỹ thuật số thì các đơn vị lưu trữ phim mới đang ở giai đoạn đầu tiên trong quá trình số hóa, phục chế tư liệu. T

rong thời kỳ thay đổi về công nghệ như hiện nay, công tác bảo quản, lưu trữ phim sẽ phức tạp, khó khăn hơn trước nhiều vì vừa phải tiếp thu công nghệ mới phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vừa phải tiếp tục duy trì bảo quản phim nhựa truyền thống.

“Cánh đồng hoang” - một trong số phim kinh điển của điện ảnh cách mạng.

Theo Phó Trưởng phòng Bảo quản, Viện Phim Việt Nam, Đinh Thị Thúy Chinh, hiện tại, kho phim của Viện Phim Việt Nam ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng, đĩa ở nhiều định dạng khác nhau. Đây cũng là những thước phim tư liệu quý được quay qua các thời kỳ đất nước và là một phần di sản hình ảnh động quốc gia cần được bảo tồn, lưu giữ, bảo quản tốt nhất. Những phim nhựa chua hỏng, không thể giữ được thì in chuyển sang bộ bản khác thay thế hoặc in chuyển sang định dạng số để lưu trữ. 

Hàng năm, Viện dành một khoản kinh phí lớn cho việc in chuyển phim nhựa sang định dạng kỹ thuật số 4k, ưu tiên những phim bản phim xuống cấp, phim có nội dung, có giá trị lịch sử, văn hóa, bước đầu đáp ứng được yêu cầu của công tác lưu trữ, bảo quản và phổ biến phim. Chỉ có điều, việc in chuyển phim nhựa sang định dạng khác để lưu trữ thì cấp thiết mà nguồn kinh phí thực hiện lại hạn chế. Với số lượng lớn phim, ổ, băng, đĩa đang được bảo quản và lưu trữ, Viện phim Việt Nam đang đòi hỏi trang thiết bị và nhân lực rất nhiều. Trong khi đó, nhân lực tu sửa, phục hồi phim nhựa phải có tay nghề tốt vững vàng và phải được đào tạo thường xuyên qua các trường dạy nghề, lớp chuyên nghành nên không dễ bổ sung.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, đại diện của Ơ Kìa Hà Nội Film Production cũng chia sẻ rằng, những bộ phim “Cánh đồng hoang”, “Em bé Hà Nội”, “Đàn chim trở về”… được ví von như viên ngọc quý của điện ảnh cách mạng Việt Nam, nhưng hiện nay người xem khó xúc động với ngôn ngữ điện ảnh được vì xước xát, cứ rè rè giật giật chớp chớp trên tivi vào những dịp kỉ niệm hoặc trên những trang web lậu. Việc tiếp cận với bản phim chất lượng cao từ Viện Phim Việt Nam lại không dễ dàng với phần đông công chúng. 

Nữ đạo diễn cũng cho biết, tác phẩm điện ảnh cần được nhìn nhận như một di sản quý giá của quốc gia – dân tộc và di sản ấy không thể tồn tại quá lâu dài, dù trong điều kiện lý tưởng. Việt Nam đang sở hữu một khối lượng di sản điện ảnh lớn. Khối di sản ấy đang ngày càng dày dặn hơn. Nhưng cùng với đó, những cuốn phim, đặc biệt là phim nhựa 35mm, có “tuổi đời” cao, đang rất khó khăn bảo quản. Công việc bảo tồn di sản điện ảnh đã được Viện Phim Việt Nam làm, nhưng chỉ như thế thì chưa đủ, mà cần có các mô hình xã hội hoá, phi lợi nhuận, đồng hành cùng Viện Phim trong hoạt động này. 

Về phía Ơ Kìa Hà Nội, hiện nay, đơn vị đã xây dựng dự án bảo tồn di sản điện ảnh thông qua phục chế và số hoá 4k từ phim 35mm bản gốc. Dự án xây dựng một mô hình hợp tác công tư – quy trình thực hiện nội địa và quốc tế hoá – nâng cao nhận thức của công chúng về di sản điện ảnh. 

Cụ thể, Viện Phim Việt Nam sẽ phối hợp cung cấp bản phim, chuyên gia, thiết bị, xây dựng quy trình, tham gia hoàn thiện bản phim số hoá, thực hiện lưu trữ. Ơ Kìa Hà Nội xây dựng dự án, khảo sát hiện trạng, đánh giá, lập danh sách phim đợt thí điểm, mời chuyên gia cho các công đoạn: Scan phim, phục chế, số hoá, tổ chức phát hành bao gồm chiếu cho công chúng trong nước và tham gia các liên hoan phim quốc tế.

Trao đổi trong khuôn khổ hội thảo, Thiếu tá Nguyễn Thị Mai,  Phó trưởng Phòng Tư liệu, Điện ảnh Quân đội nhân dân cũng cho biết, đơn vị đang bảo quản hàng chục vạn mét phim tư liệu phản ánh về hoạt động của Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội, về các sự kiện lịch sử, các hoạt động quân sự mang tính cơ mật và hàng trăm bộ phim và hàng nghìn mét phim tư liệu về hai nước bạn Lào, Campuchia. Tại đây, còn có một khối

lượng lớn các phim 16mm của Điện ảnh quân giải phóng và khối lượng lớn phim 16mm thu được của quân ngụy Sài Gòn sản xuất trước năm 1975. Đây là kho tư liệu rất quý. Vì nhiều lý do, đến năm 2021, phim mới chính thức được đưa vào bảo quản trong hệ thống kho đạt tiêu chuẩn. Nhưng hiện nay, các phương tiện hỗ trợ cho công tác bảo quản còn thiếu do kinh phí có hạn. Công tác bảo quản chủ yếu còn làm thủ công. Khi phim được nhập về kho hoặc sau khi khai thác sử dụng, nhân viên kho kiểm tra, lau chùi bằng khăn nhung thấm cồn 70 độ, đánh số lưu trữ đưa vào cất kho. Một lượng lớn phim 16mm chưa có điều kiện in phóng ra phim nhựa hoặc chuyển đổi sang số để biên tập nghiên cứu sử dụng. 

Hiện nay, phim của Điện ảnh Quân đội vẫn được lưu trữ trên 3 vật liệu gồm phim nhựa, băng từ và ổ cứng nhưng đã từng bước đầu tư các trang thiết bị để số hoá. Đơn vị đặt mục tiêu số hóa toàn bộ kho phim hiện có để lưu trữ và khai thác, lưu trữ song song cả phim nhựa và số. Nhưng, để có thể gìn giữ lâu dài, phát huy được tác dụng tích cực của các tài liệu này vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thì không chỉ có trách nhiệm của một mình Điện ảnh Quân đội nhân dân mà còn cần có sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức, cơ quan cấp trên trong và ngoài quân đội. 

Hoa Nguyễn
.
.
.