Nhạc sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Thắng: Nghệ sĩ của cả hình và tiếng

Thứ Sáu, 03/03/2023, 14:20

Vai khoác túi sáo, lưng đeo ba lô, tay cầm máy ảnh, Nguyễn Thắng phóng xe leo từng đỉnh đèo xuống từng thung mây Tây Bắc. Bạn bè gọi là "Tiêu sơn tráng sĩ" vì anh có tài thổi tiêu khiến gỗ đá cũng bồi hồi. 

Thắng nghiệm thấy mình cứ mong ước điều gì thì thế nào cũng thành. Thắng mê sáo từ nhỏ, quá trình tầm sư học sáo bắt đầu từ dân dã, rèn tập tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp… Cứ thế, danh hiệu Thắng Sáo xuất hiện lúc nào không hay. Nhưng cái tên "Tiêu sơn tráng sĩ" nghe có vẻ "nghệ" hơn cả. Sau nhiều thăng trầm thì anh đã tìm được bến đỗ cho mình, đó là Đài Tiếng nói Việt Nam.

Mảng ca khúc thì thời trẻ cứ hứng là Thắng viết. Viết hỏng thì làm lại. Rồi Thắng cũng có được "khoảng đất" riêng của mình, anh giành giải "Bài hát Việt" và gần đây, nhận giải cao nhất về ca khúc Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

chan dung nhac si nguyen thang.jpg -0

Thắng mê sáo từ nhỏ nên luôn hóng trên đài rồi dùng cassette thu lại những tiết mục của những nghệ sĩ sáo lừng danh như Ngọc Phan, Đinh Thìn... Ngoài ra các nghệ sĩ khác có nhiều "đòn lạ" thì Thắng sưu tầm băng đĩa để nghiên cứu các ngón nghề cơ bản như chạy ngón, đánh lưỡi đơn lưỡi kép, lưỡi rung, láy rền vỗ ngón, rung hơi…  tiếp theo là "mổ băng" chép ra từng nốt và thổi theo sao cho ra "màu" mới thôi. Thắng mơ mộng ngày nào đó, tiếng sáo của mình cũng vang lên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tầm sư học sáo nhiều thầy, từ Trường Nghệ thuật Hà Nội đến Học viện Âm nhạc Quốc gia,  tiếng sáo của Thắng nhận được ảnh hưởng lớn từ hai thầy Ngọc Phan, Lê Phổ từ kỹ thuật đến cách tiếp cận tác phẩm, tính kỷ luật bản thân và sự phóng túng tự do. Rồi tiếng sáo của Thắng cũng được phát trên Đài phát thanh và ngày càng xuất hiện dày hơn.

Bài tốt nghiệp của Thắng khá gian nan. Thắng chọn một chùm bài đòi hỏi công phu hơi quá sức như "Tiếng Sáo trên nương", "Gửi miền Nam", "Tiếng gọi mùa xuân". Thầy Lê Phổ khuyên hãy chọn bài vừa sức nhưng Thắng cứ khăng khăng theo ý mình. Trước khi thi nửa năm, Thắng bị tai nạn giao thông, mặt mài xuống đường, méo xệch nên không thể đụng nổi môi vào sáo. May là phần răng môi không tổn thất. Sau khi thi xong, thầy Lê Phổ bảo "Mày thi mà thầy ngồi nín thở, không biết có qua nổi không".

Các cụ bảo nhất đồ nhì nghề. Dân sáo thường thích tự chế cây sáo theo cơ địa của chính mình. Từ hơn hai mươi năm trước, Thắng mày mò tự chọn nứa, lựa trúc, khoét lỗ đúng cữ môi mình. Xem tướng cho nghệ sĩ sáo, nhìn miệng rộng hay hẹp, xem môi dày hay mỏng có thể đoán được gần đúng tiếng sáo người sẽ thế nào. Ai môi mỏng thì tiếng trong, ai môi dày thì tiếng dễ xì. Nếu cấu trúc hàm bị hô về phía trước một cách "vô lý" quá thì đôi môi sẽ khó tìm nhau để lái luồng khí như ý. Răng mà rụng mất dù chỉ một chiếc thì khó che gió giữ hơi. Anh nào miệng kiểu "Hợp tác xã toàn lợi" thì chắc chắn phải giã từ sân khấu. Dân sáo phải giữ thanh sắc không kém ca sĩ. Nhiệt lưỡi thì ca sĩ vẫn hát được chứ dân sáo nhiệt lưỡi là "treo" cả sáo lẫn mồm. Dân sáo phải biết giữ mồm giữ miệng là thế. Thành ra dân sáo nếu không đẹp mã như tài tử xi nê thì mặt mũi cũng buộc phải cân đối, dễ nhìn.

Túi sáo của Thắng có đủ bộ 10 cây sáo các giọng khác nhau. Trong đó có cây sáo giọng đô tự làm từ năm 2003, có vết nứt nhưng vẫn khảm lại, mang theo như vật bất ly thân. Thắng bảo không thể bỏ cây này vì nó gắn bó với mình như người bạn. Mất ngần ấy năm để hơi mình nó thấm vào ống sáo. Toàn bộ cây sáo nhận tinh thần của mình và thành tri kỷ, tri âm, thành hồn vía của mình rồi.

Tốt nghiệp Nhạc viện, Thắng đầu quân cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Nhưng anh hơi "đen", rơi vào diện giảm biên chế nên phải ra ngoài mưu sinh đủ nghề. May có người anh thu xếp cho Thắng chân bán thực phẩm cho Công ty Thực phẩm TP Hồ Chí Minh. Thắng giao sản phẩm "Bò khô Anh Ký" đến các quán nhậu. Phải sống đã rồi tính.

Vốn học về nhạc cổ truyền nhưng Thắng lại mê Pop. Anh có xu hướng pha trộn nhạc dân gian với hiện đại từ khá sớm.

Gần đây, Thắng cùng Trần Lưu Hoàng sáng lập ban nhạc "Đường Chân Trời" với phong cách World Music. Ban này hòa trộn nhạc cổ truyền với hòa âm Pop, Jazz, như làm thí nghiệm. Anh còn tập cây tiêu Shakuhachi của Nhật để mở rộng không gian âm nhạc. Dùng cây tiêu này phải trường hơi, và khéo mới ra được tiếng hay. Nó chỉ có 5 lỗ mà phải thổi được 7 nốt, lại có cả nốt bán cung.

que huong tuoi tho - anh cua nguyen thang.jpg -0
Quê hương tuổi thơ - Ảnh của Nguyễn Thắng.

Một trong những thành viên của "Đường chân trời" là vợ anh, thạc sĩ Phạm Thu An, giảng viên đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Cả hai cùng làm nhạc nên việc gia đình phải khéo co kéo để thay nhau phục vụ con cái. Việc này thêm phức tạp mỗi khi cả hai vợ chồng cùng lưu diễn dài ngày. Được cái thuận vợ thuận chồng nên cũng hoan hỉ cả.

Ban "Đường chân trời" đã tham gia nhiều chương trình truyền hình và được đánh giá cao khi trình diễn tại Festival Huế. Ca khúc của Thắng nhiều bài tự nhiên cứ hút về màu Tây Nguyên và Tây Bắc. Thực ra, cứ nốt nọ gọi câu kia chứ Thắng không tính toán gì.

Thắng có một giấc mơ khác là sáng tác ca khúc. Việc này khởi nguồn do một cú huých tình cờ. Một nhạc sĩ nghiệp dư đưa bài nhờ góp ý. Góp ý cho người ta xong rồi Thắng nghĩ, người viết nhạc sai chính tả vẫn có thể sáng tác được, sao mình được học đầy đủ lại không sáng tác?

Thế là Thắng viết rất hăng. Thầy Lê Phổ chiều học trò, dẫn Thắng tới gặp các nhạc sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ban biên tập âm nhạc của đài vốn uy tín có "đôi mắt xanh". Thắng trình bày ý tưởng nhiệt huyết như sợ người nghe không hiểu mình. Một nhạc sĩ cao tuổi độ lượng bảo "Bạn đừng lo! Chúng tôi đều đọc được nhạc mà". Kỳ đó, bài hát của Thắng chưa nhận được sự đồng thuận của những "đôi mắt xanh".

Thua keo này, bày keo khác. Thắng tiếp tục viết, cập nhật xu hướng, rút tỉa kinh nghiệm và thi thố. Tại "Bài hát Việt 2005", bài "Ru à ơi" của Thắng được giải bình chọn nhiều nhất. Năm 2014, anh trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2016, Bài "Màu Y Tý" của Thắng nhận giải C của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Mới nhất, ca khúc "Chúc mừng năm mới" của Thắng đã nhận giải A của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Những mốc này khẳng định một Nguyễn Thắng nhạc sĩ có một vị trí thực sự với tư cách tác giả.

Nguyễn Thắng có một ước mơ nữa là chụp ảnh. Người ta có câu, muốn ai sạt nghiệp, hãy đưa cho hắn một cái máy ảnh. Người đẩy Thắng xuống "hố vôi" là nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm. Chính anh đã dẫn Thắng đi mua chiếc máy ảnh đầu tiên.

Cú huých khiến Thắng hiến một phần đời cho nhiếp ảnh cũng từ chuyến phượt đầu tiên từ năm 2009. Khi ấy đi cùng hội Vespa, xe Jeep. Rồi nhiếp ảnh gia Mạnh Viết rủ Thắng tham gia với hội chụp ảnh có tên là "Cơ động mạnh". Hội này có tiêu chí là khỏe ăn, khỏe chơi, khỏe sáng tác. Thắng trở thành phượt thủ từ đấy và cầm máy sáng tác ở mức "tăng động mạnh". Anh chụp nhiều, gửi nhiều cuộc thi lĩnh giải khá liên tục, trong đó có cả giải quốc tế.

Tuy vậy, những tấm ảnh đẹp nhất thường là khi Thắng đi một mình. Thắng đi xe bus đến tỉnh miền núi rồi thuê xe Waves110 phóng lên những điểm cao hứa hẹn tiềm năng. Lọ mọ vừa đi vừa sẵn sàng "súng ống" để không bỏ sót cơ hội. Ba lô luôn mở sẵn như miệng há. Máy ảnh Nikon 810, ống 24 - 70 lên nòng, bất kể lúc nào cũng nhấc máy lên là "bắn".

Chiếc Nikon vui mừng bạn hữu
Đã đưa tôi thêm gần bạn hơn
Với bao khuôn hình nơi đồng bào

(lời ca khúc "Màu Y Tý")

Cái tên "Tiêu sơn tráng sĩ" giờ đã gắn với Hoàng Su Phì, Bản Phùng, Phố Cáo, Lao Xa, Ngải Thầu, Tà Xùa... Riêng Y Tý, Thắng đi sáng tác 6 lần. Đất và người ở đây hiện rõ trong ca khúc "Màu Y Tý".

Nắng sắp tràn tận thôn Hồng Ngài
Gió hát bài ruộng mây chăn ấm
Lúa đã vàng mùi hương thu nồng
Cho ta vào cổ tích dương gian

Năm 2018, Nguyễn Thắng chính thức trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Nội. Điểm ra những ước mơ về sáo, bài hát, và nhiếp ảnh đều lần lượt thành công cả. Muốn là được, bởi Thắng đã nói là làm chứ không nói chơi.

Tiếng tiêu luênh loang trên núi rừng Tây Bắc của Thắng tạo cảm hứng cho những tấm ảnh ra đời. Nhiếp ảnh ghi lại cho Thắng những khoảnh khắc hiếm để hiển thị trong ca từ. Bài hát của Thắng có giai điệu, hòa âm màu sắc, cùng hình ảnh sinh động do cuộc sống mang lại. Bài "Chúc mừng năm mới", giai điệu đầy hạnh phúc cùng những hình ảnh phố đầy sắc xuân:

… Kìa ngày ông Công ngồi ca chép bay
Xuân gánh hoa về phố.
Cành đào phai bông cúc thơm ngoài sân
Thơm bữa cơm chiều ba mươi…

(Lời bài "Chúc mừng năm mới")

Sau Tết Quý Mão, Thắng lại về Tây Bắc ghi hình một music video. Tây Bắc bây giờ như quê hương thứ hai của anh. Vì thế phải gọi là về chứ không phải là đi. Cùng chờ xem chuyến "về quê" này, "Tiêu sơn tráng sĩ" sẽ có sáng tác nào mới.

Mỹ An
.
.
.