Điện ảnh Việt và những tín hiệu vui đầu xuân
Sau 2 năm gặp nhiều khó khăn và chứa đựng những khoảng lặng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, ngay đầu năm mới này, điện ảnh Việt đã có những tín hiệu vui, mang đến hy vọng về sự phục hồi, khởi sắc mới.
Có lẽ, không thể kể hết những khó khăn mà điện ảnh nói riêng, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung gặp phải sau 2 năm dịch bệnh COVID - 19 hoành hành. Tuy nhiên, một trong những tin vui đầu tiên trong những ngày xuân này của Điện ảnh Việt phải kể đến là sự mở cửa trở lại của hệ thống rạp chiếu tại Hà Nội bắt đầu từ 10/2.
Như vậy, cùng với TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác đã mở cửa rạp chiếu phim trước đó, hoạt động trở lại của rạp chiếu phim ở Hà Nội sẽ giúp thị trường điện ảnh mở rộng hơn rất nhiều. Đây có lẽ là một trong những tin vui được mong chờ nhất với đông đảo khán giả Thủ đô và những người làm phim.
Dù thời gian vừa qua, những người làm điện ảnh đã thay đổi trong việc phổ biến phim giữa thời kỳ dịch bệnh như sử dụng nền tảng số. Nhưng đó chỉ là biện pháp tình thế. Thưởng thức một bộ phim đúng nghĩa vẫn phải là trong rạp chiếu với điều kiện không gian, âm thanh, ánh sáng đúng quy định.
Ngay từ trước ngày mở cửa, các rạp chiếu đã cho vệ sinh khử khuẩn, đặt bảng quét mã QR… Lượng khán giả đến các cụm rạp trong ngày mở cửa trở lại tại Hà Nội không quá đông. Vì hoàn cảnh dịch bệnh nên phần lớn khán giả đều sử dụng app đặt vé online từ hôm trước, tránh việc phải xếp hàng mua vé. Ghi nhận tại các cụm rạp, khán giả chủ yếu là các bạn trẻ. Mở cửa rạp vào những ngày đầu xuân, khi ngày lễ Tình nhân 14/2 đang đến gần chắc chắn rạp chiếu phim sẽ là sự lựa chọn của nhiều cặp đôi.
Cùng với sự mở cửa trở lại của rạp chiếu thì cuộc đua phòng vé của một loạt phim Việt bắt đầu. Trong số đó phải kể tới những bộ phim đã hoàn thành, chỉ chờ ngày mở cửa phòng vé để ra mắt khán giả. Ngay từ đầu xuân này, khán giả cả nước sẽ được thưởng thức một loạt phim Việt đang "xếp hàng" chờ ra rạp. Bộ phim kinh dị "Chuyện ma gần nhà" (đạo diễn: Trần Hữu Tấn) và "Bẫy ngọt ngào" (đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư) cùng ra mắt vào ngày 11/2. Đây giống như chào đón sự trở lại của các cụm rạp tại Hà Nội - một trong các thành phố luôn có số lượng khán giả nhiều nhất cả nước.
Tiếp đó, bộ phim 18+ "Người tình" (đạo diễn: Lưu Huỳnh) sẽ ra mắt khán giả chỉ sau đó 1 tuần, vào ngày 18/2. Đầu tháng 3 sẽ là sự ra mắt bộ phim "Người lắng nghe: Lời thì thầm" (đạo diễn: Khoa Nguyễn), "Mến gái miền Tây" (Võ Đăng Khoa sản xuất, dàn dựng và đóng chính). Bộ phim "789: Phát đạn của kẻ điên" (đạo diễn: Lương Đình Dũng) dự kiến ra mắt vào cuối tháng 3.
Bộ phim "Em và Trịnh" (đạo diễn: Phan Gia Nhật Linh), "Bóng đè" (đạo diễn Lê Văn Kiệt), và "Thanh Sói" (đạo diễn Ngô Thanh Vân) dự kiến ra rạp vào tháng 4. Trong mùa hè, cũng sẽ công chiếu bộ phim "Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác" (đạo diễn Hàm Trần), lấy cảm hứng từ nhân vật Maika từng gây sốt của phim truyền hình nổi tiếng Tiệp Khắc (cũ) là "Maika - Cô bé từ trên trời rơi xuống". Phim do Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác sản xuất.
Nhìn vào danh sách các bộ phim dự kiến ra rạp ngay trong mùa xuân này có thể thấy sự đa dạng trong đề tài phản ánh. Đó là sự góp mặt của nhiều dòng phim như kinh dị, tâm lý xã hội, võ thuật… Đặc biệt, trong cuộc đua phòng vé đó, với doanh thu 15 tỷ đồng đạt được chỉ sau 2 ngày ra mắt (số liệu Box Office Vietnam), "Chuyện ma gần nhà" đã trở thành phim Việt có doanh thu mở màn cao nhất đầu năm 2022. Trình chiếu tại 2.000 cụm rạp trên toàn quốc, phim có lợi thế là phủ sóng gần như toàn quốc.
Việc "Chuyện ma gần nhà" tạo được cơn sốt phòng vé cho thấy khán giả vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho phim Việt. Chưa kể, sau một thời gian dài không được tới rạp xem phim, sự mở cửa trở lại của rạp chiếu thực sự là ngày hội đối với những người yêu điện ảnh.
Bên cạnh những bộ phim đã hoàn thành chỉ đợi ngày ra mắt, điện ảnh Việt còn ghi dấu những tín hiệu vui bởi những dự án phim khởi động vào những ngày đầu năm 2022. "Đất rừng phương Nam" là dự án phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (chuyển thể từ tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam" của nhà văn Đoàn Giỏi). Ngay từ đầu năm, bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân - Nam Cito cũng đã công bố dự án "Vũ trụ mỹ nhân", trong đó bắt đầu bằng phim điện ảnh "Cô gái đến từ quá khứ". Hai nữ diễn viên chính của phim thuộc về Ninh Dương Lan Ngọc và Kaity Nguyễn.
Thêm một dự án phim nữa cũng là phiên bản điện ảnh của phim truyền hình đó là "Người đẹp Tây đô: Chuyện đời chưa kể". Ngoài ra, một dự án phim dã sử cổ trang hứa hẹn có sự đầu tư lớn của điện ảnh Việt là "Quỳnh Hoa nhất dạ" (đạo diễn Lý Minh Thắng). Đây là bộ phim xoay quanh cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga, trong đó siêu mẫu Thanh Hằng vừa làm nhà sản xuất vừa đóng vai chính. Được biết, bộ phim đã hoàn tất khâu diễn viên nên có thể bấm máy ngay và dự định ra rạp vào cuối năm 2022. Trước đó, đạo diễn Võ Thanh Hòa và ê kíp của Thu Trang cũng đã bắt tay vào sản xuất "Nghề siêu dễ". Phim đang được thực hiện và có thể ra mắt sớm vào cuối tháng 4.
Bên cạnh những tín hiệu vui trong nước, điện ảnh Việt đầu năm còn ghi nhận những niềm vui từ ngoài biên giới. Bộ phim "Memoryland" (tạm dịch là "Miền ký ức" của đạo diễn Bùi Kim Quy đã góp mặt tại LHP quốc tế Berlin lần thứ 72. LHP Berlin lần này khai mạc hôm 10/2 với sự tham gia của hơn 250 bộ phim đến từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phim "Miền ký ức" của Việt Nam sẽ tham gia hạng mục "Forum" (Diễn đàn) của LHP năm nay. Ra đời từ năm 1951, LHP Berlin là một trong ba LHP quốc tế lâu đời và uy tín nhất trên thế giới.
Như vậy, chủ động và thích ứng linh hoạt là những điều mà giới điện ảnh đã thực hiện khá tốt trong thời gian dịch bệnh vừa qua. Ngay từ đầu năm mới, khi vaccin được phủ rộng, người dân quen dần với cuộc sống "bình thường mới", nhất là hệ thống rạp chiếu phim gần như được mở trở lại hết trên toàn quốc thì thị trường điện ảnh đã có sự phục hồi và khởi sắc rõ nét. Mặc dù mùa phim Tết vừa qua không có được thành công như kỳ vọng. Bên cạnh lý do là nhiều bộ phim chất lượng chưa cao thì việc các cụm rạp lớn ở Hà Nội chưa được mở cửa cũng là một nguyên nhân khách quan. Nhưng, ngay khi cuộc sống trở về "bình thường mới", thị trường điện ảnh đã khởi sắc trông thấy.
Nhiều nhà sản xuất phim cho rằng, đây là thời điểm tăng tốc của thị trường điện ảnh. Rất cần những dự án phim lớn, chất lượng cao để vực dậy phòng vé, khôi phục lại niềm tin của khán giả với phim Việt. Bởi nếu không bắt đầu sớm, sẽ tạo ra những lỗ hổng trong lịch phát hành phim thời gian tới, tạo cơ hội cho phim nước ngoài chiếm lĩnh thị phần. Đó là điều đáng tiếc. Rõ ràng, những hệ lụy của dịch bệnh thời gian vừa qua thực sự mang đến cho thị trường điện ảnh Việt nhiều nốt lặng đáng tiếc. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức, là cơ hội để những người làm phim học cách thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh. Đồng thời cũng là thêm thời gian cho các đạo diễn chuẩn bị kỹ lưỡng cho các dự án phim của mình.