Bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc: Không là chuyện của ngày sau
Lần đầu tiên, "Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc miền núi phía Bắc" đã được tổ chức trong khuôn khổ "Tuần Đại đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" (diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25/11). Tiếp ngay sau đó, hội thảo "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" thu hút sự quan tâm của nhiều người làm văn hóa đã cho thấy tính cấp thiết của vấn đề này trong cuộc sống hiện đại.
Không phải ngẫu nhiên mà tại "Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" (diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25/11) tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), "Liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc miền núi phía Bắc" đã được tổ chức với quy mô lớn, có sự góp mặt của 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đến từ 17 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Lần đầu tiên, công chúng được dịp thưởng thức ngày hội đa sắc màu trong trang phục truyền thống, mang đậm bản sắc mỗi dân tộc, vùng miền.
Có thể nói, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, ngoài 85,4% người Kinh thì 53 dân tộc thiểu số còn lại chiếm 14,6% dân số cả nước với những bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo. Mỗi dân tộc đều có một nét riêng trong phong tục, tập quán, và trang phục. Trong đó, trang phục được ví như đặc điểm nhận dạng của dân tộc đó. Hiện nay, ở một số dân tộc, người dân vẫn giữ được bản sắc độc đáo của dân tộc mình thông qua việc sử dụng trang phục truyền thống hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng thờ ơ, kém mặn mà với trang phục truyền thống, nhất là ở thế hệ trẻ là thực trạng diễn ra tại không ít dân tộc. Nhiều thanh niên miền núi, vùng sâu vùng xa đang có xu hướng thích mặc trang phục hiện đại. Người cao tuổi thay vì mặc trang phục được sản xuất thủ công thì cũng sẵn sàng mua những bộ quần áo may sẵn chuyển từ miền xuôi lên vì giá rẻ, tiện sử dụng.
Có một thực tế là trang phục truyền thống của nhiều dân tộc được dệt bằng tay, chất liệu thổ cẩm ấm vào mùa đông nhưng khá nóng vào mùa hè, thường bị dính chàm trong thời gian mặc ban đầu. Ngay cả chuyện giặt trang phục cũng bất tiện vì khí hậu vùng núi khó khô. Trang phục bao gồm nhiều lớp, nhiều chi tiết, mất thời gian để mặc và bất tiện trong một số sinh hoạt. Đa phần nhiều nơi, đồng bào dân tộc chỉ mặc trang phục truyền thống trong các ngày lễ, ngày hội, ngày Tết khiến trang phục này gần như trở thành một thứ lễ phục không còn thân thuộc với đời sống sinh hoạt của người dân.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là sự phát triển của cuộc sống hiện đại, sự giao thoa hội nhập giữa các dân tộc, vùng miền ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Điều đó tác động không nhỏ đến nhận thức, nhu cầu, thị hiếu của đồng bào muốn thay đổi để hòa nhập với xu thế chung, đặc biệt trong giới trẻ. Nhất là tại các tộc người sống gần các thành phố lớn, các nơi có nền kinh tế phát triển thì tình trạng này càng rõ rệt hơn. Tiêu biểu như người Sán Dìu sống quanh chân núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) với khoảng 35.000 người nhưng rất khó nhận biết bởi thường ngày, họ đều mặc trang phục hiện đại. Trang phục truyền thống dân tộc chỉ mặc vào những ngày lễ, Tết hay dịp đặc biệt nào đó. Tương tự, nhiều người dân tộc Mường sinh sống ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) hay một vài vùng gần trung tâm TP Hòa Bình, gần quốc lộ… cho biết họ rất ít mặc trang phục truyền thống, ngay cả trong những dịp lễ Tết. Hoặc, việc mặc trang phục truyền thống đa phần là những người cao tuổi.
Trong sự mai một trang phục truyền thống của các dân tộc còn có tình trạng các trang phục được sản xuất công nghiệp dẫn tới thay đổi về họa tiết, hoa văn, đường nét tinh tế. Những trang phục ấy chỉ hao hao, giông giống mà không còn đúng bản sắc, hồn cốt của nó. Một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số lại sử dụng loại trang phục truyền thống là hàng nhái, giả được may sẵn bán trên thị trường về để sử dụng. Điều này đặc biệt xảy ra với những tộc người có dân số ít hay sống ở những địa bàn có sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa cao.
Đơn cử như ở tỉnh Thái Nguyên trên địa bàn tỉnh người dân tộc sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày càng ít. Đa số họ mặc trang phục của người Kinh, hoặc pha giữa trang phục dân tộc và dân tộc Kinh. Chất liệu, cách thức trang trí hoa văn trên trang phục đang có những thay đổi ngày càng xa rời bộ truyền thống. Đặc biệt, do nguyên liệu sợi bông tơ tằm không được trồng nhiều nên khan hiếm, đắt đỏ nên đã được thay bằng chất liệu len, màu nhuộm chàm không còn là màu tự nhiên nữa.
Thậm chí, ngay cả với áo dài, trang phục truyền thống khá phổ biến, được may từ nhiều chất liệu, đa dạng họa tiết, hoa văn, kiểu cách nhưng bộ trang phục này cũng đã từng bị một số nhà thiết kế thay đổi trở thành những sản phẩm thiếu thẩm mỹ. Ví dụ, sử dụng vải may quá mỏng hoặc cắt xén tà quá đà dẫn đến áo dài trở thành trang phục lai căng. Những thử nghiệm kết hợp áo dài với quần soóc, quần tất lưới cũng khiến trang phục này vốn nền nã duyên dáng trở thành một thứ trang phục quái đản, lố lăng… Tương tự, lạm dụng áo yếm, áo tứ thân, áo bà ba để khoe thân hoặc làm biến dạng các bộ váy truyền thống của người Thái, Tày, Mường, Dao… thành những sản phẩm thời trang lai căng, kệch cỡm.
Trang phục truyền thống có vai trò như chỉ dấu văn hóa riêng cho mỗi dân tộc, tạo nên sự phong phú, đa dạng và đặc sắc cho các tộc người Việt Nam. Từ năm 2019, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Thời gian thực hiện của Đề án là từ năm 2019 đến năm 2030 với mục tiêu đề ra là bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh việc đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Trong việc bảo tồn trang phục dân tộc cũng phải ủng hộ những thay đổi có tính chất tích cực, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Hoa văn thổ cẩm nhiều màu sắc là đặc trưng trên trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, số lượng người biết dệt ngày càng ít đi. Có thời điểm, cả bản Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La chỉ có khoảng 10 người biết dệt. Vì thế, ở một số làng bản thay vì mặc nguyên bộ, người dân đã cải tiến cách tân về kiểu dáng, màu sắc để mặc được cả mùa đông, mùa hè nhưng nhìn vào vẫn nhận biết được đó là dân tộc nào. Bà con dân tộc cũng sử dụng nhiều chất liệu như vải bông, vải lanh, nhung mềm mại để nhẹ nhàng, bắt mắt hơn. Người Mông ở Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) cũng đã có những cải tiến ví dụ thay vì vòng đai xiết dài quanh cạp váy gây khó chịu thì đã chuyển thành sử dụng bằng chun dễ mặc hơn...
Việc bảo tồn trang phục truyền thống là việc làm cần thiết và đã được một số địa phương triển khai từ nhiều năm nay. Như ở tỉnh Sóc Trăng, những người làm văn hóa đã khuyến khích vào dịch vụ cho thuê trang phục truyền thống ở những điểm du lịch, để chụp ảnh cưới, chụp ảnh lưu niệm. Tổ chức các chương trình trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc gắn với các lễ hội văn hóa, sự kiện của địa phương. Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai cho rằng, mỗi người dân cần có ý thức lưu giữ ít nhất một bộ trang phục truyền thống để mặc trong các ngày lễ, ngày hội, ngày khai giảng khai mạc các tổ chức đoàn thể
Muốn bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc có thể tham khảo từ cách làm với áo dài. Nhiều năm qua, từ một trang phục nhiều người ngại mặc vì cho rằng bất tiện, áo dài ngày càng xuất hiện nhiều trong đời sống sinh hoạt. Không chỉ ngày lễ, tết mà áo dài có mặt cả trong sinh hoạt đời thường. Có được điều đó là nhờ chúng ta có nhiều hoạt động tôn vinh, quảng bá áo dài. Thường xuyên phát động "Tuần lễ áo dài", "Tháng áo dài"… Đặc biệt là mục tiêu đưa áo dài từ di sản văn hóa trở thành di sản du lịch nhằm lan tỏa tình yêu áo dài không chỉ ở trong nước mà còn ra thế giới.