NSƯT An Chinh: Mỹ nhân lặng lẽ

Thứ Bảy, 04/06/2016, 08:00
An Chinh từng là cái tên được nhiều khán giả yêu sân khấu và điện ảnh ái mộ bởi vẻ đẹp thuần Việt, nền nã nhưng không kém phần sang trọng, bởi diễn xuất tự nhiên như hơi thở mà Tổ nghề ưu ái dành cho người con gái tài sắc này...


Thế rồi, bẵng đi một thời gian dài, khán giả tuyệt nhiên không gặp chị trên sóng truyền hình hay trong bất kỳ một bộ phim truyện nhựa nào. Chính bởi vậy mà, sự tái xuất của chị trong bộ phim truyện nhựa "Cuộc đời của Yến" cũng như phim truyền hình dài tập "Giọt nước mắt muộn màng" đang phát sóng trên VTV3 vào các ngày cuối tuần đã khiến không ít khán giả từng yêu mến chị vui mừng.

Thú thực, An Chinh là nữ nghệ sĩ mà tôi ấp ủ mong được gặp nhất sau khi được xem những vai diễn của chị trên sân khấu và màn ảnh từ hơn mười năm trước. Chị cũng là người mà mất khá nhiều thời gian tôi mới hẹn gặp được bởi từ nhiều năm nay, số điện thoại liên lạc của chị thường xuyên trong trạng thái không nhấc máy hoặc không liên lạc được. Hỏi những người biết chị thì đa phần nhận được câu trả lời: "An Chinh không gặp đâu". Điều ấy lại càng khiến tôi quyết tâm tìm gặp chị, để giải đáp cho thắc mắc về sự vắng bóng của chị trên sân khấu bấy lâu.

NSƯT An Chinh hẹn gặp tôi tại Nhà hát chèo Việt Nam, nơi chị đang công tác. Cũng là nơi có căn nhà tập thể nhỏ chứa đầy kỷ niệm, giờ đây, bố mẹ và vợ chồng người anh trai đang sinh sống. Cũng là nơi khởi nguồn, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật của cô bé An Chinh ngày nào. NSƯT An Chinh vẫn giữ được vóc dáng thanh mảnh và nét duyên dáng của một diễn viên tài sắc.

Mang thắc mắc của bao khán giả tới hỏi chị rằng chị đã làm gì trong suốt thời gian qua, An Chinh cười hiền: "Mình vẫn làm việc ở Nhà hát chèo Việt Nam. Nơi mà cho đến thời điểm này, đã có ít nhất 3 người trong gia đình mình là bố, anh trai và mình công tác. Cũng từng có thời điểm, có chỗ nọ chỗ kia muốn mình sang nhưng cuối cùng mình không thể xa được nơi này. Vừa là cơ quan nhưng cũng như gia đình với cô chú, anh em bạn bè...".

NSƯT An Chinh là một trong những trường hợp khá đặc biệt, từng được biết tới như một trong những nghệ sĩ trọn vẹn cả thanh lẫn sắc, có khả năng hóa thân tốt ở cả hai lĩnh vực: Sân khấu và phim ảnh. Mặc dù là dân sân khấu chính gốc nhưng khi đóng phim, chị không bị chất "kịch" làm cho căng cứng như một số nghệ sĩ sân khấu khác.

Năm 1998, khi NSND Trần Đắc làm phim "Bông sen", cô diễn viên chèo An Chinh đã được mời đóng vai chính. Vẻ đẹp thuần Việt, đặc biệt là cách diễn tự nhiên, dung dị đã khiến vai Liên của An Chinh gây ấn tượng mạnh với khán giả. Sau đó, chị còn tham gia một số bộ phim truyền hình nữa, trở thành gương mặt nhiều kỳ vọng.

Như bao khán giả từng yêu mến An Chinh, tôi đã không thể không hỏi An Chinh rằng tại sao chị lại dừng đóng phim, dù khi ấy, chị đã có đầy đủ yếu tố để trở thành một ngôi sao màn ảnh như nhan sắc, khả năng diễn xuất và sự chú ý của các đạo diễn. Và trong khi các nghệ sĩ đổ xô đi đóng phim như là một cách để đẩy tên tuổi mình tới gần công chúng, chị lại chối từ và chỉ dành sức mình cho sân khấu. Chị cũng chọn cho mình cách sống lặng lẽ, hầu như không xuất hiện trên bất cứ một phương tiện truyền thông nào...

NSƯT An Chinh thổ lộ, lâu nay khán giả "kêu ca" không gặp, chỉ vì chị không đóng phim, còn cho tới giờ phút này, chưa khi nào chị rời xa sân khấu chèo. Sở dĩ ngày ấy chị không đóng phim nữa dù đạo diễn vẫn mời, đồng nghiệp, khán giả vẫn khen vì thực sự chị không tìm thấy được cảm hứng trong công việc ấy.

Với chị, dù ở giai đoạn vinh quang hay khó khăn thì sân khấu vẫn luôn là thánh đường. Mỗi khi bước vào thánh đường ấy, chị luôn tìm được sự thăng hoa của cảm xúc. Chị vẫn hiểu, mỗi lĩnh vực nghệ thuật có đặc thù riêng. Nhưng mỗi lần đóng phim, chị luôn có cảm giác mệt vì cảm xúc bị cắt vụn. An Chinh lặng lẽ từ chối những lời mời đóng phim để dồn tất cả cho sân khấu chèo - lĩnh vực mà chị và người anh trai đã thừa hưởng năng khiếu và niềm đam mê từ người cha của mình.

An Chinh kể, cha chị vốn theo học sư phạm, là sinh viên khóa sư phạm đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa học ở Trung Quốc. Về nước, ông giảng dạy rồi trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của một trường cấp 3 ở Lập Thạch (Vĩnh Phúc). Những tưởng ông sẽ yên ổn cuộc đời một thầy giáo nhưng máu nghệ sĩ cùng sự động viên của những người bạn cuối cùng đã dẫn lối ông trở thành diễn viên nhà hát chèo Việt Nam.

Có cha là NSƯT Nguyễn Duy Đính, An Chinh cùng người anh trai của mình đã nghe tiếng trống chèo từ trong bụng mẹ. Tuổi thơ của hai anh em là cánh gà sân khấu nơi cha mình cùng các cô chú luyện vở. Ngay từ khi 6 -7 tuổi, An Chinh đã được các cô chú trong đoàn cho lên sân khấu đóng những vai con nít. Rồi như một lẽ tự nhiên, tốt nghiệp Trường Sân khấu - Điện ảnh, An Chinh trở về nhà hát tiếp nối niềm đam mê với nghiệp chèo.

Sở hữu đầy đủ thanh sắc và cái duyên sân khấu, An Chinh luôn tỏa sáng trong từng vai diễn. Điều đặc biệt là mang một vẻ đẹp thanh thoát, đoan trang tựa hồ như những thiếu nữ Hà Nội xưa nhưng An Chinh từng khiến khán giả sân khấu mê mẩn với vai Thị Màu. Bước lên sân khấu, An Chinh như thoát khỏi con người thực của mình, chỉ còn là một Thị Màu lả lơi, tình tứ cùng khát vọng mãnh liệt được yêu thương.

Hơn hai mươi năm đắm đuối với chèo, thậm chí sẵn sàng từ chối hào quang của một người nổi tiếng để làm nghề, năm 2006, chị còn thu xếp công việc để theo học biên đạo. Chị hiểu hơn ai hết quy luật khắc nghiệt của nghiệp diễn. Khi thanh, sắc không còn được như xưa thì dù có muốn cũng khó có thể cống hiến được nhiều cho nghề. Trở thành nhà biên đạo là cách chị nối dài được tình yêu với nghệ thuật của mình.

Tôi hỏi An Chinh rằng, chị có tiếc đã bỏ lỡ một khoảng thời gian đẹp nhất của nhan sắc để tỏa sáng trên màn ảnh, bỏ lỡ những cơ hội không phải ai cũng có để phát triển sự nghiệp, chị lắc đầu: "Không, mình không hề hối tiếc vì đó là sự lựa chọn của mình. Mình chỉ thích làm tốt những gì mang lại cảm xúc cao nhất. Và đó là sân khấu chèo. Hơn nữa, còn trách nhiệm của một người vợ, một người mẹ trong gia đình. Có những thời điểm bắt buộc mình phải lựa chọn".

An Chinh kể, từ khi lập gia đình, sinh con, thời gian của chị là nhà hát và gia đình. Công việc của chồng khá bận rộn nên chị toàn tâm toàn ý với vai trò người vợ, người mẹ để anh yên tâm công tác. Nhưng cuộc sống chỉ thực sự vất vả khi chị sinh bé thứ 2. Tới khi bé 3 tuổi thì cả nhà biết bé mắc chứng tự kỷ.

An Chinh nhớ lại, chị đã khóc rất nhiều khi biết được điều này. Và đó cũng bắt đầu quãng thời gian chị gần như rời xa tất cả để ở bên cạnh con mình. Giờ đây, ngồi trò chuyện với tôi, chị vẫn đưa tay lau nước mắt khi nhớ lại quãng thời gian vô cùng gian nan đồng hành cùng con.

Ngoài thời gian lo công việc ở cơ quan, chị tìm đọc tài liệu, tới gặp các chuyên gia trong lĩnh vực này. Bất cứ ai giới thiệu có trung tâm nào hay phương cách nào giúp con giảm tự kỷ, chị đều không quản ngại xa xôi tìm đến. Lo lắng, vất vả ngược xuôi khiến chị như quên hẳn chính mình.

Chị bảo, đi gặp gỡ nhiều người nhưng hầu như chẳng ai nhận ra diễn viên An Chinh ngày nào trong hình hài người mẹ quặn lòng vì thương con. Còn bạn bè, đồng nghiệp, người thân thì không khỏi xót chị. May mắn là sau một thời gian dài đồng hành cùng con, dù còn nhiều khó khăn nhưng giờ đây, con trai chị đã là cậu bé học sinh lớp hai. Chị cũng đã học được suy nghĩ tích cực rằng con mình là cậu bé khỏe mạnh và hiếu thuận.

An Chinh bảo, sau một quãng thời gian cùng con chiến đấu với chứng tự kỷ, nhìn lại, thấy mình bỏ bê bản thân đến nỗi mình không nhận ra mình nữa, chị quyết định thu xếp việc nhà ổn thỏa để đi tập thể dục, lấy lại vóc dáng, tinh thần, quay lại với nghệ thuật.

Ngoài công tác biên đạo, truyền nghề cho các diễn viên trẻ của nhà hát, chị dạy học tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và nhận lời mời đóng phim. Trò chuyện với NSƯT An Chinh thời điểm này không thể không nhắc tới những vai diễn gần đây, đánh dấu sự quay trở lại của chị với màn ảnh sau gần 20 năm.

Đó là vai vợ ông đồ trong bộ phim truyện nhựa "Cuộc đời của Yến", vai mẹ Hà trong phim truyền hình "Giọt nước mắt muộn màng" và một bộ phim sắp phát sóng có tên "Ánh sáng trước mặt". Phải tới 20 năm không tới trường quay nhưng An Chinh vẫn giữ được nét diễn tự nhiên, dung dị như vốn có. Hỏi chị rằng, lâu lắm mới ra trường quay, chị có lạ với cách làm việc mới không? Chị cười đùa: "Chưa bao giờ xa nghiệp diễn cả nên tới trường quay là diễn được. Chỉ có điều đang từ chỗ đóng vai các cô gái trẻ mình chuyển sang đóng vai các bà mẹ rồi".

Nghe chị kể chuyện nghề, rồi kể chuyện con. Chuyện gì cũng đắm đuối khiến tôi không còn cảm giác muốn "trách" chị đã bỏ bê màn ảnh nữa. Cũng là người mẹ, nên tôi hiểu những đứa con luôn là tất cả, thậm chí là cả cuộc đời họ.

Thảo Duyên
.
.
.