Không gian đi bộ Hà Nội: Để thực sự là không gian văn hóa đúng nghĩa

Thứ Năm, 29/12/2016, 12:14
Bắt đầu thí điểm từ 1-9-2016, không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và phụ cận kết nối với không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội đã trở thành điểm đến lý tưởng của nhân dân Thủ đô và du khách trong và ngoài nước mỗi dịp cuối tuần. Tuy nhiên, sau gần 4 tháng triển khai, bên cạnh những ưu điểm thì một số bất cập đã nảy sinh. 


Để không gian đi bộ thực sự trở thành "không gian hạnh phúc" như mong ước, một cuộc Hội thảo quốc tế với tên gọi "Giải pháp thông minh và sáng tạo cho không gian đi bộ Hà Nội" đã được tổ chức vào trung tuần tháng 12 vừa qua...

Theo báo cáo của UBND Quận Hoàn Kiếm, năm 2004, Hà Nội bắt đầu triển khai tuyến phố đi bộ đầu tiên Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân kết hợp với phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch trong phố cổ. Năm 2014, Hà Nội tiếp tục phát triển thêm 6 tuyến phố đi bộ mở rộng là Hàng Buồm - Mã Mây - Đào Duy Từ - Hàng Giầy - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện.

Và từ 1-9-2016, cùng với việc cải tạo, chỉnh trang bộ mặt kiến trúc các công trình trên các tuyến phố, Hà Nội bắt đầu thí điểm đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm vào những ngày cuối tuần. Đây là một trong những sự kiện tiêu biểu của thành phố Hà Nội trong năm 2016, tạo nên một không gian văn hóa mới cho Thủ đô.

Không thể phủ nhận lâu nay, với vai trò là trung tâm của Thủ đô Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm, tượng đài Lý Thái Tổ đã là điểm đến của nhiều người dân cũng như của du khách. Việc mở tuyến phố đi bộ những ngày cuối tuần cùng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thương mại hấp dẫn khiến khu vực này lại càng tấp nập, sôi động hơn.

Không gian đi bộ quanh Hồ Gươm thực sự hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đại diện UBND Quận Hoàn Kiếm cho biết, sau hơn 3 tháng tổ chức thí điểm, không gian đi bộ Hồ Gươm thật sự trở thành một không gian cộng đồng dành cho người dân, thu hút khách du lịch tới Thủ đô tăng 1,5 triệu người (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015).

Việc đi bộ không chỉ an toàn cho người tham gia mà còn tạo ra không gian thưởng thức các giá trị nổi trội của khu vực như cảnh quan, cây xanh, mặt nước tại khu vực trung tâm thành phố, cũng như các di sản vật thể và phi vật thể.

Mỗi ngày phố đi bộ buổi tối đón khoảng 1,5 đến 2 vạn người. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ cho dịch vụ, du lịch tăng 12 cửa hàng. TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm đồng tình với những thay đổi của thành phố Hà Nội. Ông cho rằng, chúng ta cần chú ý tới vai trò đặc biệt của phố đi bộ Hồ Gươm, không chỉ để phục vụ cộng đồng dân cư mà còn có tác động tích cực tới phát triển kinh tế và đóng góp đô thị. Vì thế, sự kiện tuyến phố đi bộ Hồ Gươm cần được tuyên truyền mạnh mẽ để khách du lịch quốc tế biết tới và truyền đạt kinh nghiệm phát triển đô thị, giúp nối dài các tuyến phố đi bộ.

TS Nguyễn Quang, Giám đốc chương trình "Định cư con người" (Liên hợp quốc) cho biết "Ở nhiều nơi trên thế giới, không gian đi bộ đóng vai trò tích cực trong việc gia tăng giá trị văn hóa, kinh tế, xã hội và môi trường cho thành phố.

Và để không gian đi bộ có tác động tích cực đến phát triển thành phố như vậy, người dân cần được tham gia đầy đủ vào quá trình thực hiện để đảm bảo tính bền vững cũng như công bằng trong việc tiếp nhận các cơ hội.

Ngoài ra chính quyền cần có vai trò chủ động, với cam kết chính trị cao, tạo điều kiện để các bên liên quan như các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thanh niên và cộng đồng sáng tạo, được tham gia vào quá trình phát triển không gian công cộng, không gian đi bộ"

Không thể phủ nhận, phố đi bộ quanh Hồ Gươm hai ngày cuối tuần đã mang đến cho người dân Thủ đô và du khách một không gian giải trí thú vị. Tuy nhiên, sau thời gian thí điểm, phố đi bộ Hồ Gươm còn tồn tại một số vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh như điều tiết âm thanh, ánh sáng theo hướng văn minh, phù hợp với chức năng từng khu vực.

Từ khi có phố đi bộ, cũng có nghĩa nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố được tổ chức. Những hoạt động như biểu diễn âm nhạc thính phòng, âm nhạc dân gian hấp dẫn khá đông du khách. Những hoạt động này không chỉ mang lại cơ hội thưởng thức nghệ thuật âm nhạc đường phố chất lượng cao mà còn giúp phố đi bộ vẻ có được vẻ lãng mạn trong những buổi tối cuối tuần.

Tuy nhiên, với những người dân sống tại khu vực này thì gần đây, những thanh âm lại trở thành nỗi ám ảnh. Tiếng động lớn, thời gian kéo dài đến khuya khiến đời sống sinh hoạt của nhiều hộ gia đình bị đảo lộn. Một số gia đình đã phải đóng cửa từ sớm hoặc sử dụng kính cách âm để hạn chế phần nào những tiếng ồn từ phố đi bộ vọng vào.

Bên cạnh đó, từ khi triển khai phố đi bộ ở Hồ Gươm, công việc kinh doanh của một số hộ gia đình đã bị ảnh hưởng. Lượng khách tới các hàng quán giảm đi vì khách không tìm được chỗ gửi xe hoặc ngại vì gửi xe quá xa...

Các đại biểu có mặt tại Hội thảo đều đồng tình với việc cần phải tính đến những thay đổi trong cuộc sống của người dân thời gian gần đây bởi muốn người dân ủng hộ thì không có gì khác phải khiến cuộc sống người dân ổn định, tinh thần thoải mái.

Hội thảo cũng đề cập tới việc phố đi bộ nhắc Hà Nội đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng. Trước khi có phố đi bộ, cung đường quanh Hồ Gươm đã rơi vào tình trạng đông nghẹt xe máy cuối tuần. Ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí đã thực sự là những nguyên nhân khiến vẻ đẹp của các thành phố trong đó có Thủ đô Hà Nội bị giảm sút, sự thu hút, hấp dẫn du khách cũng giảm đáng kể.

Theo kiến trúc sư Nguyễn Nga, không cần phải học ở đâu xa, thành phố Hà Nội có thể tham khảo Hội An trong việc xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Việc Thành phố Hội An trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách phải kể tới việc địa phương này đã xử lý tốt vấn đề môi trường. Trong đó, đặc biệt lưu ý, Hội An thành công vì đã luôn đề cao sự phát triển hài hòa với tự nhiên, có được sự ủng hộ của những người lãnh đạo và sự góp sức của người dân.

Để phố đi bộ thêm phần hấp dẫn, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ ý tưởng biến vỉa hè của phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí thành một tác phẩm nghệ thuật nhờ thay thế chất liệu lát nền. Theo anh, những vỉa hè tại những phố này nên sử dụng những chất liệu phát quang, trên đó in những dòng chữ có ý nghĩa "Xin chào" với nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đồng thời, bố trí đặt những tượng, hình ngộ nghĩnh trên các tuyến phố đặc biệt này.

Anh cũng cho rằng, điều quan trọng nhất và cũng đặc biệt nhất chính là sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động sáng tạo ở không gian phố đi bộ. Đối với phố đi bộ, cộng đồng, người dân vừa là đối tượng phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện và cũng chính là người hưởng thụ.

Một trong những đề xuất thông minh và sáng tạo cho không gian phố đi bộ được các đại biểu dự hội thảo chú ý là việc tiếp tục nối dài các tuyến phố đi bộ. Kiến trúc sư Nguyễn Nga cho biết, ngay từ năm 2008, bà đã có dự án nối dài phố đi bộ từ Hồ Gươm - Nhà hát Lớn - cầu Long Biên.

Trong trường hợp ga Long Biên không dùng cho tàu hỏa chạy qua nữa sẽ đề xuất khu phố Phùng Hưng, Long Biên thành phố đi bộ. Hơn một trăm mái vòm ở khu vực này sẽ được cải tạo thành khu trưng bày giới thiệu các làng nghề truyền thống của Thủ đô.

Tuy nhiên, với thời tiết nóng ẩm của miền Bắc, bên cạnh việc chỉnh trang kiến trúc thì việc quy hoạch thành những vành đai xanh là điều vô cùng cần thiết. Kiến trúc sư Nguyễn Nga cho rằng, Hà Nội không chỉ hướng tới những khách phổ thông mà nên mở rộng tới khách đặc thù. Để giải quyết yêu cầu phát triển kinh tế, sinh thái và nhu cầu thẩm mỹ không chỉ quan tâm đến tầm nhìn của người đi bộ mà còn hướng tới thẩm mĩ ở không gian trên cao hay không gian dưới lòng đất.

Khá nhiều ý kiến, chia sẻ của các kiến trúc sư, các nhà quản lý đã cho thấy không gian đi bộ Hà Nội thực sự thu hút được sự quan tâm của nhiều cá nhân, đơn vị. Ông Dương Đức Tuấn - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Những kinh nghiệm, bài học trong nước và trên thế giới cùng những sáng kiến về giải pháp thông minh và sáng tạo có được từ Hội thảo sẽ giúp Hà Nội điều chỉnh lại kế hoạch phát triển cũng như những hoạt động trong thời gian tới để phát triển không gian đi bộ được tốt hơn".

Khánh Thảo
.
.
.