Khi người trẻ hồi sinh cổ phục

Thứ Năm, 18/03/2021, 14:19
Hai năm gần đây, đưa trang phục cổ truyền của dân tộc vào đời sống hiện đại được bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước hưởng ứng nhiệt tình. Trào lưu này không chỉ có sự tham gia của các nhà thiết kế, nhà nghiên cứu trẻ mà còn có sự chung tay ứng dụng của cả cộng đồng.


Hồi đầu năm, một sự kiện tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Đó là ngày hội cổ phục “Tóc xanh - Vạt áo”. Tại đây, các cô cậu sinh viên háo hức hóa thân thành ông hoàng, bà chúa, những tiểu thư, công tử, chiến binh, nữ quan… thuộc nhiều triều đại xưa cũ. 

Họ hiểu rằng cổ phục không chỉ dừng lại ở chiếc áo dài mà còn có các kiểu áo của nhiều triều đại khác nhau như áo nhật bình, áo tấc, áo đối khâm, áo giao lĩnh, áo ngũ thân, áo viên lĩnh… Điển hình nhất trong ngày hội vẫn là trang phục triều Nguyễn, triều Lê, thời Lý, Trần... 

Bộ ảnh kỷ yếu lấy ý tưởng từ cổ phục triều Nguyễn của học sinh Nam Định.

Không chỉ trưng bày và diện cổ phục, sinh viên còn tổ chức các hoạt động tìm hiểu về văn hóa, lịch sử cha ông bằng cách phục dựng nhiều nghi lễ cung đình. Những người tham quan có nhu cầu muốn sở hữu một bộ cổ phục cũng được nhiều gian hàng sẵn sàng may đo tại chỗ. 

“Tóc xanh - Vạt áo” có thể coi là sự kiện tôn vinh cổ phục có quy mô lớn nhất đến thời điểm này khi thu hút sự tham gia của 12 nhóm cổ phong trên cả nước. Đây cũng là sự kiện đầu tiên nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tổ chức bài bản của đơn vị giáo dục chứ không còn là hoạt động tự phát của các diễn đàn, hội nhóm.

Phong trào cổ phục không chỉ dừng lại ở những sự kiện hội hè mà còn đi vào đời sống thường ngày. Giờ đây, nhiều bạn trẻ sẵn sàng đầu tư cho mình một bộ trang phục xưa để chụp ảnh nghệ thuật, hay chưng diện trong những dịp lễ, Tết. Phải nói, nhờ bộ phim cung đấu về triều Nguyễn mang tên “Phượng Khấu” khởi xướng năm 2019, phong trào cổ phục triều Nguyễn được dịp hồi sinh mạnh mẽ trong dòng chảy đương đại. 

Năm ngoái, một đôi uyên ương ở Cao Bằng quyết định chọn áo nhật bình và áo tấc làm trang phục cưới. Cô dâu Nguyễn Thùy Anh cho biết: "Mình rất yêu thích vẻ đẹp của thời xưa, đặc biệt là cổ phục triều Nguyễn. Nhật bình, áo tấc vẫn chưa được phổ biến rộng rãi đến các bạn trẻ hiện nay. Vì thế, mình cùng một người bạn thân lên kế hoạch về trang phục này cho đám cưới". 

Họ hàng, bà con đều trầm trồ vì vẻ đẹp của tà áo cung đình. Bộ cổ phục khiến cho đôi tân lang - tân nương vừa tạo nên sự khác biệt với các cặp đôi khác, vừa là dịp tôn vinh văn hóa dân tộc. Hưởng ứng nghĩa cử của cô dâu chú rể, bạn bè đàng trai, đàng gái cũng sẵn sàng khoác lên mình những chiếc áo ngũ thân lịch lãm. 

Cùng thời gian đó, cư dân mạng được phen “like” mỏi tay khi một lớp học sinh chuyên Pháp, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) tung bộ hình kỷ yếu lấy cảm hứng từ trang phục cung đình Huế. Các cô cậu học trò đều diện áo nhật bình, áo tấc, áo ngự thân hoặc ngự bào… với mũ mão, đôi hài, trang sức thời phong kiến, tái hiện kinh thành Huế vàng son một thuở.

Rõ ràng, định kiến giới trẻ không mặn mà với lịch sử dân tộc cần được xem xét lại một cách thấu đáo. Khi các loại hình nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc, thời trang, hội họa… xem lịch sử là kho báu vô tận để khai thác thì dường như định kiến này bắt đầu lung lay. 

“Chủ xị” của hàng loạt hội nhóm hay dự án về cổ phục như “Dệt nên triều đại”, “Ỷ vân hiên”, “Hoa văn Đại Việt”, “Nguyên Phong đoạn lĩnh”… đa phần đều là người trẻ. Lòng nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của thanh xuân được tiếp thêm sức mạnh nhờ sự cố vấn, hỗ trợ của các nhà sử học, nhà nghiên cứu lão làng, uy tín. 

Khi lịch sử trở nên sinh động, thiết thực và gần gũi với cuộc sống hôm nay, người trẻ sẽ thấy đó là cả một kho tàng đầy hấp dẫn mà họ phải không ngừng trầm trồ. Di sản cha ông để lại đồ sộ và đầy chuyện thú vị trong từng cúc áo, chiếc trâm cài… khiến họ say mê tìm hiểu. Và thật tuyệt vời khi vốn xưa đi vào thời nay, trở thành tiếng nói, hơi thở.

Nếu phải kể tên những gương mặt trẻ tiêu biểu trong hành trình hồi sinh cổ phục thì danh sách khá dài. Họ là những nhà thiết kế, nhà nghiên cứu tuổi đời mới đôi mươi như Tôn Thất Minh Khôi, Trần Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Đức Lộc… Mang trong mình dòng máu hoàng tộc, từ nhỏ Tôn Thất Minh Khôi đã lẽo đẽo theo cha, theo ông tìm hiểu về gia phả nguồn cội. 

Càng tìm hiểu, Khôi càng mê đắm, tự hào về truyền thống dòng họ. Những câu chuyện ông hoàng, bà chúa lôi cuốn cậu bé. Lớn lên, Khôi trở thành một trong những nhà nghiên cứu trẻ đi sâu vào chuyện thâm cung bí sử của hoàng hậu, phi tần triều Nguyễn với dự án “Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi”. Chính anh cũng là người khởi xướng ngày hội “Tóc xanh - Vạt áo” để quảng bá cổ phục các triều đại đến giới sinh viên, học sinh.

Riêng chàng trai 9X Nguyễn Đức Lộc vốn được biết đến với tư cách là nhà thiết kế cổ phục. Anh là người sáng lập “Ỷ vân hiên” - một thương hiệu chuyên nghiên cứu và thiết kế những tấm áo từ quá khứ cách đây cả trăm năm. Chỉ hai năm ra đời, “Ỷ vân hiên” đã tạo tiếng vang với các dự án như: thiết kế phục trang phim cổ trang “Phượng Khấu”, thiết kế phục trang cho MV cổ phong của ca sĩ Hòa Minzy và Bùi Lan Hương, tổ chức triển lãm ảnh cưới cổ trang... 

Ngoài ra, anh còn tổ chức nhiều buổi trò chuyện, giao lưu để chia sẻ thông tin, lan tỏa tình yêu, niềm đam mê cổ phục đến cộng đồng. Càng nghiên cứu sâu, Lộc càng ngỡ ngàng vì tính thẩm mỹ tuyệt vời trong những bộ cổ phục của cha ông. Tinh hoa của cả một dân tộc được gửi gắm tinh tế, ý nhị và hài hòa trong từng hoa văn, vạt áo. Vẻ đẹp đó đến tận hôm nay vẫn không hề bị lạc hậu, lu mờ so với nhu cầu hiện đại để các nhà thiết kế quyết tâm đưa cổ phục trở lại đời sống. 

Đôi uyên ương ở Cao Bằng chọn áo nhật bình và áo tấc làm trang phục cưới.

Nhìn nhận về phong trào cổ phục, Nguyễn Đức Lộc không giấu được sự vui mừng: “Trào lưu tìm về cổ phục là tất yếu. Bởi khi thế giới càng phẳng, các nước bước vào quá trình hội nhập cũng là lúc người ta tìm về căn cước văn hóa, lịch sử của dân tộc mình để khẳng định bản sắc riêng, định vị mình giữa rất nhiều thanh âm đa sắc. Rất mừng là hiện nay, phong trào về cổ phục đã tạo ra một hiệu ứng nhất định, ảnh hưởng đến xã hội thông qua rất nhiều hoạt động và sản phẩm giải trí, thực sự tạo thành một xu hướng. Công chúng đã quan tâm tìm hiểu đến trang phục truyền thống nhiều hơn”.

Cũng bắt đầu từ vạch xuất phát với nhóm “Đại Việt cổ phong” (một nhóm trên facebook gồm những bạn trẻ yêu thích các vấn đề lịch sử) như Nguyễn Đức Lộc, cô nàng Nguyễn Thị Trang đã chọn cho mình con đường với cổ phục cách tân. “Việt Cổ Phục cách tân” của Trang là cửa hàng quen thuộc cho những ai thích cổ phục gọn nhẹ, tiện lợi để đi chơi, dạo phố hoặc đi học, đi làm. Những hoa văn, kiểu dáng cổ thời Nguyễn, thời Lý, Trần trở nên mới lạ khi áp dụng vào những trang phục hiện đại

Theo nhà nghiên cứu trẻ Tôn Thất Minh Khôi, giới trẻ chưa bao giờ quay lưng lại với lịch sử cha ông. Vấn đề nằm ở cách chúng ta lôi cuốn họ bằng cách nào, có hấp dẫn không chứ đừng khư khư nhồi nhét kiến thức bằng cách bắt họ học thuộc lòng từng ngày tháng, sự kiện? 

Nói như một nhà nghiên cứu nước ngoài: cách tốt nhất để bảo tồn các di sản là cho chúng một đời sống trong xã hội đương đại. Chính bản thân những người trẻ đã tiên phong làm người mở đường đến với lịch sử một cách thú vị, lôi cuốn từ những thứ giản dị, thiết thực như cổ phục. Từ họ, niềm đam mê cổ phục nói riêng và tinh hoa dân tộc qua các thời kỳ nói chung được lan truyền mạnh mẽ trên những mái đầu còn xanh, để nếp xưa đi vào xã hội hôm nay, để cổ phục Việt không mờ nhạt trước cổ phục nước ngoài, để bạn bè năm châu trầm trồ trước vẻ đẹp truyền thống của dân tộc Việt…

Mai Quỳnh Nga
.
.
.