Kỷ niệm 100 năm Ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11/1917-7/11/2017)

Cách mạng Tháng Mười Nga trong con mắt các nhà làm phim

Thứ Ba, 07/11/2017, 08:00
Năm nay, nước Nga và thế giới long trọng kỷ niệm 100 năm cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại (1917-2017). Nhân dịp này, chúng tôi xin điểm lại một số bộ phim nổi tiếng về cuộc Cách mạng tháng Mười của các đạo diễn Liên Xô, khắc họa thời đại của những thay đổi toàn cầu đã diễn ra trên nước Nga. 


Tất nhiên, những sự kiện được mô tả trong các bộ phim nghệ thuật này là sự suy ngẫm mang tính sáng tạo, là cái nhìn,  của đạo diễn về các biến cố cách mạng. Tất cả đều là phim đen trắng, vì vậy, hiện nay chúng thường bị nhầm lẫn với phim thời sự trong những năm đó.

Sau hơn 100 năm tồn tại, nghệ thuật điện ảnh đã trải qua một chặng đường đầy vinh quang và khó khăn, từ các tiết mục giải trí hấp dẫn với những hình ảnh chuyển động trên màn hình đến phim nghệ thuật tổng hợp như hiện nay. Điện ảnh không chỉ có khả năng ghi lại sự vận động bên ngoài, mà còn thâm nhập vào nơi sâu thẳm nhất của tính cách con người, vào bản chất của các sự kiện lịch sử và sự lắt léo, phức tạp của các quá trình xã hội.

Sự xuất hiện của nghệ thuật thứ bảy không những không làm lu mờ các loại hình nghệ thuật độc lập khác mà ngược lại còn bộc lộ một cách rõ nét hơn những biên giới và đặc thù của chúng. Nghiên cứu bản chất nghệ thuật của điện ảnh, các nhà sáng lập ra nó không ngừng tìm tòi sáng tạo, và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

1. Phim “Tháng Mười” (đạo diễn Sergey Eizenshtein và Grigory Aleksandrov, năm 1927)

Đạo diễn vĩ đại Sergey Eizenshtein là “ca sĩ của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại”. Ông đã làm một số bộ phim tuyên truyền theo đơn đặt hàng của Đảng mà về sau được công nhận là những kiệt tác của điện ảnh thế giới. “Tháng Mười” là bộ phim thứ ba trong bộ ba phim cách mạng của Eizenshtein thiên tài. Hai phim đầu là “Cuộc bãi công” và “Chiến hạm “Potyomkin” kể về những sự kiện diễn ra trước năm 1917.

“Tháng  Mười” là  bộ phim câm nghệ thuật được xây dựng nhân kỷ niệm 10 năm Cách mạng tháng Mười (1927). Phim được quay tại xưởng Sovkino ở Moskva và được giới thiệu ở Mỹ với tên gọi “Mười ngày rung chuyển thế giới”.

Với sự chính xác lịch sử, đoàn làm phim của Eizenshtein tái hiện trên màn ảnh cảnh nổ súng từ chiến hạm Rạng Đông và cuộc tấn công sau đó vàoCung điện Mùa Đôngtại thành phố Petrograd vào ngày 7 tháng 11 năm 1917. Đạo diễn cũng tự mình dựng phim. Ông xây dựng câu chuyện sao cho mỗi cảnh phim đều dẫn khán giả tới kết luận cuối cùng và đưa ra định nghĩa cho các khái niệm liên quan tới chủ đề của bộ phim. Như vậy, Eizenshtein là người đầu tiên vận dụng lý thuyết của cái gọi là “điện ảnh trí tuệ”.

Một cảnh trong phim “Lênin trong tháng Mười”.

Theo hồi ức của nhạc sĩ Aleksandr Gorodnitsky, tham gia phim “Tháng Mười” hầu như không có các diễn viên chuyên nghiệp. Chẳng hạn, vai Lênin do công nhân nhà máy xi măng Nikandrov có ngoại hình giống Người đóng. Ông được may quần áo bành tô và mũ, còn đầu được cạo hết tóc. Đóng vai Kerensky là một sinh viên giống ông ta. Vai Zinovyev do em ruột mình đóng, còn vai Trotsky do một bác sĩ nào đó đóng, cũng có ngoại hình giống Trotsky.

2. “Người cầm súng” (đạo diễn Sergey Yutkevich, năm 1938)

“Người cầm súng” là bộ phim màn ảnh rộng được quay tại Hãng Lenfilm, là phim thứ nhất trong bộ ba phim dựa theo các tác phẩm của nhà viết kịch Xô viết Nikolai Pogodin: “Người cầm súng”, “Chuông đồng hồ điện Kremlin”, “Khúc thứ ba bi tráng”.

Cảnh trung tâm trong phim là cuộc gặp gỡ đầu tiên của người lính mới từ mặt trận trở về Ivan Shadrin và lãnh tụ Lênin. Người lính vai khoác súng trường, tay cầm ấm pha trà đi xung quanh điện Smolnyi để xin nước nóng. Anh ta tình cờ gặp một người đàn ông không cao lắm, mặc bộ comple. Người đàn ông này trò chuyện với anh ta, quan tâm tới những nhu cầu của anh ta và trả lời tất cả các câu hỏi. Bản thân Shadrin còn chưa biết mình đang nói chuyện với ai, nhưng người vệ sĩ đi cùng báo cho anh ta biết đó chính là Lênin. Shadrin vô cùng phấn khởi. Anh ta luôn luôn thốt lên: “Người anh em ơi! Các đồng chí ơi! Tôi được nói chuyện với Lênin rồi”. Sau đó, Shadrin lại ra mặt trận.

Công việc làm phim diễn ra dưới sự kiểm soát riêng của Stalin. Vai Lênin do nghệ sĩ Maksim Shtraukh thực hiện và được coi là một trong những hình tượng Lênin kinh điển trong điện ảnh Xôviết. “Người cầm súng” trở thành bộ phim đầu tiên mở ra chùm phim về Lênin của đạo diễn Sergey Yutkevich. Về sau ông còn làm một số bộ phim nữa nói về cuộc đời Lênin.

Phim “Người cầm súng” thực sự phát hiện ra diễn viên Mark Bernes, khiến ông trở nên nổi tiếng rộng rãi. Trong phim này, Bernes đã trình bày bài hát “Mây đen nổi lên trên thành phố” về sau được nhiều người mến mộ.

Xin lưu ý rằng, năm 1965, bộ phim này đã được phục chế tại Hãng Mosfilm. Kết quả của việc phục chế này là tất cả các cảnh có sự tham gia của Stalin (do Mikhail Gelovani đóng) đều bị cắt bỏ, cũng như thay đổi thứ tự của các cảnh.

3. Bộ ba phim về Maksim (“Tuổi trẻ Maksim” - 1934, “Maksim trở về” - 1937, “Phía Vyborg” - 1939, đạo diễn Grigory Kozintsev và Leonid Trauberg)

Hai đạo diễn Kozintsev và Trauberg bắt tay thực hiện bộ phim thứ nhất của bộ ba phim có ý nghĩa thời đại này vào năm 1932. Các đạo diễn đặt ra nhiệm vụ khắc họa cuộc cách mạng thông qua việc mô tả số phận của một con người cụ thể bị cuốn hút vào những quá trình cải tổ cuộc sống ở nước Nga. Ngay từ đầu, Maksim đã có thể trở thành một người vô sản - trí thức hay cố nông đạt được thành tựu lớn trong ngành ngoại giao.

Tuy nhiên, các đạo diễn quyết định nhân vật chính của thiên sử thi điện ảnh của họ phải là một chàng trai nông dân bình thường xuất thân từ vùng ngoại ô. Thành công của bộ phim đầu tiên trong bộ ba rất lớn. Stalin rất thích “Tuổi trẻ Maksim”. Kozintsev và Trauberg ngay lập tức bắt tay vào quay phần tiếp theo.

Song song với việc quay “Maksim trở về”, họ viết kịch bản “Phía Vyborg”. Trong phần kết của bộ ba phim cách mạng, nhân vật chính của bộ phim trở thành dân ủy Ngân hàng nhà nước trong những tháng đầu tiên sau các sự kiện tháng Mười năm 1917.

Maksim (do Boris Chirkov đóng) với sự giúp đỡ của các đồng chí đã hình thành nên ngân sách đầu tiên của đất nước Xôviết non trẻ. Trong một bài trả lời phỏng vấn vào những năm 1970, Chirkov đã kể lại rằng, câu chuyện của nhân vật của ông nhất định phải được tiếp tục, nếu như không có chiến tranh. Âm nhạc của cả ba phim này đều do nhạc sĩ Dmitry Shostakovich sáng tác.

 4. “Lênin trong tháng Mười” (đạo diễn Mikhail Romm và Dmitry Vasilyev, năm 1937)

Vai Lênin trong bộ phim này do Boris Schukin thực hiện. Hình tượng nhà lãnh tụ của giai cấp vô sản do nghệ sĩ nổi tiếng khắc họa trên màn ảnh đã trở thành kinh điển. Trong thời gian quay bộ phim đã diễn ra một số sự cố - rõ ràng có một kẻ nào đó cố tình phá hoại quá trình sản xuất. Một vài lần các nhà làm phim phát hiện ra dụng cụ quang học của Mỹ bị đập vỡ, từ trường quay biến mất những cuộn phim đã quay, thậm chí có lần những kẻ xấu đã cưa đổ các cột trụ đèn chiếu sáng mà Romm và Schukin thường ngồi nghỉ phía dưới.

Rất may, không ai bị thương. Bộ phim được quay trong một thời hạn kỷ lục. Công việc diễn ra gấp rút suốt ngày đêm. Các nhà làm phim mất ba tháng để hoàn thành bộ phim này và nó được dựng xong đúng mấy ngày trước lúc khởi chiếu. Người đầu tiên xem bộ phim là Stalin. Ông rất thích tác phẩm của Romm và Vasilyev.

Ngày hôm sau, phim được chiếu tại Nhà hát lớn trong phiên họp kỷ niệm 20 năm Cách mạng tháng Mười. Năm 1956 và 1963, bộ phim “Lênin trong tháng Mười” đã dược dựng lại. Các cảnh có sự tham gia của Stalin cũng chịu một số phận như trong phim “Người cầm súng” - chúng hoàn toàn bị cắt bỏ.

5. Phim “Appassionata” (đạo diễn Yury Vyshinsky, năm 1963)

Đây  là bộ phim nghệ thuật màn ảnh hẹp dựa theo mô típ truyện ngắn của M. Gorky “V.I. Lênin”, nối tiếp truyền thống điện ảnh Xôviết về đề tài Lênin. Câu chuyện xảy ra ở Moskva vào cuối những năm 1920, vào một buổi chiều mùa đông. Lênin mới bình phục sau khi bị thương, đến thăm Gorky. Họ ngồi đàm đạo trong phòng làm việc của nhà văn. Lênin kể về cuộc gặp gỡ của mình với nhà văn Anh Herbert George Wells và không thể giấu nổi sự bực bội vì một nghệ sĩ lớn, đáng kính như vậy lại thiếu niềm tin vào tương lai nước Nga.

Biết Lênin yêu âm nhạc, vào buổi chiều hôm đó, Gorky mời nghệ sĩ dương cầm quen biết Isayo Dobroveyin đến nhà. Ban đầu nghệ sĩ trình diễn các tác phẩm của Chopin và sau đó là các bản nhạc của Beethoven. Sau khi cảm ơn nghệ sĩ, Lênin thể hiện màn độc thoại nổi tiếng về việc Người không thấy gì hay hơn bản sonata “Appassionata” của Beethoven - tác phẩm khiến con người trở nên nhân hậu đối với con người hơn trong một thế giới đầy rẫy cái ác.

Cuộc Cách mạng tháng Mười và cuộc Nội chiến còn được mô tả trong các bộ phim “Bumbarash”, “Hai người cùng phục vụ”, “Những người báo thù không bị bắt”, “Chúng tôi từ Kronshtadt” và nhiều phim khác của điện ảnh Xôviết.

Trần Hậu
.
.
.