Thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp lao đao
Dưới ánh nắng gay gắt buổi chiều một ngày giữa tháng 3, anh Nguyễn Văn Hùng tay bế con, tay xách túi phụ vợ hối hả leo lên chuyến xe cuối cùng về quê ở vùng Kênh thứ 7, U Minh Thượng, Kiên Giang. Cả hai vợ chồng vừa bị công ty thanh lý hợp đồng.
Đầu năm 2022, khi dịch bệnh vừa lắng xuống, anh để vợ ở nhà trông con, “thoát ly” công việc chài lưới, theo bạn lên TP Hồ Chí Minh xin làm công nhân ở Công ty giầy PouYuen. Sau thời gian học nghề, anh được chuyển sang bộ phận dán đế. Sau nửa năm làm việc, thấy mức thu nhập cũng ổn định (bình thường trên dưới 8 triệu, tăng ca thì khoảng 9 triệu đồng/tháng), lại thấy công ty tuyển nữ công nhân may, Hùng gọi điện về quê bảo vợ ra huyện học cấp tốc cách điều khiển máy may công nghiệp, gửi con cho bà ngoại rồi lên xin vào làm việc.
Với tổng thu nhập của hai vợ chồng trong khoảng 16-17 triệu đồng, trừ đi các khoản thuê phòng trọ, sinh hoạt phí, tiền ăn, gửi về quê mua sữa cho con, mỗi tháng vợ chồng cũng tiết kiệm được từ 1,5 - 2 triệu đồng. Thấy công việc thuận lợi, Hùng bàn với vợ về quê đón con lên ở cùng để tiện chăm sóc và cũng đỡ nhớ. Nhưng gia đình đoàn tụ chưa được bao lâu thì Công ty thông báo không nhận được đơn hàng nên những công nhân mới vào làm việc sẽ bị thanh lý hợp đồng. Vợ chồng Hùng cũng nằm trong diện ấy.
“Dự định trong thời gian chờ xin việc làm mới, ngoài trả tiền phòng trọ, chi phí ăn uống, sinh hoạt của hai vợ chồng cùng con gái em sẽ gói gọn trong khoảng 100 ngàn đồng/ngày nhưng vợ bệnh, con đau nên tiền lương hai tháng mà công ty hỗ trợ cầm cự chưa được nửa tháng đã muốn cạn. Vác đơn đi gõ cửa các công ty khác xin việc nhưng chỗ nào cũng lắc đầu từ chối vì cùng chung hoàn cảnh, về quê thì cũng không xong vì nghề mò cua bắt ốc cũng chỉ đủ mua gạo. Thôi đành trả nhà trọ, mang con ngược về nhờ bà ngoại…”, Hùng chia sẻ.
Trường hợp anh Nguyễn Hữu Hòa cũng khá khó khăn. Cách đây hơn chục năm, hai vợ chồng gác lại nghề cày thuê, cuốc mướn ở vùng quê nghèo tỉnh Vĩnh Long, dắt đứa con gái đầu lòng lên Khu công nghiệp Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh xin vào làm công nhân. Trải qua nhiều lần thay đổi, cuối cùng cả hai trụ lại ở Công ty gia công giầy Fritreend của Đài Loan (Trung Quốc). Thu nhập tuy không cao nhưng cũng ổn định nên anh thuê nhà trọ ở gần nơi làm việc và sinh thêm con trai thứ hai. Đầu tháng 2/2023, Công ty ra thông báo sẽ kết thúc hợp đồng đối với trên 4.000 công nhân vì lý do không nhận được đơn hàng từ phía đối tác nước ngoài. Số còn lại khoảng vài ngàn người cũng chỉ làm việc cầm chừng.
Vợ chồng anh Hòa thuộc diện lớn tuổi (trên 40) và những công nhân mới bị cho nghỉ đợt đầu tiên. “Một số anh em, người ra chạy Grab, người bán rau dạo, bắp nướng, khoai luộc… Vợ chồng em nửa tháng nay chạy xin việc khắp nơi từ các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cho đến Bình Dương, Đồng Nai, Long An nhưng chả nơi nào nhận nên chắc cũng tính vay vát bạn bè chút tiền làm vốn ra chợ đầu mối mua rau củ đi bán dạo. Tiền thuê nhà trọ, học phí cho con lớn học đại học, con nhỏ lớp 5 với ăn uống, điện, nước áp lực nặng lắm…”, anh Hòa chia sẻ.
Anh Huy, chị Loan làm công nhân trong một công ty chế biến gỗ xuất khẩu ở Khu công nghiệp Minh Hưng, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cũng rơi vào cảnh tương tự. Những năm trước đây, lương của hai vợ chồng dao động trong khoảng 14-15 triệu mỗi tháng nhưng chi phí sinh hoạt ở miền quê cũng rẻ nên đời sống cũng yên ổn. Trước Tết Nguyên đán, công ty thông báo do phía đối tác ở châu Âu không đặt đơn hàng nên buộc phải giảm bớt 2/3 số công nhân (khoảng trên 3.000), vợ chồng anh Huy vẫn may mắn được giữ lại nhưng cũng chỉ ngày làm ngày nghỉ. Đầu tháng 2/2023, công ty thông báo có thể phải tạm thời đóng cửa và hầu hết công nhân (trong đó có vợ chồng anh Huy) bị thanh lý hợp đồng.
Về quê ở một tỉnh miền núi phía Bắc thì không biết làm gì, xin làm công nhân cao su ở Bình Phước thì không ai nhận vì giá mủ bấp bênh, nhiều chủ vườn không cạo nên anh Huy bàn với vợ về TP Thủ Đức xin ở nhờ nhà một người thân, tối đến kê mấy bộ bàn ghế nhựa ra trước dãy phòng trọ bán khô các loại với mấy chai bia. Hôm nào khá thì mua được cân gạo với vài con cá hấp, còn không thì cơm với rau luộc.
Không chỉ công nhân, nhiều doanh nghiệp cũng than trời. Ông Trần Văn Tắc – Tổng giám đốc Công ty giầy Tuấn Việt ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Không chỉ công ty mình mà rất nhiều công ty khác đều muốn giữ chân công nhân. Mình có nhà xưởng tốt, máy móc tốt nhưng con người mới là tài sản lớn nhất. Tuy nhiên do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên ngay từ dịp cuối năm 2022, nhiều đối tác ở châu Âu, Nam Mỹ không đặt đơn hàng mới mà chỉ yêu cầu thực hiện nốt những hợp đồng đã ký trước đó. Hy vọng khoảng cuối tháng tư, đầu tháng năm, kinh tế hồi phục, nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại thì đơn vị kinh doanh ở nước ngoài mới đặt đơn hàng. Cũng rất mong các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương có biện pháp hỗ trợ để công nhân tạm thời ổn định trong thời gian chờ đợi việc làm mới, nếu không, họ tản mát về quê thì khi có đơn hàng cũng khó lòng mời họ về để kịp làm việc…”.