Nhiều lý do khiến doanh nghiệp thiếu đơn hàng

Thứ Sáu, 25/11/2022, 06:55

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã “thấm đòn” do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu (XK) cuối năm. Tuy nhiên, đây cũng là lúc để các DN xem xét lại chiến lược thị trường, đánh giá lại điểm mạnh, yếu của chính DN mình để hướng đi sắp tới ít bị thiệt thòi, rủi ro...

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), trong 10 tháng đầu năm, ngành dệt may XK gần 38 tỷ USD (tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2021). Tuy nhiên, giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022, tình hình XNK ngành dệt may chững lại do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ lạm phát, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc khi Việt Nam đang NK trên 40% nguyên phụ liệu từ thị trường này cùng những yêu cầu khắt khe từ phía các quốc gia NK về cam kết phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu…

1.jpg -0
Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn khi thiếu hụt đơn hàng trong những tháng cuối năm.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều DN dệt may sụt giảm đơn hàng mạnh tập trung ở các thị trường lớn. Việc thiếu đơn hàng tại các DN dệt may đã buộc DN trong ngành phải cắt giảm công suất, giảm số ngày làm việc, nhiều công nhân mất việc làm đã phải tìm công việc khác. Thực tế, XK dệt may bắt đầu khó khăn từ cuối tháng 7/2022 do nhu cầu thế giới đã có dấu hiệu giảm và giảm liên tục đến nay. Mọi năm, thời điểm này nhiều đối tác đã tất bật đặt hàng cho năm tới, nhưng nay việc đặt hàng rất hạn chế.

Ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành dệt may Thành phố hiện gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, số lượng đơn hàng tại các thị trường XK chính của ngành dệt may như Hoa Kỳ, EU giảm rõ rệt (EU giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%), lượng hàng tồn kho tăng, chiếm tới 20-25%. Theo ông Nhân, từ quý IV/2022 và dự báo quý I/2023, khách hàng hạn chế và không tăng. Các DN cạnh tranh đơn hàng khá gay gắt. Nhiều khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với bình thường, nhiều DN phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất.

Đặc biệt thị trường EU, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp DN Việt Nam tận dụng và khai thác tương đối hiệu quả những lợi ích mang lại từ hiệp định. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi mà FTA mang lại, các DN ngành dệt may cũng đang đối diện với nhiều khó khăn khi phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn mà EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn. Tại EU, tiêu thụ hàng dệt may tính trung bình đứng thứ tư trong các ngành có tác động tiêu cực đối với môi trường và biến đổi khí hậu, đứng thứ ba trong việc tiêu thụ nước và sử dụng đất.

Ngoài ra, xu hướng sử dụng hàng dệt may trong thời gian rất ngắn trước khi vứt bỏ cũng ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Do vậy, EU đã thay đổi cách tiếp cận đối với các thách thức về tính bền vững, đưa ra chiến lược dệt may tuần hoàn. Theo đó, các sản phẩm dệt may khi đưa vào thị trường EU phải có tuổi thọ cao hơn, có thể sửa chữa để tái sử dụng, được sản xuất đáp ứng các quyền về xã hội và môi trường... Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Đây là yêu cầu rất khắt khe đối với DN khi muốn XK lâu dài sang thị trường EU.

Với mặt hàng thực phẩm, đã có không ít DN để tuột mất đơn hàng khi không bắt nhịp được thị trường và những yêu cầu từ nhà NK. Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cho biết, vừa rồi có DN Việt bán sản phẩm tôm cho hệ thống siêu thị Walmart ở Mỹ. Nhà cung cấp cho Walmart yêu cầu DN phải dùng khay nhựa đựng sản phẩm tôm được lấy từ Thái Lan thay vì khay nhựa được sản xuất tại Việt Nam do không đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, DN từ chối yêu cầu trên. Trước việc từ chối của DN, ngay lập tức nhà cung cấp cho Walmart đã chuyển sang mua hàng của Thái Lan với khay nhựa đạt chuẩn.

Điều đó cho thấy, bao bì của sản phẩm rất quan trọng và thị trường XK liên tục thay đổi mẫu mã bao bì theo xu hướng thân thiện môi trường. Trong khi đó, các DN trong nước chưa chú trọng đến vấn đề này. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cũng dẫn chứng, gần đây một DN chế biến mì ăn liền tại Việt Nam (XK đi được 40 quốc gia) đã mất đơn hàng rất lớn từ phía đối tác Mỹ do bên trong nắp mì ly có màng nhôm. Họ yêu cầu phải thay đổi một chút về nắp bao bì và họ sẽ đặt số lượng hàng ổn định trong 3 - 5 năm. Tuy nhiên, nhà sản xuất mì tại Việt Nam vẫn giữ quan điểm là không thay đổi bao bì, mẫu mã. Từ vụ việc trên, bà Chi cho rằng, các DN ở nhóm ngành chế biến thực phẩm trong bối cảnh hiện nay cần bắt nhịp với các thị trường khó tính để đưa ra sản phẩm mà thị trường chấp nhận được.

Thực tế cho thấy, tình hình khó khăn của thị trường thế giới đã khiến nhiều ngành XK chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, nông sản... rơi vào tình cảnh bị đối tác hoãn đơn hàng đã ký, hủy đơn hàng hoặc chậm trao đổi kế hoạch kinh doanh cho năm sau. Nhìn chung, đơn hàng XK cuối năm không như kỳ vọng. Vì vậy, khi có cơ hội DN cần linh hoạt để nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của đối tác, tránh vuột mất đơn hàng, vuột mất thị trường. Bài học rút ra là DN sản xuất sản phẩm mà thị trường cần, chứ không phải sản xuất sản phẩm mà DN muốn.

Thúy Hà
.
.
.