Sát cánh, sẻ chia cùng doanh nghiệp
Ba mùa xuân đi xuyên qua đại dịch, từ những khó khăn ban đầu, cả đất nước cùng nền kinh tế đang thích ứng, linh hoạt chuyển đổi để bước sang trạng thái bình thường mới. Trong hành trình vượt qua chặng đường đầy thử thách đó, Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan đã luôn sát cánh với doanh nghiệp (DN), người dân, cùng nhau chống trụ và vươn lên mạnh mẽ.
Đồng hành, hỗ trợ, coi doanh nghiệp là đối tác
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, bên cạnh việc hỗ trợ y tế, Chính phủ đã rất coi trọng việc hỗ trợ cho các DN, người lao động và người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp đại diện các DN cả trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài để nắm bắt tình hình, kiến nghị của DN và đưa ra giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trên tinh thần “càng khó khăn, càng phức tạp, thì càng phải đoàn kết, càng dân chủ, lắng nghe ý kiến của nhau để vượt qua khó khăn, thách thức”.
Cụ thể, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN; trong đó có Nghị quyết số 86/NQ-CP và Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Ngoài ra còn có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ DN theo các Nghị quyết khác của Chính phủ như: chính sách về thực hiện linh hoạt các quy định về phòng, chống dịch COVID-19; các nghị quyết về giảm tiền điện, cước viễn thông; tạo “luồng xanh” lưu thông hàng hóa; về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; chính sách giảm thuế thu nhập DN và các chính sách tài khóa khác; chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh.
Là cơ quan trực tiếp thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN, ông Vũ Xuân Bách, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, các biện pháp hỗ trợ về thuế phí đã giúp cho DN giảm được gánh nặng tài chính để tạo đà vượt qua khó khăn. Chỉ tính riêng trong năm 2021, tổng các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện hỗ trợ cho DN, người dân với số tiền gần 140 nghìn tỷ đồng.
Tương tự, số liệu công bố từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ ngày 23/1/2020 đến tháng 10/2021 đạt khoảng 550.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng; thực hiện cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt trên 7 triệu tỷ đồng cho hơn 1,2 triệu khách hàng; mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch…
Doanh nghiệp và người lao động hưởng lợi
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, với phương châm DN, doanh nhân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể nên Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân, gần DN hơn, để DN đến với chính quyền nhanh hơn. Cùng với đó đẩy mạnh hợp tác công-tư để các DN, doanh nhân nghiên cứu tham gia sâu hơn, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực y tế...
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn cùng Quốc hội cố gắng đồng hành với DN, trên tinh thần "3 không và 5 thật". "3 không" là "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm"; "5 thật" là "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và DN được thụ hưởng thành quả thật". Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ động xử lý, trên tinh thần áp dụng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” có sự tham gia ý kiến của DN. Đặc biệt, tập trung cải cách hành chính, chống gây phiền hà, sách nhiễu cho DN; tiếp thu những phản ánh, kiến nghị của các DN để tiếp tục xử lý theo thẩm quyền trên quan điểm “lợi ích thì hài hòa; rủi ro thì chia sẻ”.
Với những nỗ lực sẻ chia và đồng hành, bức tranh kinh tế đã có nhiều gam màu tươi sáng sau một thời kỳ dài ảm đạm, xám xịt. Sau hơn một tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” nền kinh tế đã chứng kiến sự phục hồi trong các hoạt động sản xuất-kinh doanh. Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 11 đã tăng khả quan hơn so với tháng 10, cả về số DN (tăng gần 47%), vốn đăng ký (tăng 38%) và số lao động (tăng 30%). Bên cạnh đó, các DN quay trở lại hoạt động trong tháng cũng tăng 15% so với tháng trước. Cùng với đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% được đảm bảo, dự kiến khoảng 1,9%. “Đây là dấu ấn trong công tác điều hành của Chính phủ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới kinh tế - xã hội trong nước” – ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh.
Đã làm tốt rồi, hãy làm tốt hơn nữa
Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc đồng hành với DN vẫn còn nhiều điều cần phải rút kinh nghiệm để thay đổi và làm tốt hơn nữa. Ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, dù chúng ta đã làm tốt rồi, đã đồng hành với DN, nhưng liệu có thể làm tốt hơn không? “Thay vì đi song song với DN, hãy đi trước để tạo dư địa, tạo cơ hội cho DN. Và thay vì tham chiếu với những kết quả thực tế, hãy so sánh với kỳ vọng của DN để xem mình có thể làm tốt hơn không?”, ông Hiếu đặt vấn đề và nhấn mạnh rằng, việc cải cách không phải chỉ trên văn bản, mà phải là sự hưởng lợi của DN người dân - đây là thước đo quan trọng và chính xác nhất. Vì thế, cần phải có các cuộc khảo sát từ DN để có biện pháp khắc phục những vướng mắc, tồn tại.
Cùng quan điểm nhưng phân tích trên cơ sở các chính sách tài khóa, TS Vũ Tiến Lộc – Đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, thời gian qua, chính sách tài khóa tiền tệ có vai trò trung tâm, nhưng chủ yếu là nhằm giải quyết khó khăn trong ngắn hạn, mà chưa có tác động đến chính sách tiêu dùng, đến tổng cung, tổng cầu, để có thể hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, tác động tới chuỗi cung ứng cũng như thị trường lao động. “Mặc dù đạt kết quả tốt, nhưng việc triển khai chính sách chậm, giải ngân còn thấp. Đầu tư công là điển hình: có tiền mà không tiêu được, chúng ta đang lãng phí nguồn lực rất lớn, mà thực ra nếu làm tốt, có thể tạo ra chuỗi lan tỏa, nuôi dưỡng để phát triển kinh tế”, ông Lộc nói.
Vị chuyên gia này đề nghị cần có sự khắc phục trong quá trình phục hồi nền kinh tế. Cần phải điều chỉnh theo hướng tổng thể, để hỗ trợ với quy mô đủ lớn, phù hợp với tình hình thực tế. “Vừa rồi chính sách của chúng ta tương đối rời rạc, hiệu quả chưa cao. Bộ Tài chính nắm ngân sách quốc gia cần là “chủ công” trong việc này. Cần có chính sách đặc biệt dành cho DN tiềm năng. Nền kinh tế chúng ta đang lỡ nhịp với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, nên chúng ta cần phải có chương trình tổng thể”, ông Lộc kiến nghị.
Qua gặp trực tiếp công nhân, người lao động tự do, có một nhận xét chung là các chính sách của Chính phủ và các cấp, các ngành đối với người lao động trong hai năm đại dịch vừa qua được tóm gọn trong “ba từ hơn” là: Các chính sách ngày càng kịp thời hơn, thiết thực hơn và thuận tiện hơn.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)