Nới room tín dụng: Tạo đà cho doanh nghiệp vận hành trong năm 2023

Thứ Ba, 13/12/2022, 08:49

Sau nhiều ngày mong chờ, Ngân hàng Nhà nước đã nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) trên toàn hệ thống, nâng mức tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2022 lên thành 15,5 - 16% so với mục tiêu đầu năm là 14%.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là động thái tích cực của Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn được bơm ra ở thời điểm này sẽ giải được bài toán "khát" vốn cuối năm, đồng thời tạo đà cho doanh nghiệp và nền kinh tế được vận hành thuận lợi trong năm 2023.

Nới room tín dụng: Tạo đà cho doanh nghiệp vận hành trong năm 2023 -0
Ngân hàng Nhà nước đã nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) trên toàn hệ thống. Ảnh minh họa: Minh Phương/Báo Tin tức.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, việc nới room tín dụng từ 1,5 - 2% của Ngân hàng Nhà nước vừa qua là phù hợp với thực tế, do nhu cầu vốn của các doanh nghiệp cuối năm tăng mạnh. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng được khả năng thanh khoản cũng như khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng từ 1,5 - 2% tức là tăng thêm hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng để có điều kiện tăng thêm nguồn lực, khả năng mở rộng tín dụng cho những doanh nghiệp, đối tượng, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, dù chỉ còn mấy tuần nữa sẽ kết thúc năm 2022, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, tác động của tình hình thế giới đối với Việt Nam cũng đã dịu bớt. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt, tích cực, bằng nhiều giải pháp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, một số chỉ tiêu vĩ mô đã có những dấu hiệu rất tích cực. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét và quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.

Các chuyên gia cũng cho rằng, dù room tín dụng cho các ngân hàng đã được mở nhưng cần giải ngân nhanh dòng vốn để doanh nghiệp tăng tốc cho mùa vụ cuối năm.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc một công ty vận tải tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, hiện doanh nghiệp đang rất khó khăn về vốn, việc nới room tín dụng lúc này đã "bơm oxy" cho doanh nghiệp, giúp cho công ty có thể được giải quyết khoảng 15% dòng tiền cần trong thời điểm cuối năm này. "Điều này có nghĩa là sẽ giúp chúng tôi thêm tạo đà cho sự phát triển của công ty vào năm sau", ông Nguyễn Ngọc An nói.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến lo ngại về việc dòng vốn sẽ được đưa vào những lĩnh vực rủi ro, không đến đúng mục đích. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, điều này rất khó xảy ra, bởi ngoài sự giám sát của ngân hàng nhà nước, bản thân các ngân hàng thương mại và hiệp hội cũng luôn theo dõi, giám sát chặt chẽ.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, dòng vốn lần này sẽ đi vào sản xuất kinh doanh; trong đó có bất động sản tương đối nhanh do hồ sơ đã chờ sẵn. Hồ sơ đang chờ giải ngân đã được ngân hàng rà soát rất kỹ thời gian qua và hồ sơ phải đảm bảo tính pháp lý, đáp ứng nhu cầu thực.

Song theo TS. Cấn Văn Lực các tổ chức tín dụng cũng cần chủ động cân đối nguồn vốn huy động, đảm bảo thanh khoản, đảm bảo chất lượng và hiệu quả tín dụng.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc nới room tín dụng cho các ngân hàng là nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, nhưng cần có sự phối hợp với Bộ Tài chính để ngoài những tiêu chí của riêng Ngân hàng Nhà nước như hoạt động hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu thấp, tính tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, cần xét đến doanh nghiệp có các chỉ tiêu phi tài chính như ngân hàng có những khách hàng đóng góp nhiều cho ngân sách quốc gia, sử dụng nhiều lao động, bảo vệ môi trường… Ở chiều ngược lại, Ngân hàng Nhà nước cần có những thông tin cập nhật và chính xác về các cá nhân hay tổ chức trốn thuế do Bộ Tài chính cung cấp để có những biện pháp, chế tài với các ngân hàng đang hỗ trợ các cá nhân hay tổ chức đó.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng sẽ theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc mở rộng tín dụng phải đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn, đảm bảo khả năng chi trả, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu, định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí trong hoạt động và một phần lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.

Thùy Dương
.
.
.