“Cầu nối” chuyển tải hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Thứ Bảy, 10/12/2022, 18:41

Theo chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Cần Thơ, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách ngày càng nâng cao, người dân thuận tiện tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cầu nối” giữa NHCSXH với người vay, góp phần chuyển tải hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Chị Lê Thị Cẩm Châu - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Lê Bình, quận Cái Răng cho biết: Hội có 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý nguồn vốn vay trên 28 tỷ đồng, cho 574 hội viên vay vốn phát triển kinh doanh dịch vụ, mua bán nhỏ; các hội viên tích cực tham gia gửi tiết kiệm trên 6,3 tỷ đồng. Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực hoạt động, phối hợp chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và thành viên quản lý tốt nguồn vốn, chú trọng kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay. Hầu hết Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động ổn định, không nợ quá hạn; thành viên sử dụng vốn vay đúng mục đích, đóng lãi đúng hạn, thu nhập ổn định. 

“Cầu nối” chuyển tải hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách -0
Cán bộ NHCSXH quận Cái Răng và Hội Nông dân phường Tân Phú tham quan vườn mít của thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Chị Ðặng Thị Tuyết Vân - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu vực Thạnh Mỹ chia sẻ: Tổ họp định kỳ hằng tháng, bình xét công khai, dân chủ các đối tượng có nhu cầu vay vốn; đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, gửi tiết kiệm định kỳ, đóng lãi, trả nợ gốc đúng hạn. Tổ đang quản lý dư nợ 1,7 tỷ đồng, với 36 hộ vay vốn. Nhiều năm liền, Tổ không có nợ quá hạn”.

Anh Hồ Phát Ðạt là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn khu vực Thạnh Mỹ hiện đang là chủ tiệm kinh doanh vật dụng, thiết bị về điện, nước. Anh Đạt tâm sự: “Tôi vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để mua thêm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Việc kinh doanh ngày càng thuận lợi, doanh thu ổn định, tôi tham gia gửi tiết kiệm đều đặn hằng tháng và đóng lãi đầy đủ, đúng hạn”.

Tính đến hết tháng 9/2022, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn quận Cái Răng đạt trên 303 tỷ đồng, chiếm 74% tổng dư nợ. Toàn quận có 164 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 59 phường, xã; trong đó, có 148 tổ xếp loại tốt, chiếm trên 90% tổng số tổ. Tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 39 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với đầu năm. Trong 9 tháng đầu năm 2022, NHCSXH quận Cái Răng đã tổ chức kiểm tra thực tế 7 lượt tại phường, 23 tổ chức chính trị - xã hội, 43 lượt Tổ tiết kiệm và vay vốn và 253 hộ vay vốn, hoàn thành 100% kế hoạch. Thời gian tới, NHCSXH quận sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các phường kiện toàn, nâng chất lượng hoạt động Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Toàn thành phố Cần Thơ hiện có 2.007 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 599 ấp, khu vực, trong đó, có 1.811 tổ xếp loại tốt, 149 tổ khá, 47 tổ trung bình, không còn tổ yếu. Các quận, huyện có nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt là Bình Thủy, Cờ Ðỏ, Phong Ðiền…

Giám đốc chi nhánh NHCSXH TP Cần Thơ Lăng Chánh Huệ Thảo cho biết: Tổ tiết kiệm và vay vốn là “cánh tay” nối dài của NHCSXH trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội, “cầu nối” hiệu quả giữa ngân hàng với người vay, kịp thời chuyển tải nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công khai, dân chủ và tiết giảm chi phí cho người vay. Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại ấp, khu vực, giúp quản lý tốt hơn nguồn vốn, thuận lợi bình xét vay vốn; thực hiện các thủ tục vay vốn và sinh hoạt định kỳ. Tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực vận động 99% hộ vay gởi tiền tiết kiệm, tạo thói quen chi tiêu có kế hoạch và lập nguồn vốn mở rộng, phát triển sản xuất cũng như nguồn trả nợ ngân hàng…

Chi nhánh NHCSXH thành phố tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách phù hợp điều kiện thực tiễn và cấu trúc hệ thống chính trị của Việt Nam. Cùng với thực hiện tốt việc công khai các chính sách tín dụng với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, chi nhánh kịp thời kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ đối với cán bộ hội và Ban quản lý tổ.

Anh Phương
.
.
.