Nhiều hiệp hội kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thứ Năm, 12/08/2021, 08:57

Về chi phí, các doanh nghiệp đang phải gồng gánh quá nhiều khoản, làm tổng chi phí của DN tăng gấp nhiều lần so với trước, trong khi đó tổng sản lượng giảm hơn 50%.

Đại diện Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hiệp hội cho biết, qua theo dõi tình hình hoạt động các doanh nghiệp (DN) triển khai theo mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm”, ngoài một số DN chủ lực của ngành, tập trung ở nhóm thịt gia cầm, gia súc, hầu hết giữ được năng lực sản xuất từ 100 - 200%, còn lại các nhóm ngành khác như: Mì ăn liền, thủy hải sản chế biến, gia vị… đa phần năng lực sản xuất chỉ duy trì ở mức từ 40 - 70% so với thời điểm bình thường. Về chi phí, các DN đang phải gồng gánh quá nhiều khoản, làm tổng chi phí của DN tăng gấp nhiều lần so với trước, trong khi đó tổng sản lượng giảm hơn 50%.

thao go.jpg -0
Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn. 

Thực tế, các DN đang rất lo lắng trước nguy cơ hiện hữu là phải dừng sản xuất, khi gần đây xuất hiện tình trạng dịch xâm nhập vào một số nhà máy, mặc dù những DN này đều đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” theo đúng các yêu cầu từ cơ quan y tế, công nhân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Điển hình như công ty Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), tuân thủ đúng việc xét nghiệm định kỳ hàng tuần và đã tiêm ngừa vaccine phòng COVID-19 cho công nhân, nhưng vẫn phát hiện 43 ca nhiễm COVID-19 (F0) tập trung chủ yếu tại các bộ phận thu mua và cung ứng, bộ phận tiếp nhận nguồn lợn hơi.

Bên cạnh những khó khăn trên, các DN trong ngành thực phẩm còn phải “gồng” thêm chi phí giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh từ 15-30%, trong khi đó sức mua thị trường yếu, DN phải giữ nguyên giá bán để chia sẻ khó khăn cùng người tiêu dùng. Chưa kể DN bắt buộc phải thu mua, nhập thêm nguồn nguyên phụ liệu mới dự trữ, chính lúc này các DN ngành lương thực thực phẩm là nơi đang thật sự rất cần và cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để gia tăng, tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trước thực trạng đó, nhằm hỗ trợ các DN ổn định sản xuất trong thời gian tới, FFA đề xuất TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế hoàn thiện bộ quy tắc (như CDC Mỹ và một số quốc gia đã có) và tổ chức huấn luyện cho các địa phương, DN thực hiện "Y tế tại chỗ". Tuy nhiên, về lâu dài DN rất cần được thành phố hỗ trợ sớm tiêm vaccine để người lao động an tâm, tiếp tục cùng DN sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng trong thời gian tới. Liên quan đến vấn đề vốn, FFA cũng đề xuất  ngân hàng cho DN được miễn giảm lãi suất vay, thời gian giải ngân nhanh, để DN bổ sung nguồn vốn nhằm dự trữ nguyên phụ liệu, thành phẩm, góp bình ổn thị trường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) nhìn nhận: “Các DN ngành dệt may bố trí sản xuất “3 tại chỗ” nhưng có đến 60 - 70% người lao động không đồng ý ở lại công ty do sợ lây lan”. Cũng như các Hiệp hội khác, xác định việc giữ chân công nhân ở lại làm việc là cần thiết nhất trong tình hình hiện nay, đại diện VITAS kiến nghị “Nhà nước ưu tiên người lao động tại các DN dệt may được sớm tiêm vắc xin, nhằm đảm bảo an toàn cho họ và DN sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Xuất khẩu cao su mạnh nhất trong nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản

Theo ghi nhận, giá mủ cao su nước hôm nay (11-8) tại Bình Phước được các thương lái thu mua giao động từ 315-330 đồng/độ mủ, tương đương 13.000-14.000 đồng/kg mủ nước, mủ chén từ 16.000-17.000 đồng/kg. Trong khi đó, Công ty TNHH một thành viên cao su Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, niêm yết ở mức 325 đồng/độ mủ. Với giá mủ cao su ổn định ở mức khá hiện nay, nông dân trồng cao su ở tỉnh Bình Phước tiếp tục có thu nhập tốt.

Theo Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2021, trong nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản, cao su là mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất. Dự báo thời gian tới, xuất khẩu cao su sang các thị trường lớn như EU, Trung Quốc tiếp tục tăng, giá ở mức cao.

Theo thông tin mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su ước đạt 914 nghìn tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, tăng tới 33,6% về lượng và tăng 73,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản. (Đức Trí)

T.Hà
.
.
.