Ngành Hải quan tích cực tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ Năm, 31/08/2023, 21:08

Nhằm hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, Ngày pháp luật Tài chính và Ngày pháp luật Hải quan năm 2023, với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), cơ quan Hải quan thường xuyên đối thoại, tuyên truyền các cơ chế chính sách với nhiều hình thức đa dạng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phổ biến pháp luật cho DN.

Tháo gỡ thường xuyên, đối thoại định kỳ

Để hưởng ứng các ngày pháp luật, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành kịp thời thông tin pháp luật và đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cho DN, người nộp thuế, người khai hải quan. Đẩy mạnh hoạt động giải đáp, giải quyết dứt điểm các vướng mắc của DN trong thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính, đặc biệt là các vướng mắc mới phát sinh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, khắc phục sau tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Theo đó, cơ quan Hải quan đã thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại để DN phản ánh vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu (XNK), thủ tục hải quan. Đây được xem là hoạt động thường xuyên của ngành Hải quan trong những năm qua và được xác định là một trong những hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật trọng tâm của ngành.

Thống kê, tính đến 30/8, toàn ngành đã tổ chức gần 80 buổi hội nghị đối thoại với DN. Thông qua hội nghị đã giải đáp trực tiếp các ý kiến vướng mắc, kiến nghị, đồng thời công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan.

Ngành Hải quan tích cực tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp -0
Ảnh minh họa.

Hoạt động đối thoại với DN của ngành Hải quan đã và đang đạt được nhiều kết quả, được cán bộ công chức (CBCC) trong  ngành cũng như cộng đồng DN đánh giá cao. Ngoài việc giúp cộng đồng DN nâng cao nhận thức và khả năng thực thi pháp luật hải quan, pháp luật thuế, thông qua hội nghị đối thoại, cơ quan Hải quan đã trực tiếp, kịp thời tháo gỡ, giải đáp những khó khăn vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động của mình. Từ đó, đưa quan hệ đối tác hải quan và DN thực sự là đối tác hợp tác trong việc thực hiện và chấp hành pháp luật.

Trong những năm gần đây, hội nghị đối thoại với DN thường được cơ quan Hải quan tổ chức bằng cả hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến và được công bố, phát trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này, giải quyết, tháo gỡ được khó khăn và được cộng đồng DN đánh giá cao.

Điển hình, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội nghị đối thoại với trên 150 DN Nhật Bản về chính sách, thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh và Hội thảo đào tạo nghiệp vụ chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, tập trung vào các mặt hàng rượu Champagne và rượu Cognac. Tổ chức buổi tọa đàm: “Phát triển dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy XNK hàng hóa” để nhận diện thực trạng, đặc biệt là những hạn chế, “điểm nghẽn”, cũng như tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan duy trì tích cực công tác hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời vướng mắc của các hiệp hội, DN.

Đa dạng hình thức tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp

Ngoài tổ chức hội nghị đối thoại với DN, ngành Hải quan cũng áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền khác để tháo gỡ khó khăn và phổ biến pháp luật cho DN được hiệu quả. Điển hình, các đơn vị trong toàn Ngành đã tổ chức việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật hải quan của người khai hải quan, người nộp thuế tại trụ sở cơ quan Hải quan.

Tại cơ quan Tổng cục Hải quan, tiếp tục duy trì Phòng Giao dịch và tiếp công dân. Tại các cục hải quan tỉnh, thành phố; các chi cục hải quan và đơn vị tương đương duy trì Tổ giải quyết vướng mắc để thực hiện việc tiếp nhận, phối hợp với các đơn vị, cán bộ có liên quan giải quyết kịp thời các yêu cầu về cung cấp thông tin pháp luật hải quan của người khai hải quan, người nộp thuế, DN. Các thủ tục hành chính được công khai, niêm yết tại nơi làm thủ tục hải quan theo quy định.

Bên cạnh đó, bộ phận tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật hải quan của người khai hải quan, người nộp thuế, DN tại trụ sở cơ quan Hải quan đồng thời thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, giải đáp cho người khai hải quan, người nộp thuế qua điện thoại. Cán bộ trực tiếp tiếp nhận thực hiện theo quy trình do Tổng cục Hải quan quy định; có sổ ghi chép đầy đủ thông tin cần thiết về cuộc gọi, chuyển máy đến các đơn vị, cán bộ có thẩm quyền để hướng dẫn.

Đáng chú ý như Cục Hải quan Hà Nam Ninh, đơn vị đã trực tiếp cử đoàn công tác đến tận trụ sở DN để trao đổi, nắm bắt các khó khăn vướng mắc, kế hoạch sản xuất cũng như tháo gỡ tận nơi các khó khăn, vướng mắc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết.

Đặc biệt, ngành Hải quan luôn chú trọng hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế, DN thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn. Ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan cũng như các cục hải quan tỉnh, thành phố đều xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn cho người khai hải quan, người nộp thuế, DN trong năm và triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đại diện Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan) cho biết, các đơn vị nghiệp vụ thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan đã thường xuyên chủ trì tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ theo từng chuyên đề như: thuế XNK, thủ tục hải quan, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm hành chính… cho các đơn vị hải quan địa phương và cộng đồng DN hoạt động XNK. Tại các hội nghị, hội thảo, bên cạnh nội dung tuyên truyền, tập huấn của báo cáo viên, ban tổ chức cũng tạo điều kiện tối đa để người khai hải quan, người nộp thuế, đại diện DN có mặt phát biểu, ghi phiếu về những vấn đề cần được cơ quan Hải quan hướng dẫn, giải đáp.

Ngoài ra, nhiều hình thức tuyên truyền khác cũng được cơ quan Hải quan áp dụng như: Hướng dẫn, giải đáp cho người khai hải quan, người nộp thuế bằng hình thức văn bản; cung cấp thông tin trên trang điện tử của cơ quan Hải quan; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát hành các tờ rơi, ấn phẩm tuyên truyền; niêm yết công khai các văn bản pháp luật tại trụ sở cơ quan Hải quan; thông qua hệ thống trao đổi thông tin hải quan- DN; hướng dẫn, giải đáp tại trụ sở người khai hải quan, người nộp thuế...

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như giải đáp các kiến nghị, vướng mắc của cộng đồng DN đã thể hiện phương châm đồng hành cùng DN của ngành Hải quan. Hoạt động này đã giúp người khai hải quan, người nộp thuế, cộng đồng DN và các cá nhân, tổ chức có liên quan nâng cao tính tuân thủ và thực hiện đúng chính sách pháp luật.

Hải quan TP Hồ Chí Minh đối thoại với gần 70 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng

Ngày 30/8, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị đối thoại với gần 100 doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi cảng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đây là hội nghị đối thoại chuyên đề thứ 4 giữa Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đối với các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng vận chuyển, vận tải, lưu chuyển hàng hóa, kinh doanh kho bãi cảng.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp đã có sự phối hợp, đồng hành cùng cơ quan Hải quan trong việc triển khai các chương trình quản lý, giám sát hải quan tại các cửa khẩu.

Tại hội nghị, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã giải đáp hướng dẫn nhiều nội dung liên quan đến phần mềm giám sát hàng hóa tại cảng, hàng tồn đọng chưa thanh lý trên hệ thống giám sát; hàng tồn đọng tại cảng; bố trí địa điểm lắp đặt hệ thống trang thiết bị giám sát, kiểm tra hàng hóa của cơ quan Hải quan, như: máy soi, camera…

8 tháng thu ngân sách ngành Hải quan giảm 18,2%

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 22/8, toàn ngành thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 232.250 tỷ đồng, bằng 54,6% dự toán và giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ kết quả trên, đại diện Cục Thuế XNK đánh giá nguyên nhân dẫn đến giảm thu là do kim ngạch NK có thuế giảm tới 19,6% so với cùng kỳ. Tình hình thu NSNN tại một số cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu lơn chỉ đạt 201.161 tỷ đồng, bằng 54,02% dự toán được giao, giảm 15,25% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hầu hết các đơn vị chiếm số thu lớn có số thu 8 tháng đầu năm giảm như các Cục Hải quan tỉnh, thành phố: Đồng Nai giảm 29,41%; Bình Dương giảm 27,18%; Hà Tĩnh giảm 24,14%; Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 23,84%; Bắc Ninh giảm 15,66%; Hà Nội giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngành Hải quan đẩy mạnh tuyên truyền thực thi pháp luật

Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ công chức, viên chức trong toàn ngành   về nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật hải quan; thúc đẩy mạnh mẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho DN và cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện Ngày pháp luật để tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật gắn liền với các sự kiện, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính, ngành Hải quan; tạo điều kiện cho việc hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan. Đồng thời, đảm bảo các quy định của pháp luật về hải quan, các quy chế, quy trình nghiệp vụ củangành, các quy định của pháp luật có liên quan được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kịp thời, đẩy đủ về nội dung, phù hợp về hình thức cho từng nhóm đối tượng.

Theo đó, Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2023 được tiến hành trong 2 tháng cao điểm, từ ngày 29/9/2023 đến ngày 29/11/2023 với khẩu hiệu: “Hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam, ngành Hải quan tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong tuân thủ, minh bạch trong thực thi, hiệu quả trong quản lý”. Ngày Pháp luật Tài chính năm 2023 được tiến hành từ ngày 28/8/2023 đến ngày 28/9/2023; tuần lễ cao điểm thực hiện các hoạt động từ ngày 28/8/2023 đến ngày 01/9/2023. Ngày pháp luật Hải quan năm 2023 được tiến hành từ ngày 1/9/2023 đến ngày 1/10/2023.

Để hưởng ứng Ngày pháp luật, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc được giao chủ trì soạn thảo, xây dựng các đề án, nghị định, văn bản có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu soạn thảo, tổ chức lấy ý kiến… hoàn thiện văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành đúng thời hạn nhằm nâng cao công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến xã hội ngay trong quá trình xây dựng; các văn bản mới ban hành, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực hải quan theo các hình thức thích hợp. Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về chính sách có tác động lớn đến xã hội, tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân. Kịp thời thông tin pháp luật và đối thoại giải đáp chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cho DN, người nộp thuế, người khai hải quan. Đẩy mạnh hoạt động giải đáp, giải quyết dứt điểm các vướng mắc của DN trong thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và thủ tục hành chính, đặc biệt là các vướng mắc mới phát sinh; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, khắc phục sau tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Đẩy mạnh thực thi các giải pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính như: kiểm soát thủ tục hành chính, đảm bảo không ban hành thủ tục hành chính mới khi không cần thiết; tiếp tục rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của ngành Hải quan, trong đó tập trung nghiên cứu giảm thời gian, hồ sơ, giấy tờ, chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, DN.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát người dân và DN; thực hiện nghiêm túc về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của CBCC, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

PV
.
.
.