Mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần TMDV Thăng Long Việt Nam

Thứ Tư, 17/08/2022, 19:38

Theo yêu cầu của Toà án quận Phú Nhuận, Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh đã đăng thông báo về việc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ Thăng Long Việt Nam bị toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản.

Theo hồ sơ công bố của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Thành phố Giáo dục Thăng Long (tiền thân là Công ty TNHH Quản lý giáo dục Gia Định, sau đây gọi tắt là Công ty Giáo dục Thăng Long) có chủ sở hữu tỉ lệ 100% vốn điều lệ là Nguyễn Hoàng Group (Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng).

Theo bản khai gửi TAND quận Phú Nhuận, ngày 09/12/2020, các cổ đông của Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Thăng Long Việt Nam (Công ty Thăng Long Việt Nam) gồm bà Phạm Thị Hồng Vân, ông Nguyễn Anh Tuấn và ông Phạm Trung Kiên đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của Thăng Long Việt Nam cho Công ty TNHH Quản lý giáo dục Gia Định. Công ty Giáo dục Thăng Long nằm trong hệ sinh thái của Nguyễn Hoàng Group.

Trước khi việc mua bán cổ phần diễn ra, Thăng Long Việt Nam đã nhận góp vốn từ một cá nhân là ông Nguyễn Công Trà với số tiền 8.449.458.443 đồng để thực hiện dự án hợp tác nhằm xây dựng Trung tâm thể thao – giáo dục quốc phòng tại địa chỉ 371 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh. Theo nội dung hợp đồng hợp tác, dự án có mục đích phục vụ giáo dục quốc phòng kết hợp làm kinh tế. Dự án triển khai trên diện tích 1,7 hecta đất quốc phòng với giá là 50.000/m2/tháng, tương đương mức giá khoảng 850 triệu đồng/ tháng.

Theo đồ án quy hoạch 1/2000, mục tiêu của dự án nhằm làm nơi huấn luyện thể chất. Tuy nhiên, hiện trạng của khu đất đang được sử dụng làm cơ sở đào tạo cho trường Đại học mở TP.Hồ Chí Minh, Đại học Gia Định, hai tòa nhà dân cư và một số công trình dân dụng khác.

Số tiền góp vốn được ông Trà chuyển khoản hoặc thanh toán tiền mặt cho Thăng Long Việt Nam và được bà Phạm Thị Hồng Vân – đại diện theo pháp luật của Thăng Long Việt Nam ký xác nhận đã nhận đủ khoản tiền vào ngày 30/08/2016. Sau khi nhận góp vốn từ ông Trà, Thăng Long Việt Nam cập nhật tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngày 04/10/2016, Thăng Long Việt Nam thuyết phục ông Trà nhận lại khoản tiền góp vốn bằng cách ký thoả thuận chuyển đổi khoản vốn góp thành tiền vay với thời hạn hoàn trả toàn bộ khoản tiền là ngày 30/06/2017.

Mở thủ tục phá sản đối với công ty thành viên của Nguyễn Hoàng Group  -0
Thông báo của TAND quận Phú Nhuận việc mở thủ tục phá sản

Theo mục đích ban đầu, bà Vân thuyết phục ông Trà góp vốn vào Thăng Long Việt Nam nhằm cùng nhau thực hiện xây dựng hạng mục “nhà ở cho nhân viên” trong Trung tâm thể thao – giáo dục quốc phòng. Sau đó, bà Vân đề nghị ông Trà phải làm “sạch” sổ sách kế toán bằng các chuyển khoản góp vốn thành khoản vay.

Tính đến ngày 19/05/2017, việc thanh toán của Thăng Long Việt Nam chỉ mới đạt 1,2 tỷ đồng. Với khoản tiền hơn 7 tỷ còn lại, Thăng Long Việt Nam làm “sạch” sổ sách về khoản nợ với ông Trà bằng cách xoay vòng tiền chuyển khoản. Lần 1, Thăng Long Việt Nam chuyển khoản 2 tỷ đồng và lấy lại toàn bộ (Thăng Long Việt Nam chuyển khoảng 2 tỷ đồng cho ông Trà, sau đó yêu cầu ông Trà rút tiền mặt toàn bộ 2 tỷ để đưa cho kế toán của Thăng Long Việt Nam là ông Trần Quốc Bình. Ông Bình dùng toàn bộ số tiền này nộp lại vào tài khoản của Thăng Long Việt Nam). Lần 2, Thăng Long Việt Nam chuyển khoản 2 tỷ đồng. Lần 3, Thăng Long Việt Nam chuyển khoản 1 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ với 2 tỷ đồng, Thăng Long Việt Nam đã thanh toán xoay vòng nhiều lần để “tẩy xoá” khoản tiền góp vốn của ông Trà trên sổ sách, đồng thời thể hiện Thăng Long Việt Nam đã thanh toán 5 tỷ đồng nhưng con số thực tế chỉ là 2 tỷ đồng trên khoản nợ hơn 7 tỷ đồng. Do đó, Thăng Long Việt Nam vẫn còn nợ ông Trà 5 tỷ đồng. Toàn bộ quy trình chuyển tiền rồi sau đó yệu cầu nộp lại vào tài khoản của Thăng Long Việt Nam đều đã được các cổ đông cũ báo cáo cho Nguyễn Hoàng Group và Giáo dục Thăng Long tại văn bản giải trình ngày 03/5/2021.

Theo bản khai, mặc dù do lỗi của Giáo dục Thăng Long khi không thẩm định rõ các khoản nợ khi mua cổ phần Thăng Long Việt Nam, tuy nhiên, các thành viên cũng không có phương án hoàn trả mà đẩy trách nhiệm cho cổ đông cũ để từ chối thanh toán.

Do Thăng Long Việt Nam phủ nhận các khoản nợ, ông Trà đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Thăng Long Việt Nam tại TAND quận Phú Nhuận.

Ngày 20/05/2020, TAND quận Phú Nhuận đã thụ lý và xem xét các chứng cứ trong vụ việc.

Nhận thấy việc Thăng Long Việt Nam có thể bị mất khả năng thanh toán, ngày 24/02/2022, Toà án đã có quyết định mở thủ tục phá sản đối với Thăng Long Việt Nam. Hiện, Thăng Long Việt Nam đang phải chịu sự quản lý, theo dõi của quản tài viên nhằm xác định các chủ nợ, khoản nợ và tài sản thanh lý.

Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự, ông Trà đã nộp đơn tố cáo bà Vân, ông Tuấn, ông Kiên tại Cơ quan công an về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015.

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn tố giác của ông Nguyễn Công Trà và tiến hành xác minh, làm rõ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bà Vân, ông Tuấn, ông Kiên và các cá nhân liên quan.

“Tôi vẫn tin tưởng rằng, Nguyễn Hoàng Group, một Tập đoàn Giáo dục hàng đầu Việt Nam sẽ chọn đứng về lẽ phải, sự công chính, sự tử tế và thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Tôi cũng mong muốn các đồng đội của tôi ở BNI Master Chapter sẽ đứng ra nói rõ bản chất và sự thật của câu chuyện” -  ông Trà thông tin.

Vụ việc hiện đang được Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh làm rõ.

Khánh Ngân
.
.
.