Doanh nghiệp phá sản hàng loạt: Nên có thái độ thế nào?

Thứ Ba, 01/05/2012, 15:45
Chỉ trong vòng vài năm, số doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản đã tới 80.000, chỉ riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã có 49.000 doanh nghiệp phá sản (giải thể), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không tăng đáng kể. Trước tình hình đó, nên có thái độ thế nào?

Hàng ngày, trên các mặt báo đều có thêm tin nóng về tình hình các doanh nghiệp thiếu vốn, thua lỗ, nợ thuế, ngừng nộp thuế chờ giải thể hoặc phá sản. Nếu trước đây, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp ồ ạt, chỉ trong vòng chục năm, từ chỗ vài nghìn doanh nghiệp tư nhân vọt lên 500.000, cùng với nó là số doanh nghiệp nhà nước giảm dần do sắp xếp lại, cổ phần hóa để cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp hoạt động thì giờ đây, xu hướng gần như ngược lại. Chỉ trong vòng vài năm, số doanh nghiệp phá sản, chờ phá sản đã tới 80.000, chỉ riêng từ đầu năm 2012 đến nay đã có 49.000 doanh nghiệp phá sản (giải thể), chờ giải thể trong khi các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không tăng đáng kể. Trước tình hình đó, nên có thái độ thế nào?

Trước hết, cần nhận thấy xu thế giải thể, tái thành lập, hợp nhất các doanh nghiệp là một tất yếu, một hoạt động bình thường của mọi nền kinh tế. Giống như trong nông nghiệp, xu thế chia điền xẻ thửa theo cơ chế khoán đến hộ tuy có giá trị tích cực trong một giai đoạn nào đó nhưng nó cũng khuyến khích nền kinh tế tự túc tự cấp, chia nhỏ ruộng đất, không thể làm kinh tế hàng hóa lớn, khó áp dụng khoa học kỹ thuật. Thực trạng lạc hậu, manh mún đó phải được thay thế dần bằng dồn điền đổi thửa, tích tụ tư liệu sản xuất làm ăn lớn hiện nay.

Cũng như vậy các doanh nghiệp cũng phải tích tụ để lớn hơn về qui mô, năng lực vốn, kỹ thuật, lao động, quản lý… cao hơn, thích ứng hơn với thị trường. Có điều trong những hoàn cảnh bình thường, quá trình giải thể, tái cơ cấu doanh nghiệp diễn ra từ từ, âm thầm nhưng vừa qua, sự phá sản hàng loạt các doanh nghiệp là một quá trình ồ ạt, từng mảng lớn. Đó là điều không bình thường, tác hại đáng kể đến nền kinh tế. Những tác hại có thể kể đến là lao động thất nghiệp tăng, thu ngân sách sụt giảm, chỉ số niềm tin giảm, đầu tư nước ngoài gặp trở ngại.

Về nguyên nhân của nó, khách quan, đó là tình trạng khủng hoảng, suy thoái của nền kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến nước ta. Giá cả nguyên liệu tăng, vàng và ngoại tệ lên xuống thất thường, hàng không bán được hoặc phải hạ giá dẫn đến thua lỗ triền miền, tất yếu phải phá sản. Trong nước, thị trường BĐS đóng băng nhiều năm, nợ lãi ngân hàng chồng chất, thiếu vốn nhưng lại không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng do lãi suất cho vay cao, thiếu tài sản thế chấp. Về chủ quan, doanh nghiệp Việt Nam số lượng nhiều nhưng chất lượng thấp. 98% doanh nghiệp là loại vừa và nhỏ, qui mô dưới 200 lao động, trong đó số doanh nghiệp có dưới 10 lao động, vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm 60%. Số doanh nghiệp có công nghệ, máy móc hiện đại chỉ 30%, còn lại đều chắp vá, cũ nát, lạc hậu. Thiếu tiền để trả nợ đến hạn, thiếu vốn sản xuất, giá lao động ngày càng tăng, hàng hóa ế ẩm kéo dài trong khi không đủ sức để chống trả, không thể không nợ nần dẫn đến phá sản. Việc doanh nghiệp phá sản hàng loạt trong một thời gian ngắn chứng tỏ nền kinh tế "có vấn đề", cần sớm được tháo gỡ. Vấn đề chính là sự phát triển chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà nguy cơ chủ yếu là dao động giữa lạm phát và giảm phát diễn ra thường xuyên, ở tần suất cao. Hướng tháo gỡ là tạo điều kiện về vốn nhưng bao trùm hơn vẫn là giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và tạo thị trường cho họ hoạt động.

Tuy không thể coi thường tình hình phá sản của hàng loạt doanh nghiệp hiện nay nhưng cũng không nên vì thế mà hoang mang, mất bình tĩnh. Như trên đã trình bày, việc phá sản, sáp nhập, thành lập mới… là quá trình bình thường. Ngay việc phá sản hàng loạt, mang tính cấp tập hiện nay, xét về một khía cạnh nào đó, cũng không hẳn chỉ có tiêu cực.

Do tác động của hoàn cảnh bên ngoài và bên trong, nhiều lợi thế cũ, cách làm ăn cũ, qui mô cũ đã bộc lộ những mặt bất cập, lạc hậu, cần phải thay đổi mà cách thay đổi ít tốn kém, phức tạp nhất là tuyên bố phá sản và cơ cấu lại về qui mô, mặt hàng, thị trường, phương thức kinh doanh. Sự phá sản hàng loạt này cũng phản ánh thực chất của các doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp có cơ sở tồn tại và phát triển vững chắc nhưng cũng nhiều doanh nghiệp việc ra đời và tồn tại chỉ là hình thức, là bình phong cho nhiều hoạt động khác hoặc lợi ích khác. Sự phá sản của các doanh nghiệp này và nhiều doanh nghiệp "ma", doanh nghiệp nhỏ có lượng lao động, vốn, thị trường hạn hẹp thậm chí có lợi hơn cho nền kinh tế. Nó phản ánh thực chất của nền kinh tế thị trường hiện nay, phản ánh đúng năng lực khá èo uột của các doanh nghiệp vốn chỉ tồn tại bằng vốn ngân hàng, việc kinh doanh chủ yếu là mang vốn của người khác đi kinh doanh, đầu cơ, chụp giựt. Nó cũng thể hiện xu hướng tích tụ đã trở thành quy luật của nền kinh tế thị trường.

Chúng ta đã trả giá cho rất nhiều ngây thơ như hăng hái sử dụng vốn để đầu tư ngoài ngành chính trong khi chưa nắm vững điều kiện, hoàn cảnh để đầu tư ngoài ngành có lãi; cơ cấu tổ chức, quản lý khi đầu tư ngoài ngành là thế nào… Việc hoan nghênh một chiều trong khi thiếu giám sát, quản lý việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp cũng vậy. Cho nên, trước tình trang phá sản của các doanh nghiệp hiện nay cũng cần bản lĩnh, sự phân tích tỉnh táo. Sự bản lĩnh, tỉnh táo đó có thể biến cái bị động thành chủ động, cái đáng lo thành cơ hội

Vũ Duy
.
.
.