Lý giải “sức hút” đầu tư của Vĩnh Phúc

Thứ Tư, 31/08/2022, 15:27

Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã không ngừng tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, Vĩnh Phúc luôn có cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của tỉnh tham gia chuỗi cung ứng, kết nối giữa DN FDI và DN địa phương trong tất cả các lĩnh vực.

Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp  

Đánh giá về tiềm năng của tỉnh Vĩnh Phúc trong thu hút đầu tư nước ngoài, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Vĩnh Phúc là cái nôi của đổi mới và phát triển kinh tế ở Việt Nam. Nhìn lại từ năm 1997 là giai đoạn tách tỉnh, Vĩnh Phúc mới chỉ là một địa phương thuần nông. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền, Vĩnh Phúc đã tạo ra một hiện tượng về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. "Có thể thấy động lực phát triển kinh tế Vĩnh Phúc đến từ nội lực con người và điều này rất phù hợp với các nhà đầu tư từ Nhật Bản", ông Tuấn khẳng định.

Lý giải “sức hút” đầu tư của Vĩnh Phúc -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Tổ hợp công nghiệp công nghệ CNCTech Global tại KCN Bá Thiện I.

Theo ông Tuấn, Vĩnh Phúc là địa phương tạo ra niềm tin lớn đối với các DN. Các DN lớn đã coi đây là căn cứ địa và hoạt động rất tốt và đây là một lợi thế của Vĩnh Phúc so với các địa phương khác. Trong kết quả điều tra mới nhất của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Vĩnh Phúc hiện nằm trong top 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất. Chất lượng điều hành và thủ tục hành chính được các DN, nhà đầu tư đánh giá rất cao.Bên cạnh đó, các vấn đề sau đăng ký, chỉ số hỗ trợ DN tăng 2 điểm so với thang điểm 10. Đây là kết quả thể hiện môi trường kinh doanh của Vĩnh Phúc đang rất thuận lợi.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, trong năm vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đi đầu, xử lý kịp thời, vừa phòng chống dịch, vừa bảo hoạt động trình kinh doanh. Sau dịch COVID-19, các DN rất quan tâm đến vấn đề nhà ở cho công nhân thì Vĩnh Phúc cũng ngay lập tức có chủ trương xây nhà ở cho công dân nhằm ổn định sản xuất. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng hỗ trợ hết mình trong quá trình chuẩn bị thủ tục, giấy tờ và đồng thời làm rất tốt khâu chăm sóc các nhà đầu tư sau khi triển khai. Đó chính là những yếu tố đầu tiên mà các nhà đầu tư quan tâm bên cạnh chính sách, hạ tầng.

Lý giải “sức hút” đầu tư của Vĩnh Phúc -0
Các đại biểu tham quan khu công nghiệp, doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Vĩnh Phúc. Ảnh: TT.

Tổng giám đốc Honda Việt Nam (HVN) Daiki Mihara cho biết, trải qua hơn 26 năm thành lập và phát triển, Honda Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành từ phía Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc; các sở, ban, ngành các cấp cũng như sự hỗ trợ của UBND thành phố Phúc Yên ngay từ những ngày đầu thành lập như: thường xuyên tiếp xúc trao đổi, hướng dẫn và giúp DN tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc thực thi các chính sách về thủ tục thuế, hải quan…

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty TNHH Sea Logicstics Việt Nam (GLP) cũng cho biết, khi đi tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, GLP rất muốn được đầu tư phát triển ngành logistics hiện đại và thân thiện với môi trường tại Vĩnh Phúc.

Lý giải “sức hút” đầu tư của Vĩnh Phúc -0
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan kết luận các nội dung hội nghị ngày 29/8.

Theo ông KC CHEN, Phó Tổng Giám đốc cấp cao Công ty TNHH Compal Việt Nam, Compal Việt Nam luôn tự hào là một trong những DN có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm ổn định cho trên 5.000 lao động. “Compal Việt Nam tin tưởng, với việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư từ việc chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ trong đại dịch và việc PCI của tỉnh đã vươn lên xếp vị trí thứ 5 cả nước sẽ là cú hích mới thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Vĩnh Phúc trong thời gian tới”, ông KC CHEN nhấn mạnh.

Ông Đinh Khải Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam cho biết, trong khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận rõ hơn và trân quý hơn hơn những tình cảm, quan điểm chỉ đạo, phương châm trong thu hút đầu tư của tỉnh là coi “nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc”. Bởi trên thực tế, Kohsei Multipack Việt Nam là một trong những DN đầu tiên trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 ngay từ đợt dịch đầu. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của tỉnh vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm các hoạt động sản xuất, Công ty đã linh hoạt đưa ra các giải pháp, kế hoạch sản xuất, chiến lược thị trường phù hợp.

Lý giải “sức hút” đầu tư của Vĩnh Phúc -0
Với hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, CCN Đồng Sóc (Vĩnh Tường) có sức hút đầu tư lớn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Chu Kiều.

Luôn cải thiện và bảo vệ môi trường đầu tư

Đại diện cho cộng đồng DN Nhật bản tại Việt Nam, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho rằng, nhiều DN bắt đầu quan tâm đầu tư, mở rộng kinh doanh tại các địa phương có thế mạnh về công nghiệp chế biến chế tạo và các lĩnh vực có nhu cầu lao động cao. Do vậy, Vĩnh Phúc có thể tập trung vào đào tạo các DN địa phương, cung cấp nguồn ổn định vật tư, khai thác phát triển khu lao động chất lượng cao, cải thiện nơi ở cho công nhân, cải thiện cơ sở hạ tầng, nguồn điện, môi trường phù hợp với chuyển đổi số, đáp ứng các điều kiện của DN.

Bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các DN, mong rằng tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để đơn giản và thuận lợi hơn với DN.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 19 KCN từ năm 2020-2030. Đến thời điểm hiện tại, có 14 KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, dư địa đất công nghiệp tại Vĩnh Phúc rất lớn. Năm 2022, Vĩnh Phúc có 109 ha đất công nghiệp cho thuê và sang năm 2023, tỉnh có hơn 600 ha đất công nghiệp cho thuê. Dự kiến, đến năm 2025 có hơn 1300 ha đất công nghiệp có thể cho thuê.

Lý giải “sức hút” đầu tư của Vĩnh Phúc -0
Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Toto Việt Nam đang triển khai xây dựng tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng gần 8.000 DN đang hoạt động, trong đó có khoảng 20% DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Từ những đặc điểm đó, tỉnh Vĩnh Phúc ưu tiên phát triển các nhóm ngành nghề: phát triển công nghiệp theo chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng thuộc các lĩnh vực ôtô, xe máy, xe điện; nhóm điện tử gia dụng và máy nông nghiệp, cơ khí chế tạo; chế biến thực phẩm và nông sản... Và căn cứ vào tình hình thực tiễn, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nghiên cứu các cơ chế thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

"Vĩnh Phúc là một tỉnh hiếm hoi hình thành nên văn hóa của một tỉnh công nghiệp và đây là điều kiện quan trọng để tiếp cận với một xã hội công nghiệp, hướng tới ngày càng chuẩn mực hơn, chuyên nghiệp hơn, gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị. Theo đó, Vĩnh Phúc luôn cải cách thủ tục hành chính, cải thiện và bảo vệ môi trường đầu tư, tương tác ở mức cao nhất với DN. Từ đó, Vĩnh Phúc có niềm tin rất lớn rằng tỉnh có thể đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của các nhà đầu tư", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.

Lý giải “sức hút” đầu tư của Vĩnh Phúc -0
Sáng 31/8, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức lễ khởi công công trình mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh 2/9. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước cùng các đại biểu dự lễ khởi công dự án. Ảnh: Kim Ly.

Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh có tổng mức đầu tư 745 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến 3,26 km, trong đó, có 2,2 km thuộc địa phận tỉnh Vĩnh Phúc và 1,06 km thuộc địa phận thành phố Hà Nội.

Đây là công trình ý nghĩa, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, từng bước hoàn chỉnh đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh theo quy hoạch đã duyệt; góp phần nâng cao năng lực lưu thông, đáp ứng nhu cầu giao thông, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển đô thị và công nghiệp hai bên tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội trong khu vực.

8 tháng, Vĩnh Phúc thu hút được 15 dự án FDI mới

Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cho biết, 8 tháng năm 2022, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 15 dự án FDI mới và 24 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 261 triệu USD; thu hút 12 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2.182 tỷ đồng, đạt 312% so với kế hoạch năm 2022.

Công khai minh bạch kế hoạch đầu tư công

Tại cuộc họp Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ngày 29/8 về cho ý kiến vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID19, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, công tác bảo đảm an ninh trật tự và công tác cán bộ, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định, Thường trực Tỉnh ủy rất quyết liệt chỉ đạo công tác giải ngân vốn đầu tư công. Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo đánh giá cụ thể nguyên nhân, các vướng mắc liên quan đến vốn, thủ tục, mặt bằng, kế hoạch sử dụng đất, công tác quy hoạch, việc lập hồ sơ quyết toán; năng lực, trách nhiệm của các nhà thầu. Về các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; công khai minh bạch kế hoạch đầu tư công, kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Hằng tháng báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; tập trung giải quyết các thủ tục, kiên quyết đấu tranh phòng chống và xử lý nghiêm các vi phạm về đầu tư công. Tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thành lập Tổ công tác để rà soát, giám sát, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc về đầu tư công. Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy tăng cường theo dõi phát hiện hành vi gây phiền hà nhũng nhiễu, khó khăn cho các chủ đầu tư và các biểu hiện tiêu cực để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Khởi công, khánh thành nhiều dự án, công trình trọng điểm đúng dịp 2/9

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều công trình lớn trong số này sẽ được khởi công, khánh thành đúng dịp kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh 2/9 năm nay. Theo đó, dịp này, sẽ có 20 dự án, công trình được gắn biển chào mừng 77 Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022). Trong đó, có 9 dự án được khởi công là: Dự án mở rộng đường trục trung tâm Khu Đô thị mới Mê Linh; Cải tạo nâng cấp ĐT. 304, đoạn từ Km 10+572 đến Km 15+100; Nâng cấp cải tạo ĐT. 303, đoạn từ Km7+00 đến Km9+00; Mở rộng cầu Bến Gạo bắc qua sông Phó Đáy trên đường ĐT.305; Đoạn song song đường sắt Hà Nội – Lào Cai (phía Bắc, phía Nam), đoạn từ Hợp Thịnh - Đạo Tú kéo dài (xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường); Tu bổ tôn tạo di tích đình Thổ Tang; Khởi công Khu Công nghiệp Thái Hòa – Liễn Sơn, Liên Hòa; Khu tổ hợp CNCTECH Global; Dự án sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, điện gia dụng Khu công nghiệp Thăng Long. Ngoài ra, có 11 dự án, công trình trọng điểm của tỉnh sẽ khánh thành gồm: Đường nối từ Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu danh thắng Tây Thiên; Cải tạo nâng cấp đường tỉnh 307 từ trung tâm huyện Lập Thạch đến Tuyên Quang, đoạn từ Km 16+600 đến Km 25+140; Cầu Đầm Vạc; Vành đai 4 đoạn Yên Lạc - Bình Dương; Đường vành đai 2 TP. Vĩnh Yên, đoạn từ QL2B đến QL2C; Đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn từ đường tỉnh 301 đến Khu du lịch sinh thái thung lũng Thanh Xuân, TP. Phúc Yên; Trường THCS Vĩnh Tường; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc; Dự án Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo giai đoạn 3; Quảng trường Văn hóa và Trung tâm văn hóa thể dục thể thao huyện Yên Lạc; Khu tổ hợp CNCTECH Thăng Long. Đây đều là những công trình ý nghĩa mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội, điểm tô cho diện mạo của tỉnh thêm phần khang trang, hiện đại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Phan Đức
.
.
.