Kinh tế xanh – cứu cánh cho doanh nghiệp phát triển bền vững

Chủ Nhật, 02/04/2023, 08:38

Ý thức của cộng đồng doanh nghiệp đến đâu, thực tế triển khai đến đâu; những khó khăn, thách thức hay chiến lược nào để phát triển kinh tế xanh trong cộng đồng doanh nghiệp? Ông Nguyễn Quang Vinh- Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) có những trao đổi với PV Chuyên mục Trò chuyện Chủ nhật về vấn đề này.

Theo chủ trương, Việt Nam chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Đây không chỉ là xu thế của thời đại, mà là vấn đề toàn cầu, vì phát triển xanh là đòi hỏi bắt buộc để phát triển bền vững. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ gặp phải một số khó khăn, nhất là xung đột giữa mục tiêu và chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp (DN).

Vậy, ý thức của cộng đồng DN đến đâu, thực tế triển khai đến đâu; những khó khăn, thách thức hay chiến lược nào để phát triển kinh tế xanh trong cộng đồng DN? Ông Nguyễn Quang Vinh- Phó Chủ tịch Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có những trao đổi với PV Chuyên mục Trò chuyện chủ nhật về vấn đề này.

Kinh tế xanh – cứu cánh cho doanh nghiệp phát triển bền vững -0
Ông Nguyễn Quang Vinh.

PV: Thưa ông, các DN Việt Nam đang có sự chuyển dịch sang sản xuất xanh và bền vững như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Có thể nói rằng ngày càng nhiều DN lựa chọn con đường tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là một hướng đi cho mình. Điều đó rất rõ ràng, bởi vì ngày nay tăng trưởng xanh, trở thành một DN có trách nhiệm xã hội, DN bền vững là con đường duy nhất, mà con đường này đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển bền vững của DN.

Thông qua các hội nghị, hội thảo, khảo sát của VCCI trong cộng đồng DN, chúng tôi nhận thấy rằng ngày càng có rất nhiều DN đang theo đuổi quá trình tăng trưởng xanh. Tôi lấy ví dụ như trong các thành viên của Hội đồng DN vì sự phát triển Việt Nam, thông điệp tăng trưởng xanh đã được lan tỏa tất cả chuỗi giá trị trong chuỗi cung ứng của các DN lớn ở Việt Nam, kể cả DN trong nước và DN đầu tư nước ngoài. Các DN tiêu biểu như Vinamilk, Greenfeed, Traphaco, PAN Group… đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếu thế qua mô hình kinh doanh bao trùm… Cho nên một niềm vui là DN Việt Nam đã nhận ra điều này và đang có những nỗ lực rất đáng công nhận và khích lệ trong quá trình chuyển đổi từ mô hình DN truyền thống sang mô hình DN xanh, DN có trách nhiệm, DN bền vững.

PV: Có vẻ như ý thức của cộng đồng DN đã được thông suốt và phát triển xanh đang gặp thuận lợi?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Không hẳn, thậm chí khó khăn còn nhiều ở phía trước với thách thức không nhỏ. Thứ nhất, mức độ hiểu biết về quy định môi trường của DN Việt Nam đang rất hạn chế. Khảo sát DN của VCCI cho thấy mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song mức độ hiểu biết của DN về các quy định môi trường còn thấp. Chỉ có 31,8% DN tư nhân trong nước cho biết họ hiểu rõ các quy định môi trường, dù đến 68% DN cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu.

Thứ hai, mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện. Các DN Việt Nam hiện nay chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Nhiều DN chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường, cho rằng quy mô quá nhỏ để gây hại cho môi trường, nhiều DN không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp. Chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao, không hợp lý khiến năng lực cạnh tranh của DN bị giảm trước mắt. Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy 44% DN trong nước và 38% DN FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của DN còn hạn chế (37%). Đáng chú ý là mặc dù tới 91% DN cho rằng bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng tỷ lệ DN cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn.

Thứ ba, mức độ đầu tư của DN cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng 1/2 DN áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

PV: Như vậy, rõ ràng đang có xung đột về mục tiêu và lợi ích ngay trong chính các DN, chúng ta nên gỡ nút thắt này bằng cách nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Đúng vậy, nhiều DN Việt Nam nhận thức chưa đầy đủ về thế nào là kinh doanh xanh, thế nào là kinh doanh có trách nhiệm và thế nào là kinh doanh bền vững. Điều này dễ hiểu là vì hơn 98% cộng đồng DN chúng ta là cộng đồng DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, vướng mắc đối với DN Việt Nam đó là vấn đề công nghệ và tiếp cận vốn. Có thể những DN vừa và nhỏ, những DN nhỏ trong chuỗi giá trị, họ nhận thức ra điều đó nhưng lại thiếu tiềm lực về tài chính, thiếu tiềm lực về công nghệ. Cho nên các DN này rất cần những giải pháp tài chính xanh từ những định chế tài chính ngân hàng để có thể đưa ra những gói hỗ trợ cho DN triển khai theo đuổi chiến lược cạnh tranh xanh.

Ngoài ra, các DN cũng cần có những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ví dụ như thế nào là một mô hình kinh doanh xanh, như thế nào là một mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn. Tất cả những cái đó cũng cần phải có những khuôn khổ pháp lý để hỗ trợ cho các DN tạo ra một môi trường kinh doanh xanh, thuận lợi hơn nữa cho các DN kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.

PV: Vâng, rõ ràng để phát triển bền vững, tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu, và nó sẽ là “kết thúc có hậu” dành cho DN. Với vai trò của mình, VCCI đã có những giải pháp gì để thúc đẩy kinh tế xanh?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài FDI, chú trọng thu hút các dự án mới “xanh” và có chất lượng cao hơn. Trong nhiều năm qua, VCCI đã phối hợp với nhiều bộ, ngành để luôn đồng hành cùng DN, không chỉ tạo ra những diễn đàn trao đổi, đối thoại giữa DN và cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ vướng mắc mà đồng thời còn đưa ra những chia sẻ, kinh nghiệm về mô hình phát triển bền vững cho các DN học hỏi, tìm hiểu mô hình phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đã chủ trì xây dựng, phát triển Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) như một công cụ hỗ trợ DN quản trị DN bền vững, giúp DN có thể nhìn nhận, soi mình vào bộ chỉ số để biết mức độ và hiệu quả về phát triển bền vững của DN. Đồng thời, Bộ chỉ số CSI cũng được sử dụng làm căn cứ đánh giá, xếp hạng và biểu dương các DN bền vững thông qua Chương trình Đánh giá, Công bố DN bền vững Việt Nam do VCCI phối hợp tổ chức cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thường niên từ năm 2016.

laodong.jpg -0
Nhiều doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn và công nghệ để phát triển kinh tế xanh. Ảnh minh họa.

Ngày 8/2/2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 167/QĐ-TTg về phê duyệt "Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025", trong đó nêu rõ đối với các DN được công nhận là DN kinh doanh bền vững sẽ nhận được những hỗ trợ về đào tạo, tư vấn xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình kinh doanh bền vững, quản trị nội bộ; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ triển khai chuyển đổi số; tiếp cận tài chính, vốn đầu tư; hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, v.v. Đặc biệt, với các DN vừa và nhỏ sẽ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất. Chúng tôi hy vọng rằng kết quả biểu dương hàng năm của Chương trình CSI nói trên sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho việc công nhận các DN kinh doanh bền vững.

PV: Vậy, theo ông, cần giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế xanh?

Ông Nguyễn Quang Vinh: Có 6 giải pháp chính. Thứ nhất là tăng cường sự tham gia của DN trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về môi trường. Thực tế đã cho thấy việc tăng cường tham vấn DN, người dân trong quá trình xây dựng pháp luật giúp cải thiện chất lượng quy định pháp luật. Nhiều nghiên cứu quốc tế đã chứng minh rằng tăng cường sự tham gia của DN trong xây dựng pháp luật sẽ giúp tăng cường mức độ tuân thủ của DN.

Thứ 2, tạo thuận lợi trong tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật về môi trường, phát triển bền vững. Các cơ quan nhà nước cần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến các chính sách, quy định để các DN (đặc biệt là các DN quy mô siêu nhỏ, nhỏ) dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Cần chú trọng truyền thông chính sách trong lĩnh vực này như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ 3, xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về tăng trưởng xanh, khuyến khích, ưu đãi DN đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch; tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các chính sách để ưu đãi các DN đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Xây dựng các bộ tiêu chí để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường.

Thứ 4, theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. Bên cạnh hoàn thiện khung khổ chính sách thì thúc đẩy thực thi chính sách cũng hết sức quan trọng. VCCI đang xây dựng và dự kiến sẽ công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong tháng 4 tới. Đây là bộ chỉ số độc lập đánh giá môi trường kinh doanh xanh cấp tỉnh, mức độ thực thi, tuân thủ pháp luật về môi trường, thực trạng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các DN tại địa phương, trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của DN, mức độ quan tâm, chính sách khuyến khích hoạt động đầu tư xanh của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến môi trường.

Thứ 5, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho DN. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong tăng trưởng xanh nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán các-bon…

Thứ 6, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN. Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các DN: đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, phòng cháy, xây dựng, quản lý thị trường, môi trường, kho bạc và lao động… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường. Hướng tới việc tạo lập và kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước cơ sở dữ liệu DN để đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với DN thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ…

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà An
.
.
.