Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên về tăng trưởng kinh tế xanh

Chủ Nhật, 19/03/2023, 10:13

Sáng 19/3 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF 2023) phiên cấp cao với chủ đề: "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh". 

Tăng trưởng xanh - điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài FDI, chú trọng thu hút các dự án mới “xanh” và có chất lượng cao hơn. Tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” thể hiện mục tiêu mạnh mẽ của nước ta về tái cơ cấu mô hình tăng trưởng hướng tới kinh tế xanh.

Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên -0
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự diễn đàn VBF 2023.

Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới. Đây được coi là chìa khóa đảm bảo cho việc thực hiện thành công các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục đà đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đề cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững.

Trong quá trình đó, cộng đồng doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Những năm gần đây, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của mình trong chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia đã được nâng lên rõ rệt, từng bước thay đổi hành vi và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện tăng trưởng xanh. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang lấy kinh doanh “xanh” là chiến lược và lợi thế cạnh tranh; từ sử dụng năng lượng sạch, nguyên vật liệu thân thiện môi trường, ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải…

Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên -0
Toàn cảnh phiên họp cấp cao VBF 2023.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, để Việt Nam vượt qua thách thức, để trở thành quốc gia phát triển thì trước hết phải phát triển nhanh, xanh, sạch, bền vững và tiến tới thịnh vượng. Tạo ra không gian phát triển vững cho doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam luôn đồng hành với Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Việc hiện thực hóa các định hướng chính sách quốc gia và các cam kết quốc tế của Việt Nam hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cần sự chung tay của tất cả các bên – chính quyền trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị-xã hội.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh

Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thách thức hiện nay là không nhỏ, trong đó, mức độ hiểu biết, quy định môi trường của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Chỉ có 31,8% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho biết, họ hiểu rõ các quy định môi trường. Bên cạnh đó, có đến 68% doanh nghiệp cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu. Cùng với đó, mức độ tuân thủ quy định môi trường chưa cao dù đang được cải thiện, lý do là bởi khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường bởi họ cho rằng, quy mô doanh nghiệp quá nhỏ để gây hại cho môi trường, nhiều doanh nghiệp không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường trong khi các quy định môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ các quy định môi trường còn cao. Chi phí đầu tư cho sản xuất “xanh”, vận hành, kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường rất lớn khiến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị giảm trước mắt.

Số liệu khảo sát của VCCI cho thấy, 44% doanh nghiệp trong nước và 38% doanh nghiệp FDI thừa nhận chưa tuân thủ đầy đủ các quy định môi trường. Mức độ tham gia các chương trình bảo vệ môi trường tại địa phương của doanh nghiệp còn hạn chế (37%). Đáng chú ý là mặc dù tới 91% doanh nghiệp cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng chính họ cũng cần có trách nhiệm lại thấp hơn.

Mức độ đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới, thực hành xanh mới ở mức độ khởi đầu. Theo báo cáo năm 2021 của UNDP, ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng năng lượng như sản xuất, vận tải, xây dựng, cũng chỉ có khoảng ½ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Thủ tướng dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên -0
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Để góp phần hiện thực hóa các định hướng phát triển và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần có sự tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật, quy định về môi trường, hướng tới kinh tế xanh và phát triển bền vững. Thực tế đã cho thấy, việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong quá trình tham vấn xây dựng hoàn thiện chính sách, pháp luật góp phần quan trọng cho việc nâng cao, cải thiện chất lượng quy định pháp luật. Cùng với đó là nâng cao tính khả thi của quy định trong quá trình triển khai thực thi trên thực tế. Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định về môi trường, kinh tế xanh và phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có hình thức phù hợp, hiệu quả để truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động doanh nghiệp tham gia các chương trình về môi trường.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về tăng trưởng xanh, các chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. 

Theo dõi, đánh giá thực thi chính sách về kinh tế xanh, phát triển bền vững ở cấp địa phương. VCCI đang xây dựng và sẽ công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) trong năm 2023. Việc xây dựng, công bố Chỉ số Xanh cũng nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan Nhà nước trung ương và địa phương sử dụng trong hoạch định chính sách về đầu tư và môi trường, trong điều hành, quản lý nhà nước; thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của các địa phương.

Tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh cho doanh nghiệp: Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, trong đó hiện nay ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực và chủ yếu tập trung cho đầu tư hạ tầng giao thông vận tải và nhiều mục tiêu ưu tiên khác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đầu tư công không phải là nguồn vốn chủ đạo trong tăng trưởng xanh, mà nguồn đầu tư tư nhân mới đóng vai trò quyết định. Do đó, các cơ quan nhà nước cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy hơn nữa các chương trình tín dụng xanh từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, ưu tiên cho các dự án có mô hình tăng trưởng xanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công cụ tài chính xanh như tín chỉ các-bon, trái phiếu xanh, thị trường mua bán các-bon.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. 

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách quy định về điều kiện kinh doanh; giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra, kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu..

Lưu Hiệp
.
.
.