Khơi thông dòng vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), doanh số cho vay mới (tính từ 23/1/2020 đến cuối tháng 9/2021) của các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt trên 5,2 triệu tỉ đồng.
Có 1,7 triệu khách hàng được miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. NHNN tiếp tục cùng các bộ, ngành triển khai tín dụng chính sách, hỗ trợ tín dụng để không đứt gãy chuỗi sản xuất kinh doanh (SXKD), đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), người dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Từ khi có dịch COVID-19 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, với mức giảm 1,5-2%/năm; sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD và tạo điều kiện để các TCTD tiếp cận vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn. Mặt khác, đồng hành, chia sẻ cùng DN, người dân và thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, thông qua cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng, 16 NHTM đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng tiền lãi giảm cho khách hàng là 20.613 tỉ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, các TCTD chú trọng chia sẻ khó khăn với khách hàng, đến cuối tháng 9/2021, doanh số cho vay mới trên 5,2 triệu tỉ đồng cho 800.000 khách hàng (lũy kế từ 23/1/2020)…
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình và các giải pháp hỗ trợ DN ứng phó, phục hồi SXKD trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Theo đó, chỉ đạo các TCTD chủ động rà soát, xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn.
Nhờ vậy, hoạt động tín dụng từ đầu năm đến nay tuy bị ảnh hưởng, giảm doanh thu, lợi nhuận nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn đạt khá. Trong 9 tháng năm nay, các TCTD đã tích cực huy động vốn đạt 23.800 tỷ đồng, tăng 1,7% và đã tiến hành cho vay với tổng dư nợ đạt 31.800 tỷ đồng, tăng 5,59% so với cuối năm 2020. Trong đó, có nhiều NH tiên phong giảm lãi suất cho vay, thực hiện cơ cấu lại thời gian thanh toán nợ và miễn, giảm lãi suất…
Theo ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, chi nhánh đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tăng cường các giải pháp huy động vốn, mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực SXKD và các lĩnh vực ưu tiên, triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng.
TS Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, để có sự tăng trưởng trở lại trong quý IV-2021 phải mở cửa khôi phục kinh tế. Hai chính sách tài khóa, tiền tệ cần thực hiện song hành theo hướng hỗ trợ phục hồi kinh tế, thậm chí là kích cầu trong năm 2022. Hiện tại các cân đối vĩ mô của nền kinh tế vẫn chưa bị xói mòn, dù chúng ta lo ngại lạm phát tăng.
Mới đây, NHNN đã hoàn thành điều tra xu hướng kinh doanh quý IV-2021, các TCTD kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ðánh giá chung cả năm 2021, các TCTD đã thu hẹp kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng cao hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 4% trong quý IV-2021 và tăng 12,3% trong năm 2021, tiếp tục điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ điều tra trước.
Dự báo năm 2022, huy động vốn của toàn hệ thống TCTD tăng trưởng 12,6% (điều chỉnh giảm so với mức tăng trưởng dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước). Dù lo ngại lợi nhuận giảm nhưng các TCTD đều cho biết sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ khó khăn với DN, khách hàng, tạo điều kiện tốt nhất để dòng tiền được khơi thông ra thị trường.