Hơn 90% doanh nghiệp khôi phục chuỗi sản xuất

Thứ Tư, 24/11/2021, 10:01

Theo khảo sát, đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), điểm sáng trong tháng 10 và tháng 11/2021 là các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương đang tiếp tục tăng tốc, thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong đó, nhiều tỉnh thành phía Nam ghi nhận trên 90% doanh nghiệp (DN) đã hoạt động trở lại, khôi phục chuỗi sản xuất.

Tại tỉnh Long An, thống kê đến ngày 18/11, ước tính có trên 91% DN đã hoạt động lại với khoảng 330.000 lao động (toàn tỉnh có 13.590 DN đăng ký thành lập). Trong đó, khoảng 3.435 DN ngành sản xuất với 263.166 lao động, bao gồm các DN đã đăng ký hoạt động 3 tại chỗ trước đây, DN được thẩm định phương án phục hồi sản xuất theo kế hoạch của tỉnh và DN có gửi đăng ký phương án phục hồi sản xuất mới; khoảng 4.000 DN ngành kinh doanh dịch vụ hàng hóa thiết yếu với khoảng 57.800 lao động.

Tại tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 312 DN hoạt động sản xuất công nghiệp với tổng số 48.694 lao động. Khu công nghiệp An Nghiệp có 47 DN hoạt động với 22.000 lao động; ngoài khu công nghiệp có 265 DN hoạt động với 26.694 lao động. Đến nay, các DN trong Khu công nghiệp An Nghiệp đã phục hồi sản xuất đạt 84% và các DN ngoài khu công nghiệp đạt 54,4% công suất.

Hơn 90% doanh nghiệp khôi phục chuỗi sản xuất -0
Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Với tỉnh Đồng Tháp, số DN đang hoạt động được UBND cấp huyện phê duyệt là 264/431 DN với lao động là 46.365/54.116. Tại thành phố Cần Thơ, tính đến 15h ngày 17/11 có 984 (tương đương 84,25%) DN sản xuất đã hoạt động trở lại (tăng 676 DN so với thời điểm ngày 18/10). Còn lại 184 DN chưa xây dựng kế hoạch tái hoạt động sản xuất (tương đương 15,75%).

Theo Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, sự phục hồi sản xuất của các DN trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tăng tốc nhằm thích ứng nhanh với tình hình mới. Cụ thể, từ ngày 1/10 đến ngày 17/11, các DN sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động tăng từ 191 DN lên 264/431 DN (tăng 73 DN), đạt 66% so với kế hoạch, với lao động tăng từ 20.661 lên 46.365/54.116 lao động (tăng 25.704 lao động), đạt 103% so với kế hoạch đến cuối năm có 45.000 lao động làm việc.

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, nhìn chung các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN. Tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020, khi các DN dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.

Tuy nhiên, đại diện Cục Công nghiệp cho rằng, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Những nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như nguồn cung lao động có thể trở lại với DN, nếu Nhà nước không có các biện pháp kịp thời để tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Do vậy, DN, hiệp hội ngành hàng cũng đề xuất các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP theo hướng trợ lực, tháo gỡ khó khăn cho DN. Cụ thể là các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm về sản xuất, có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và có các chính sách tạo điều kiện để lực lượng lao động trở lại làm việc – đặc biệt là tại các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn trong thời gian sớm nhất, bảo đảm việc tiếp cận hiệu quả các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội của Nhà nước cho người lao động để nhanh chóng phục hồi nguồn cung lao động phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước tạo điều kiện tăng tính chủ động của DN trong công tác phòng dịch, trong đó có việc xem xét cho phép DN nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nội bộ DN (không phục vụ mục đích thương mại); tự tiến hành xét nghiệm và chứng nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động trong DN dưới sự giám sát của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Đặc biệt, các hiệp hội ngành hàng cũng đề xuất, nhằm giảm áp lực tài chính cho DN trong thời kỳ dịch bệnh và tạo thuận lợi cho các DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN người dân của Chính phủ, nhằm giúp các DN từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.

Phan Đức
.
.
.