Doanh nghiệp xuất khẩu đang “gánh” phí chồng phí
Phí hạ tầng cảng biển mà TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ thu từ ngày 1/4/2022 đang vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các doanh nghiệp (DN). Các DN lo ngại, trong khi DN vừa mới trải qua đại dịch COVID-19 chưa kịp phục hồi, nhiều chi phí tăng mạnh khiến các DN xuất khẩu (XK) phải dè dặt cân nhắc nhận đơn hàng. Các DN cho rằng việc TP Hồ Chí Minh thu phí cảng biển vào thời điểm này là chưa phù hợp, phí chồng phí, mức phí thu có sự phân biệt đối xử khiến DN bức xúc…
TP Hồ Chí Minh dự tính từ ngày 1/4/2022 sẽ thu phí cảng biển tại cảng Cát Lái. Hàng hóa NK, XK mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh, mức thu là 250.000 đồng/container 20 feet, 500.000 đồng/container 40 feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Hàng hóa NK, XK nhưng mở tờ khai ngoài TP Hồ Chí Minh, sẽ áp dụng mức phí cao gấp 2 lần so với biểu phí nêu trên. Điều này đã khiến nhiều DN lên tiếng vì việc đối xử không công bằng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc một DN XK nông sản ở Đồng Nai cho biết, sau dịch, DN đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như thiếu vốn, thiếu lao động, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí logistics tăng 5-7 lần so với thời điểm trước dịch và thời gian gần đây là giá xăng tăng liên tục… khiến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng mạnh. Trong khi đó, nhiều đơn hàng đã ký từ nhiều tháng trước, không thể đàm phán lại với đối tác để điều chỉnh tăng giá bán, nên DN phải tính toán kỹ để giảm lỗ hoặc huề vốn. Việc thu phí hạ tầng cảng Cát Lái với mức giá 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/container sắp tới sẽ khiến DN bị áp lực thêm.
Trong tuần qua, Văn phòng Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã nhận được nhiều phản ánh than phiền của các DN XK thủy sản về vấn đề này. VASEP cũng tiến hành khảo sát, kết quả cho thấy tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% DN thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam đáp ứng được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% DN không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy. Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được cũng chỉ khoảng từ 30-50% tổng số lượng lao động. Tới tháng 10/2021, nhiều địa phương thực hiện tiêm phủ vaccine thần tốc thì DN cũng chỉ có thể hoạt động tối đa 60%.
Trong quý I/2022, mặc dù thị trường NK thủy sản thế giới đang có dấu hiệu phục hồi và khả quan, nhưng chi phí cho sản xuất, cước vận tải biển tăng quá cao, thiếu nguyên liệu, thiếu công nhân… đang khiến DN bị giảm lợi nhuận. Hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản XNK của cả nước đều tập trung tại các cảng biển của TP Hồ Chí Minh, trong khi đó, các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của DN. Nếu tính chi phí tăng thêm cho một DN thủy sản quy mô trung bình là 3 - 3,5 tỷ đồng/năm; với DN lớn hơn khoảng 13,5 - 14 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký VASEP cho biêtë, sẽ kiến nghị Chính phủ có ý kiến để TP Hồ Chí Minh xem xét chưa triển khai thực hiện thu các loại phí nói trên đến hết 31/12/2022, tạo điều kiện cho DN cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất, khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Bên cạnh đó, cũng kiến nghị điều chỉnh các mức thu nói trên giảm xuống, áp dụng chung một mức thu là 250.000 đồng/container 20feet; 500.000 đồng/container 40feet và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả các lô hàng XNK, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng. Các DN thuộc các ngành dệt may, da giày, sữa, chế biến gỗ… cũng đã đồng loạt lên tiếng mong TP Hồ Chí Minh lùi thời gian thu phí để giảm áp lực cho DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Mức phí áp dụng cho hàng hóa XNK mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 50% so với các tỉnh là chưa hợp lý, dẫn đến biến động lớn về việc dịch chuyển mở tờ khai hải quan ở tỉnh về TP Hồ Chí Minh, gây quá tải số tờ khai nộp tới Hải quan TP Hồ Chí Minh, gây ách tắc khai báo dẫn đến chậm tiến độ thông quan. Ngoài ra, mức phí như trên là quá cao, cần điều chỉnh giảm để có một mức phí chung cho tất cả các DN mở tờ khai ở bất cứ đâu, tránh gây bức xúc cho DN.