Doanh nghiệp kỳ vọng nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ

Thứ Tư, 06/10/2021, 06:59

Các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP được cộng đồng DN trong và ngoài nước đánh giá cao, về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết.

Các bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết và cơ bản hoàn thành đúng tiến độ theo quy định. Tuy nhiên, các DN đều mong, các giải pháp đề ra trong Nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn này.

Tại cuộc tọa đàm mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Nghị quyết 105/NQ-CP vừa mới được phê duyệt là một tin vui đối với nhà đầu tư nước ngoài. Bởi theo đúng như chiến lược của Nghị quyết, Việt Nam sẽ đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông sản xuất, duy trì mạng lưới cung ứng ổn định. Làm được điều đó, không chỉ giúp DN duy trì được sản xuất mà thu hút đầu tư cũng được tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Theo Báo cáo khảo sát của VCCI về Nghị quyết 105: 91,5% DN được khảo sát đã biết đến Nghị quyết 105/NQ-CP; 81% DN cho biết chính sách tại Nghị quyết 105 là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết đưa ra là phù hợp; 81,4% cho biết các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN, hợp tác xã hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), qua theo dõi và tổng hợp các kiến nghị phản ánh của cộng đồng DN cho thấy vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Tỷ lệ DN tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các DN tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

1.jpg -0
Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số.

Các chính sách tại Nghị quyết 105/NQ-CP được cộng đồng DN đánh giá cao và được xem như giải pháp cứu cánh cho DN. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ DN phục hồi, Chính phủ cần chỉ đạo các ngành, cơ quan liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại phí, thuế, tiền điện nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có những chính sách hỗ trợ mạnh hơn như nới hạn mức tín dụng, miễn giảm, vay ưu đãi lãi suất thấp, nâng hạn mức tài sản thế chấp để tăng giá trị vốn vay lưu động từ 70% lên mức cao hơn. Tăng cơ hội tiếp cận vốn cho khu vực DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, hộ kinh doanh… dưới hình thức các Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, tiếp tục giảm lãi suất cho vay… Bởi việc các ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn trong lúc các DN đình trệ sản xuất, kinh doanh là một chỉ dấu không lành mạnh của nền kinh tế và của mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và DN.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, khó khăn nhất của DN thời điểm này chính là sức khỏe tài chính. Hoạt động ngày càng khó khăn, dòng tiền vào thì ít và chi ra thì liên tục, cho nên mọi sự hỗ trợ dù lớn, dù nhỏ đều rất tốt. Những chính sách tài khóa, tiền tệ đều là phao cứu sinh của DN. Tuy nhiên giữa kỳ vọng với thực tiễn áp dụng chính sách vẫn còn những khoảng cách nhất định. “Tài chính, đồng tiền như là máu của DN, tất cả mọi sự hỗ trợ mặc dù rất đáng quý nhưng để có thể vực dậy được hay chưa thì chưa đủ, vì nguồn lực chung đều hạn hẹp. Vì vậy nguyện vọng lớn nhất của DN lúc này là được hoạt động.”- Bà Thủy bày tỏ mong muốn của DN.

TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN Hàng không Việt Nam cho rằng, hàng không hồi phục thì du lịch mới phát triển. Ngoài ra, hàng không phát triển sẽ duy trì sức lan toả kinh tế tới các ngành khác, trực tiếp là hệ sinh thái hàng không như dịch vụ mặt đất tại nhà ga…; kết nối các chuỗi cung cấp, chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị; và góp phần tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch.

Để vực dậy được các DN hàng không, Hiệp hội DN hàng không Việt Nam đã đề nghị các DN trong ngành cần được vay vốn để nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn. Các hãng bay cần được hỗ trợ thanh khoản kịp thời, tạo điều kiện cho hàng không phát triển, sẽ bảo toàn được nguồn vốn và cân đối ngân sách nhà nước trong tương lai.

Đồng thời, Chính phủ và Quốc hội nên xem xét cho các hãng hàng không khác vay lãi suất 0% như gói vay của Vietnam Airlines, để đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, giúp các hãng hàng không giải quyết vấn đề thanh khoản. Số vay căn cứ vào nhu cầu và quy mô thị phần, khả năng đóng góp ngân sách trong thời gian vừa qua và khả năng đáp ứng ngân sách thời gian tới. Hiệp hội Hàng không đã nhiều lần đề xuất gói hỗ trợ 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không, mục đích phục vụ chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án để duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh kéo dài.

Đồng thời, các chính sách thuế, phí dù được ban hành kịp thời, nhưng cần có chính sách giảm sâu hơn. Chẳng hạn, mức giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay hiện nay còn thấp, không thấm vào đâu so với những thiệt hại hàng không phải chịu. Ngoài ra, chính sách này cần gia hạn hỗ trợ do trước đây chúng ta chưa lường hết thời gian dịch bệnh kéo dài. Chúng tôi dự báo Việt Nam có thể kiểm soát tốt dịch bệnh đến hết năm 2022, hoặc sẽ phục hồi nhanh nhất phải đến tháng 6/2022. Do vậy, các chính sách có thời gian kéo dài đến tháng 6/2022, như vậy sẽ hỗ trợ DN tốt hơn.

Để giúp DN thích ứng tốt hơn trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng như nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết, mới đây Ban IV đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung. Trong đó tiếp tục kiến nghị nhiều vấn đề về mặt nguyên tắc. Thứ nhất, Chính phủ và các bộ ngành địa phương cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức cho phép DN, cụm DN trở thành chủ thể tham gia vào các hoạt động quản lý sự an toàn trong bối cảnh dịch, thay vì chỉ là đối tượng chịu sự quản lý như trước đây.

Thứ hai, trong mọi bối cảnh của dịch bệnh, các cấp chính quyền và người dân, DN cần có cùng tư duy phải duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ ba, yếu tố hợp tác công - tư là điều kiện then chốt để tập hợp sức mạnh, nguồn lực các bên, vì vậy trong mọi khâu phải có vai trò của phía tư nhân một cách chủ động. Thứ tư, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ DN phải có cơ chế giám sát và phải công khai, minh bạch cơ chế này để người dân, DN có thể biết và phản hồi thông tin từ thực tiễn.

Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và DN; khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế/kế hoạch mở cửa trong tình hình mới. Đồng thời, cùng với DN, chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy. Về phía cộng đồng DN và hiệp hội, Bộ KH&ĐT cho rằng, DN cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý.

Tại Hội nghị Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức ngày 5/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tiêu thụ nông sản đến vụ thu hoạch cả trong và ngoài nước. Do vậy, kết nối chuỗi cung ứng bị gián đoạn là giải pháp quan trọng giúp gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, đồng thời giúp tăng trưởng năm nay đạt mục tiêu như dự báo.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho biết, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, Bộ Công Thương đã khẩn trương vào cuộc, vừa trực tiếp tham gia các Tổ công tác tiền phương, thực địa tại các vùng dịch, vừa tổ chức nhiều cuộc họp, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để đẩy mạnh kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hỗ trợ nông dân, cung ứng đầy đủ hàng hoá thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống…

2.jpg -0
Phun khử khuẩn đối với các phương tiện qua chốt kiểm soát. ảnh: Quốc Thành.

Để khôi phục sản xuất, thực hiện mục tiêu tăng trưởng Chính phủ đã đề ra, các chuyên gia cho rằng các giải pháp hỗ trợ DN được thực hiện nhanh chóng và kịp thời. DN phải là chủ thể trong phòng, chống dịch bệnh, vì họ biết làm thế nào để sản xuất, kinh doanh an toàn. Về sự hỗ trợ của các địa phương, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các địa phương cần quy trình thông suốt, giúp DN chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó với dịch bệnh, duy trì sản xuất kinh doanh, duy trì ổn định chuỗi cung ứng.

Ở góc độ vĩ mô, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thời gian qua, những hỗ trợ của nhà nước có nhiều điểm tương đồng với thế giới như diện hỗ trợ rộng, cách thức hỗ trợ nhiều, song quy mô hỗ trợ còn khá khiêm tốn so với mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, ngoài những hỗ trợ về ngân sách, dư địa về chính sách hỗ trợ của ta còn rất lớn. “Dù với hình thức nào thì những chính sách, gói hỗ trợ DN sắp tới cần quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, quyết định đủ nhanh mới có thể kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh cho DN”, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.                                     

Lưu Hiệp

Lưu Hiệp