Doanh nghiệp gặp khó khi bắt buộc bổ sung muối I-ốt

Thứ Hai, 22/11/2021, 06:47

Thực hiện quy định, các loại thực phẩm như: lạp xưởng, xúc xích, thịt nguội, đồ hộp, chà bông, giò chả các loại, nước mắm... trong quá trình chế biến phải sử dụng muối có bổ sung I-ốt . Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, việc áp dụng quy định đại trà như vậy, khiến DN phải tăng thêm chi phí, nhưng ngược lại sản phẩm khó tiêu thụ, khó cạnh tranh.

Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09), nên các DN chế biến thực phẩm thuộc các Hiệp hội như: lương thực, thực phẩm, thủy sản, nước mắm... đã kiến nghị những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi để mong sớm được tháo gỡ...

Theo chia sẻ của bà Phạm Minh Thùy Trang - Trưởng phòng Nghiên cứu & Phát triển Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản (VISAN), DN chuyên sản xuất kinh doanh thịt tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến từ thịt. Từ khi Nghị định 09 được ban hành vào năm 2016 quy định “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt”, VISAN đã sử dụng muối được tăng cường I-ốt trong tất cả các sản phẩm. Tuy nhiên, qua quá trình sử dụng DN đã gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, I-ốt rất nhạy với nhiệt độ và ánh sáng, trong khi các sản phẩm chế biến từ thịt thường dùng nhiệt độ cao để đảm bảo các vấn đề về vi sinh cũng như do đặc tính của sản phẩm. Vì vậy, những sản phẩm sử dụng muối sau khi qua quá trình xử lý nhiệt, kết quả kiểm nghiệm cho thấy không còn tồn dư I-ốt. Một số sản phẩm còn bị biến đổi màu sắc, mùi vị do có sự tác động của I-ốt với các thành phần nguyên liệu ban đầu. Ngoài ra, DN còn phải “gánh” thêm 5% chi phí cho việc mua muối.

Các DN cho rằng, một số loại thực phẩm như: sản phẩm thủy sản, rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy, các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm bánh ngọt, chế biến thực phẩm, các sản phẩm ăn liền... khi bổ sung I-ốt với tính chất là một chất oxi hóa mạnh, nếu bổ sung vào muối thường thì không có phản ứng, nhưng khi bổ sung vào thực phẩm và trải qua quá trình chế biến với nhiệt, ẩm và bảo quản thì I-ốt dễ dàng phản ứng với các thành phần trong thực phẩm làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, màu sắc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm. Điều này càng làm gia tăng nhiều chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, nhưng thành phẩm sau cùng không có hoặc có rất ít I-ốt. Ngoài ra, một số nhóm hàng, điển hình như ngành sản xuất nước mắm truyền thống thì nguyên liệu chính là cá biển đã rất giàu I-ốt, nên việc yêu cầu bổ sung thêm I-ốt là không cần thiết, đã vậy còn gây ra những hệ lụy không như mong muốn.

Đại diện cho các DN sản xuất nước mắm, bà Hồ Kim Liên – Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cũng khẳng định: “Việc bổ sung thêm I-ốt vào muối dùng trong quá trình ủ chượp nước mắm truyền thống Phú Quốc làm ảnh hưởng đến một số vấn đề như: thay đổi chất lượng nước mắm về màu và mùi, ảnh hưởng đến việc châu Âu bảo hộ chỉ dẫn địa lý với quy trình ủ chượp chỉ có cá và muối hạt, không dùng bất cứ chất nào khác. Đồng thời, nước mắm Phú Quốc đã được Bộ Văn hóa và Thể thao công nhận là di sản phi vật thể tri thức dân gian cấp quốc gia”.

Đánh giá tác động này, nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn - Hội viên của Hội nước mắm Phú Quốc đã tiến hành thử nghiệm bổ sung I-ốt vào nguyên liệu muối dùng để sản xuất nước mắm. Kết quả cho thấy, từ lúc nhập nguyên liệu từ 12-15 tháng ủ chượp đến thành phẩm thì chỉ tiêu hóa lý (độ đạm, amon, amin...) trong nước mắm không thay đổi; hàm lượng I-ốt bổ sung không thay đổi trong suốt quá trình ủ chượp; màu nước mắm đen sậm trong khi màu đặc trưng của nước mắm Phú Quốc là màu nâu cánh gián, nhìn rất bắt mắt.

2.jpg -0
Sản xuất nước mắm truyền thống gặp khó khăn khi sản phẩm có bổ sung I-ốt.

Vậy việc bổ sung I-ốt vào trong thực phẩm chế biến có ý nghĩa gì với người tiêu dùng và cả DN sản xuất, Chuyên gia Vũ Thế Thành – Thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học thuộc Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh phân tích: I-ốt dùng để tổng hợp hormons tuyến giáp, thiếu hay thừa I-ốt đều bất lợi cho sức khỏe. Nếu thiếu I-ốt (suy giáp) sẽ chậm tăng trưởng, kém phát triển não ở thai nhi và trẻ em; thừa I-ốt (cường giáp) dẫn đến biến chứng tim mạch, lồi mắt… Tuy nhiên, không phải tất cả các loại thực phẩm chế biến đều buộc phải dùng muối I-ốt. Bởi, thực phẩm qua xử lý nhiệt thì sẽ không còn I-ốt như: đồ hộp, mì ăn liền, xúc xích tiệt trùng, thanh trùng…; thực phẩm sẽ bị ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, màu và mùi vị thay đổi như ở nước mắm truyền thống, dưa muối sậm màu…

Đặc biệt, việc sử dụng I-ốt vào trong thực phẩm chế biến sẽ cạnh tranh không công bằng với hàng nhập cùng loại không dùng I-ốt, thậm chí trở ngại cho xuất khẩu, vì vài nước không chấp nhận sử dụng muối I-ốt trong thực phẩm. “Không nên buộc tất cả ngành thực phẩm công nghiệp phải dùng muối I-ốt trong tất cả loại thực phẩm, mà có chọn lọc. Những loại thực phẩm như: Nước mắm công nghiệp (dùng màu nhân tạo), các loại bột nêm, kể cả gói bột nêm trong mì miến phở ăn liền; các loại bánh sử dụng bột mì... có thể dùng muối I-ốt, nhưng trên tinh thần tự nguyện”, Chuyên gia Vũ Thế Thành nhận định.

Trước thực trạng trên, các DN cho rằng cần khuyến khích hơn là bắt buộc DN sử dụng I-ốt vào trong chế biến thực phẩm và DN cũng tự biết sản phẩm nào DN nên bổ sung I-ốt, sản phẩm nào không nên bổ sung.

Bà Hồ Kim Liên, đại diện các DN thuộc Hội Nước mắm Phú Quốc kiến nghị: Không sử dụng muối dùng trong chế biến thực phẩm có bổ sung I-ốt, để giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của nước mắm truyền thống Phú Quốc và bảo vệ làng nghề truyền thống hơn 200 năm tại đảo Phú Quốc được phát triển bền vững.

T.Hà - T.Giang
.
.
.