Doanh nghiệp gặp khó vì quy định "bổ sung vi chất"

Thứ Sáu, 19/11/2021, 08:29

Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09)có quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” (có hiệu lực áp dụng từ ngày 15/3/2018). Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, các doanh nghiệp (DN) cho biết, quy định trên thật sự đã gây rất nhiều khó khăn cho DN. Chính vì vậy, DN rất cần được tháo gỡ khó khăn trên để ổn định sản xuất, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn hiện nay…

Các DN cho rằng, khi thực hiện quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”, các DN đã gặp không ít khó khăn. Cụ thể, DN Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn bột mì từ các quốc gia khác. Ở các nước xuất khẩu (XK) bột mì, không có quy định phải bổ sung sắt, kẽm, vào bột nên khi các DN đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt, kẽm, thì không được nhà cung cấp chấp thuận. Vì vậy, DN khi nhập bột mì về thì phải thực hiện thêm công đoạn là bổ sung thêm vi chất sắt, kẽm, trước khi đưa vào sản xuất. Điều này đã làm gia tăng rất lớn chi phí và giá thành của sản phẩm.

Ngoài ra trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung sắt, kẽm, thành phẩm sẽ bị biến màu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt, tại một số thị trường XK, khách hàng từ chối thẳng thừng sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung sắt, kẽm, đã làm ảnh hưởng doanh thu, mất tiềm năng khai thác thị trường, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế của DN.

Doanh nghiệp gặp khó vì quy định
Các doanh nghiệp gặp khó khăn vì quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”.

Bà Huỳnh Kim Chi - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Bột Mỳ cho biết: Công ty có nhà máy sản xuất bột mì ở TP Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh với công suất hơn 50-60.000 tấn/năm. Thị trường XK chủ yếu là Thái Lan, Indonesia, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc; trong nước thì có hơn 300 đại lý sản phẩm bột mì và hơn 30 đối tác là các nhà máy sản xuất mì ăn liền, bánh kẹo, hệ thống siêu thị. Việc quy định bổ sung sắt, kẽm, vào bột mì, chúng tôi nhận thấy vướng mắc không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường XK.

Cụ thể, các quốc gia khác không bắt buộc và không có nhu cầu đối với bột mì có bổ sung vi chất sắt, kẽm. Còn tại thị trường nội địa, có một số công ty chế biến thực phẩm đã yêu cầu chúng tôi cam kết không bổ sung vi chất sắt, kẽm, vào thành phần bột mì. Ngoài ra, việc bổ sung vi chất sắt, kẽm, vào bột mì sẽ làm tăng giá thành của sản phẩm và làm giảm tính cạnh tranh của DN. Hơn nữa, bột mì là nguyên liệu của rất nhiều ngành chế biến thực phẩm, nên theo hiệu ứng dây chuyền, giá thành của những sản phẩm làm từ bột mì có bổ sung vi chất cũng từ đó tăng lên, gây ra bất ổn cho thị trường...

Đại diện Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cũng chia sẻ về những khó khăn mà công ty đang gặp phải. Cụ thể, nhiều nước NK của công ty không chấp nhận việc bổ sung sắt, kẽm, vào sản phẩm. Vì vậy, công ty phải sử dụng nguyên liệu bột mì khác nhau để sản xuất sản phẩm cho thị trường nội địa và thị trường XK.

Để tránh nhiễm chéo giữa các loại nguyên liệu này, cần phải có một dây chuyền sản xuất riêng cho sản phẩm XK. Tuy nhiên, để đầu tư riêng một dây chuyền sản xuất hàng XK thì chi phí quá lớn, khoảng 100 tỷ đồng, trong khi doanh thu XK còn quá nhỏ so với chi phí đầu tư và vận hành dây chuyền sản xuất. Vì vậy, công ty buộc phải sử dụng một dây chuyền vừa sản xuất hàng nội địa vừa sản xuất hàng XK.

Cứ sau khi sản xuất xong một mẻ mì nội địa thì phải vệ sinh lại toàn bộ dây chuyền, dụng cụ sản xuất trước khi chuyển sang sản xuất sản phẩm XK. Việc này dẫn tới công suất sản xuất giảm, nhiều chi phí gia tăng, kinh doanh XK bị ảnh hưởng. Với những quốc gia không chấp nhận hoặc có cơ chế kiểm duyệt phức tạp đối với thực phẩm nhập khẩu có bổ sung sắt hoặc kẽm, công ty không đáp ứng được yêu cầu đã phải ngừng XK, thiệt hại doanh thu khoảng 30.000 USD/năm.

Đặc biệt, công ty đang thực hiện chiến lược thâm nhập thị trường Nhật Bản với nhiều chủng loại sản phẩm để đáp ứng cho 40.000 người Việt đang sinh sống tại đây. Tuy nhiên, Nhật Bản không chấp nhận sản phẩm có bổ sung I- ốt, kẽm, nên chiến lược kinh doanh này bị ảnh hưởng rất nhiều.

Mục đích của việc bổ sung vi chất vào chế biến thực phẩm là nhằm ngăn ngừa nguy cơ về những căn bệnh có thể phát sinh do thiếu các chất trên. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng đã đủ hoặc dư thừa vi chất sắt, kẽm, thì việc sử dụng các sản phẩm bột mì có các vi chất này có cần thiết không?

Ở góc độ khoa học, TS. Đỗ Việt Hà – Hội Hóa học TP Hồ Chí Minh giải thích: Vi chất dinh dưỡng chỉ tốt khi được sử dụng đủ. Nếu thừa sắt, các cơ quan nội tạng bị tổn thương, mệt mỏi, suy nhược cơ thể… Còn nếu thừa kẽm thì bị nôn ói, chóng mặt, mầm bệnh dễ phát triển…

Nếu quy định bổ sung vi chất không hợp lý sẽ làm hạn chế sự hội nhập quốc tế về thương mại, nhất là XK.Vô tình làm ảnh hưởng đến sức khỏe của một số đối tượng không cần thiết phải bổ sung thêm vi chất. Đặc biệt, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm truyền thống đã được quốc tế công nhận, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của các nhà máy quy mô lớn.

Với tình hình trên, trong suốt thời gian qua, Hội Lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA)và các hội ngành nghề đã nhiều lần kiến nghị với các Bộ, ngành, sớm tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ngày 14/9,  Bộ Y tế lại ban hành công văn gửi các hiệp hội, các DN thực phẩm tiếp tục yêu cầu DN thực hiện nghiêm Nghị định 09 và Bộ Y tế cũng đang tiến hành xây dựng dự thảo Kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định 09.

Điều này đã khiến cộng đồng DN chế biến thực phẩm hết sức băn khoăn, lo lắng. Đại diện DN trong ngành, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch FFA kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, thay thế Nghị định 09 theo hướng chỉ khuyến khích, chứ không bắt buộc DN bổ sung vi chất như hiện nay. Điều nàyvừa tháo gỡ khó khăn, vừa tạo điều kiện thuận lợi để DN yên tâm phục hồi sản xuất và phát triển.

Thúy Hà
.
.
.