Doanh nghiệp chăm lo nơi ăn, chốn ở cho người lao động vượt qua COVID-19
Dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp tại Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và trên cả nước nói chung, gặp không ít khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư nhà ở tập thể, kí túc xá cho công nhân từ trước. Việc thực hiện mô hình “3 tại chỗ” trở nên tương đối dễ dàng với cơ sở có sẵn, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, duy trì hiệu quả năng suất sản xuất.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất bột cá trên địa bàn huyện biên giới Tri Tôn (tỉnh An Giang), Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại & Dịch Vụ Hải Thuận An Giang vẫn đảm bảo chuỗi sản xuất 200 tấn nguyên liệu/ngày đêm trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cựu chiến binh Lê Hữu Có, Chủ tịch HĐQT Công ty Hải Thuận An Giang cho biết, nhà máy hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2015.
Công ty đã quyết định mua thêm đất, xây dựng nhà ở tập thể cho công nhân, nằm trong khuôn viên của công ty, nhưng biệt lập với khu vực chế biến, sản xuất. Ngoài “bao ở”, ông Có còn “bao ăn” cho hàng chục cặp vợ chồng công nhân ở tại khu tập thể, rồi chi trả cả chi phí điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ tiền học cho con của công nhân…
Nhờ có cơ sở lưu trú sẵn có, sự gắn kết giữa công ty và người lao động nên khi dịch COVID-19 bùng phát, Công ty Hải Thuận An Giang vẫn duy trì hoạt động thông suốt với khoảng 60 công nhân lao động theo mô hình “3 tại chỗ”. Ông Có còn quyết định duy trì mức lương ổn định, thấp nhất là 6 triệu đồng/tháng cho công nhân. Công ty đã liên hệ Sở Công thương tỉnh An Giang đăng ký và đã hoàn thành việc tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19 đối với tất cả nhân viên, công nhân.
“Ngày xưa, tôi cũng từng nghèo khó được giúp đỡ mà có được ngày nay. Vì vậy, giờ tôi luôn xem và ứng xử với công nhân là “người một nhà”. 100% công nhân của công ty là người địa phương. Ngoài duy trì hoạt động của doanh nghiệp, tôi cũng cố gắng đảm bảo đời sống của anh em công nhân. Giờ mình ngưng hoạt động thì anh em cũng gặp khó”. – ông Có chia sẻ.
Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đặt tại huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) là một trong những điển hình tiêu biểu trên vùng “đất lúa” về việc áp dụng thành công mô hình “3 tại chỗ”. Năm 2018, công ty đầu tư hơn 380 tỷ đồng để xây dựng khu nhà ở cho chuyên gia và công, nhân viên với sức chứa lên tới 1.500 người.
Đặc biệt, khu kí túc xá trang bị đầy đủ tiện nghi với các hạng mục phụ trợ phục vụ cho nhu cầu làm việc, vui chơi giải trí đi kèm như: Sân bóng đá, phòng tập gym, phòng đào tạo, hội trường, nhà ăn… nhân viên được miễn phí tất cả chi phí không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào. Việc sở hữu ký túc xá với quy mô lớn đã giúp Công ty Giấy Lee & Man Việt Nam hoàn toàn chủ động khi thực hiện mô hình “3 tại chỗ” trong đợt dịch bệnh lần này. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, có khoảng 1.100 công, nhân viên của công ty được bố trí ăn, ở trong khu kí túc xá, đảm bảo các công đoạn sản xuất được vận hành trơn tru, đạt hiệu quả.
Ông Chung Wai Fu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam chia sẻ, hiểu được những khó khăn của người lao động giai đoạn này, công ty chủ trương tăng 20-30% so với mức lương cố định trong vòng 3 tháng cho toàn thể cán bộ, nhân viên lao động theo phương án “3 tại chỗ”. Bên cạnh đó, công ty cũng liên tục cấp phát khẩu trang y tế, nước sát khuẩn... miễn phí để nhân viên tăng cường sức khỏe mỗi ngày. Toàn bộ công nhân của công ty đã được tiêm vaccine mũi 1 và thực hiện xét nghiệm nhanh 2 lần/tuần.
Ngoài việc được phát phiếu mua hàng miễn phí tại siêu thị mini trong khu ký túc xá, nhân viên sử dụng xe gắn máy có thể đến trạm xăng trong công ty để đổ xăng và ăn uống miễn phí 3 lần mỗi ngày. “Chúng tôi quan niệm, con người khoẻ thì công ty mới có thể “khoẻ” và vận hành tốt”, ông Chung Wai Fu cho biết về “chiến thuật” vận hành của công ty.
Tại huyện đồng bằng ven biển Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang), Công ty TNHH Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Kim Tuấn Vàm Láng, với 10 phòng lớn tại khu nhà ở tập thể có sẵn, đã thuận tiện cho việc bố trí hơn 50 công nhân lưu trú, duy trì sản xuất với mô hình “3 tại chỗ”.
Bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Giám đốc công ty, cho biết: “Năm 2009 khi công ty thành lập, thấy một số công nhân hàng ngày đi về vất vả, một số khác thì tốn kém chi phí cho việc thuê mướn nhà trọ, lãnh đạo công ty quyết định xây dựng nhà ở tập thể miễn phí cho công nhân”. Lo từ trước, nên khi dịch bệnh bùng phát, Công ty Kim Tuấn Vàm Láng không rơi vào tình thế bị động, vẫn duy trì tốt hoạt động sản xuất …
Theo thống kê của VCCI Cần Thơ, chỉ trong 3 tháng gần đây, toàn vùng ĐBSCL đã có trên 10.000 doanh nghiệp rời thị trường. Nhiều doanh nghiệp không có sở lưu trú cho công nhân, để duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế đã chọn hình thức thuê khách sạn cho công nhân ở, đảm bảo thực hiện quy trình “một cung đường, hai điểm đến”. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là một biện pháp để giải quyết tình huống cấp bách nhưng không thể vận hành lâu dài vì chi phí quá cao sẽ gây khó trong việc ổn định mức giá đầu ra cho sản phẩm.
Mặt khác, công nhân không được ăn, ở tại nơi làm việc nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào nơi sản xuất là rất cao. Chính vì thế, vấn đề nhà lưu trú cho công nhân là vấn đề “sống còn” không chỉ trong thời điểm dịch bệnh, mà còn là “xương sống” gắn kết giữa người lao động và các doanh nghiệp…