Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng phương án “3 tại chỗ” để sản xuất

Thứ Tư, 21/07/2021, 12:50
Ứng phó với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chính quyền và doanh nghiệp (DN) tại Đồng Nai đã và đang nỗ lực sắp xếp để ổn định sản xuất nhằm không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa và xuất khẩu.

Theo ông Phạm Văn Cường, Phó ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai, để duy trì sản xuất, hiện đã có khoảng 200 DN trên địa bàn đăng ký phương án “3 tại chỗ”. Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp hơn, đã xâm nhập vào một số DN có đông công nhân, những ngày gần đây đã có thêm nhiều công ty liên hệ với Ban quản lý các KCN Đồng Nai để đăng ký thực hiện “3 tại chỗ”. Song con số này còn khiêm tốn do với một địa phương có đến 31 KCN như Đồng Nai.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, khi tiếp nhận hồ sơ, Ban quản lý các KCN đã cắt giảm tối đa các thủ tục, thậm chí cho DN tham khảo phương án những đơn vị đã được duyệt trước đó để nhanh chóng triển khai.

Doanh nghiệp tận dụng khoảng trống nơi làm việc để bố trí chỗ ngủ lại cho nhân viên.

Ngoài ra, thay vì theo quy định phải đi kiểm tra các điều kiện trước khi DN bố trí người ở lại nơi sản xuất, thì đối với các DN quy mô vừa và nhỏ, Ban quản lý các KCN sẽ chấp thuận cho DN thực hiện ngay phương án “3 tại chỗ” mà không cần kiểm tra. Cơ quan chức năng sẽ đề nghị DN cam kết thực hiện đúng phương án và sẽ kiểm tra sau.

Ông Cường đánh giá, nhìn chung các DN thực hiện “3 tại chỗ” ở Đồng Nai đều có quy mô không lớn, chỉ khoảng vài trăm người lao động trở lại. Các DN này cũng chỉ bố trí ở lại cho khoảng 2/3 tổng số lao động, bởi nhiều trường hợp công nhân không thể ở lại được vì lý do cá nhân. Đối với những người lao động không thể ở lại, các DN sẽ phân ra luồng riêng để tránh trường hợp nếu nhiễm bệnh sẽ lây cho những người ở lại tạm lưu trú trong công ty.

Bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc bố trí nơi tạm lưu trú cho người lao động theo mô hình “3 tại chỗ” để hoạt động sản xuất không bị gián đoạn, góp phần hạn chế việc lây lan dịch bệnh là hoạt động tích cực của DN trong cách ứng phó với dịch bệnh hiện nay. Để mô hình này đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc bảo đảm cơ sở vật chất, lãnh đạo DN cần làm tốt công tác tư tưởng cho người lao động, vì nhiều người chưa hiểu rõ nên còn ngại mô hình “3 tại chỗ”.

“Người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn cùng DN trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. Hoạt động sản xuất thông suốt cũng đồng nghĩa rằng việc làm, thu nhập của người lao động sẽ ổn định”, bà Ý đề nghị.

Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Đồng Nai ở huyện Trảng Bom đã bố trí cho 120 lao động tạm lưu trú tại công ty để kiểm soát dịch bệnh và đáp ứng yêu cầu sản xuất tại chỗ. Công ty đã đầu tư trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt cá nhân thiết yếu cùng không gian lưu trú được rộng rãi để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt và sức khỏe của công nhân. Anh Trần Văn Hải, công nhân của công ty này cho biết, trong tình hình dịch COVID -19 đang có chiều hướng phức tạp thì việc công ty bố trí cho công nhân được ăn, ở, làm việc tại chỗ là hợp lý. Điều này sẽ giúp anh em công nhân thêm an tâm để làm việc.

Tương tự, Công ty CP Toget Việt Nam đóng tại xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom cũng đã tổ chức cho công nhân khối sản xuất lưu trú tại công ty. Ngoài chuẩn bị nơi ăn ở cho công ty này còn hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng/người. Với nhân lực khối văn phòng, công ty cho phép làm việc tại nhà, hưởng nguyên lương. Trong khi đó Công ty CP GreenFeed chi nhánh Đồng Nai cũng đã đưa ra phương án cho 105 lao động ở lại trong khuôn viên nhà máy với điều kiện công ty xét nghiệm COVID-19 cho tất cả cán bộ, công nhân viên, khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 mới được ở lại. Những trường hợp ở lại sẽ được công ty hỗ trợ 100 nghìn đồng mỗi ngày.

Tại Đồng Nai, hàng chục ngàn công nhân tạm thời đã phải nghỉ làm. Đã có nhiều DN tại Đồng Nai thực hiện phương án “1 cung đường 2 địa điểm”.

Theo đó, nhiều DN đã thuê khách sạn, nhà nghỉ cho cán bộ, công nhân viên nghỉ ngơi để hạn chế tiếp xúc với bên ngoài. Hằng ngày, DN sẽ bố trí xe đưa rước người lao động từ nơi ở đến công ty để làm việc.

Ngoài các chợ truyền thống, khu nhà trọ đông công nhân và một số công ty thuộc các khu công nghiệp tại các khu công nghiệp Long Bình, Sông Mây, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn, Nhơn Trạch 2… đồng thời dịch bệnh cũng đã xuất hiện ở một số doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có quy mô lớn với số công nhân lao động rất đông.

Hiện đã có 3 công ty có số lượng công nhân đông nhất tại Đồng Nai phải tạm thời cho hơn 90.000 công nhân nghỉ việc để phòng dịch khi xuất hiện các ca nhiễm COVID -19 ngay trong DN như Công ty Pouchen 17.000 công nhân, Công ty Changshin 42.000 công nhân, Công ty Taekwang Vina 32.000 công nhân. Càng đáng lo ngại hơn khi nhiều công ty tại các KCN trên địa bàn TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu có số lượng rất đông công nhân đang thuê trọ bên ngoài hoặc đang thuê trọ tại các địa bàn bị phong tỏa.

Trước tình trạng này, một số doanh nghiệp cũng đã phải tạm thời ngưng một số dây chuyền sản xuất để chờ công nhân hết thời gian cách ly. Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương yêu cầu các doanh nghiệp tại 8 huyện, thành phố trong nhóm nguy cơ rất cao và nguy cơ cao khẩn trương thực hiện xét nghiệm test nhanh hoặc mẫu gộp cho toàn bộ người lao động. Qua đó, sớm phát hiện tách các F0, F1, F2 ra khỏi lực lượng lao động, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất.

Bảo Sơn
.
.
.