Doanh nghiệp cần quan tâm xu hướng tiêu dùng mới khi mở cửa tái sản xuất

Thứ Ba, 19/10/2021, 09:18

Khảo sát của Công ty Kantar Việt Nam trong tháng 9/2021 tại các TP lớn cho thấy, trong những tháng dịch vừa qua tỷ lệ bi quan của người tiêu dùng (NTD) quá lớn. Có đến 54% hộ gia đình được khảo sát cho biết là họ không ổn, rất khó khăn, phải cắt giảm chi tiêu.

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh, mối quan tâm của NTD đã thay đổi. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) sau khi phục hồi, tái sản xuất, cần tìm hiểu kỹ để đáp ứng nhu cầu của NTD...

Bà Nguyễn Phương Nga- Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam cho biết, khi chưa xảy ra dịch COVID-19 thì NTD quan tâm chủ yếu 3 vấn đề: Sức khỏe, an toàn vệ sinh thực phẩm và thu nhập. Các nhóm sản phẩm được tiêu thụ mạnh gồm các mặt hàng thời trang, chăm sóc sắc đẹp… và đối tượng tiêu dùng chủ yếu là giới trẻ.

Tuy nhiên, qua 4 tháng dịch COVID-19 bùng phát mạnh kể từ đầu tháng 6/2021 thì mối quan tâm mới của NTD là: Dịch bệnh, thu nhập, có việc làm hay không, chi phí lương thực thực phẩm. Các loại sản phẩm tiêu thụ mạnh trong những tháng dịch vừa qua, chủ yếu là thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, tã giấy, sữa bột cho trẻ em… và đối tượng tiêu dùng có cả người trẻ lẫn người lớn tuổi.

Đặc biệt, việc mua sắm online đã tăng mạnh trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Tiki, shoppe, Lazada… với tỷ trọng 50%-50%.

"Trước đây NTD chọn mua hàng có giá trị phù hợp với giá tiền. Còn nay do thu nhập cắt giảm nên NTD chỉ mua những thứ họ thật sự cần. Dự đoán, trong 6-12 tháng tới NTD vẫn tập trung mua sắm các hàng thiết yếu và TMĐT vẫn là kênh mua sắm chủ yếu vì NTD dễ dàng so sánh giá cả", bà Nga nói.

xu_huong_td2-1634609912784.jpg
Doanh nghiệp lo ngại sức tiêu thụ hàng hóa trong thời gian tới sẽ sụt giảm do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhìn nhận: "Trong 4 tháng dịch vừa qua các DN trong ngành lương thực thực phẩm đã cố gắng "gồng" để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, không bị đứt gãy nguồn lương thực thực phẩm cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các DN trong ngành đều là DN vừa và nhỏ nên đến thời điểm này DN cũng đã suy kiệt do tất cả nguồn dự trữ có bao nhiêu đều đã tung ra hết. Vì vậy, để phục hồi tái sản xuất, DN rất cần tài chính".

Cũng theo đại diện của Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, để DN vừa và nhỏ có thể đi vào ổn định sản xuất, Hội cũng từng bước tháo gỡ từng chương trình, từng chính sách, để dứt khoát đi vào tái khởi động lại. Triển vọng nhất là nhóm sản xuất chế biến lương thực thực phẩm xuất khẩu, vì đơn đặt hàng lúc nào cũng có. Ngoài đơn hàng nợ chưa xuất được, do thời gian qua ảnh hưởng dịch bệnh, thiếu công nhân, giá container tăng cao… thì hiện nhiều khách hàng cũng đã tiếp tục đặt hàng mới.

Nhóm hàng chế biến rau củ, trái cây xuất khẩu thì đang tái khởi động lại một cách thận trọng do vẫn còn tiếp tục đứt gãy một phần chuỗi cung ứng trong nước. Riêng thị trường trong nước, hiện các DN cũng đã bắt đầu sản xuất hàng hóa để chuẩn bị hàng cho thị trường lễ, Tết dương lịch, Tết nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong thời gian qua đã làm nhiều người mất việc, giảm thu nhập dẫn đến phải cắt giảm chi tiêu. Khó khăn của NTD cũng chính là khó khăn của DN. DN lo sợ hàng sản xuất ra đủ cung ứng cho thị trường, nhưng sức mua giảm, trong khi đây là mùa làm ăn lớn nhất trong năm.

"Để phục hồi kinh tế trong quý 4, lấy lại được thị trường, lấy lại doanh số không phải là bước đi có thể làm ngay được, mà dự báo về sản lượng, về thị trường trong quý 4 sẽ bị sụt giảm rất nhiều. Còn về xuất khẩu, có thể kéo giúp ngành lương thực thực phẩm với điều kiện là không còn ngăn cách cát cứ giữa các địa phương, để tạo điều kiện cho nguyên liệu, hàng hóa được lưu thông thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng chế biến.

Trong bối cảnh hiện nay, các DN vừa sản xuất, vừa chống dịch, vừa lo lắng vì không biết dịch có bùng phát tại DN mình không, tài chính thì khó khăn, thị trường thì cũng không đảm bảo nguồn tiêu thụ", bà Lý Kim Chi chia sẻ.

"Chúng tôi đo lường trong top 20 ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất thì hầu như lượng thực thực phẩm, hàng đóng gói, tăng trưởng nhiều nhất là thịt hộp, cá hộp, miến khô, bún khô, phở khô, mì gói, cháo ăn liền, xúc xích, bánh mì tươi đóng gói sẵn... sức mua tăng mạnh trong 4 tháng qua ở tất cả các nhãn hiệu. Việc NTD tích trữ hàng hóa quá nhiều dẫn đến việc kinh doanh trong quý 4 của DN sẽ gặp khó khăn", bà Nguyễn Phương Nga cho biết.

Theo đánh giá của bà Nga, trong 4 tháng xảy ra dịch COVID-19, NTD lo sợ dịch bệnh nên tần suất mua hàng giảm mạnh, nhưng mỗi lần mua với số lượng hàng rất nhiều để tích trữ. Sau dịch, thói quen này cũng đã duy trì phần nào vì NTD thấy cách mua sắm này có lợi cho họ. Vậy để đáp ứng với xu hướng tiêu dùng này, DN có thể sản xuất ra sản phẩm lớn hơn mà NTD vẫn thấy có lợi, để tối ưu hóa cho mỗi lần mua sắm.

Ví dụ, với xu hướng tích trữ, mỗi lần mua mỗi khó nên NTD thường mua 2-3 chai nước mắm (loại 1L). Để bắt kịp xu hướng này, DN có thể sản xuất nước mắm loại chai 2L, 5L. Ngoài ra, NTD cũng có xu hướng mua sắm dạng compo các mặt hàng có liên quan (ví dụ compo các mặt hàng thực phẩm tươi sống, compo đồ khô...) nên các DN có thể hợp tác để chia sẻ chi phí trong bán hàng, thu hút được nhiều NTD hơn.

Thúy Hà
.
.
.