Doanh nghiệp cần hội nhập với “kinh tế xanh”
Chưa bao giờ khái niệm “kinh tế xanh” được quan tâm như hiện nay. Người tiêu dùng (NTD) trong nước sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua sản phẩm có tính “xanh” và các nhà nhập khẩu trên thế giới cũng yêu cầu các doanh nghiệp (DN) khẩu xuất (XK) phải đáp ứng tiêu chuẩn “xanh”. Chính vì vậy, việc tăng cường thực hiện hiệu quả năng lượng xanh, sạch đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết của nhiều ngành, lĩnh vực…
Tại thị trường trong nước, xu hướng lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường đã trở thành lựa chọn mới của NTD. Theo kết quả khảo sát của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) cho thấy, trước tình trạng thực phẩm kém chất lượng, hàng giả trên thị trường, NTD đang dần khắt khe hơn trong sự lựa chọn của mình. Ngoài ra, sau dịch COVID-19, ý thức nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng cao. Thực phẩm sạch, an toàn, được kiểm chứng đạt các tiêu chuẩn chất lượng hoặc đạt chứng nhận hữu cơ đang được nhiều gia đình ưu tiên. NTD sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua thực phẩm, đồ uống có nguyên liệu đảm bảo “xanh” và “sạch”.
Theo đó, nhóm ngành thực phẩm, đồ uống có 55% NTD lựa chọn và nhóm ngành hóa mỹ phẩm có 66% NTD lựa chọn yếu tố hàng đầu là sản phẩm đạt vệ sinh an toàn; 43% số người được khảo sát lo ngại DN sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản hay sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất. Đáng chú ý, nỗi lo về hàng giả, hàng nhái chiếm vị trí số 1. Khảo sát trên được thực hiện với 16.715 NTD ở 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
Một khảo sát khác cũng do Hội DNHVNCLC phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thực hiện tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và 3 tỉnh, thành khác “Nghiên cứu NTD về phương tiện giao thông điện”. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 78% NTD được khảo sát cho biết là họ mong muốn sử dụng phương tiện giao thông điện trong tương lai gần.
Thế giới quan tâm đến kinh tế xanh từ năm 2008 và Việt Nam từ năm 2010 đã bắt đầu triển khai khi có chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xanh, hướng đến tầm nhìn năm 2050 sẽ trở thành quốc gia có phát thải carbon bằng 0. Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, NTD ngày nay không chỉ quan tâm sản phẩm chất lượng và giá rẻ mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Xu hướng phát triển “xanh”, bền vững là yêu cầu bắt buộc mà các DN, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ phải nắm bắt và đáp ứng kịp thời.
Việt Nam đã có những bước tiến về mặt chính sách trên con đường này. Bằng chứng là các chính sách phát triển năng lượng tái tạo thông qua cơ chế giá, tốc độ phát triển điện mặt trời, điện gió của Việt Nam hiện đang dẫn đầu trong khu vực. Về phía DN, hiện cũng đã có DN trong ngành nhựa đã có bước tiến đầy bất ngờ vào “kinh tế xanh” và đạt kết quả rất ấn tượng.
Tại Hội thảo “Hành trình đến nền kinh tế xanh” vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN) cho biết, hiện Việt Nam đã xây dựng được hạ tầng tiêu chuẩn cho cộng đồng DN với gần 13.500 tiêu chuẩn quốc gia, trong đó khoảng 65% hài hòa với tiêu chuẩn thế giới, trải dài khắp các lĩnh vực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Linh lưu ý, việc xây dựng tiêu chuẩn không chỉ đơn thuần là công việc của cơ quan Nhà nước, mà việc này cần sự tham gia của cộng đồng DN vào việc xây dựng tiêu chuẩn, để phục vụ lợi ích cho chính DN, biến tiêu chuẩn thành “vũ khí” cạnh tranh của DN Việt.